Rằng hay thì thật là hay...

GIA LÂM (GIÁO VIÊN Q.GÒ VẤP)
GIA LÂM (GIÁO VIÊN Q.GÒ VẤP)

TTO - Bài viết “Một đời học sinh, ba đời học bạ” đã được bạn đọc không chỉ là giáo viên tiểu học mà còn có cả giáo viên THCS và phụ huynh hoan nghênh, đồng tình về việc phản ảnh một bất cập, lộn xộn của ngành giáo dục trong quá trình đổi mới. Vì sao?

Tác giả bài viết cho rằng đã có quá nhiều diễn đàn mở ra góp ý việc đổi mới giáo dục của VN. Vì từ năm 2000 ngành giáo dục - đào tạo đã có nhiều nỗ lực triển khai các phương án đổi mới nhưng trên thực tế, hiệu quả thật sự của việc đổi mới là chưa... có gì!

Nhận định của tác giả nêu lên là: đổi mới, dù theo tiến trình nào, thì mục tiêu của nó là phải nâng cao được chất lượng dạy và học, phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội VN, không chỉ hiệu quả trong nước mà còn ở khu vực và quốc tế. Thế nhưng ở VN, điều này chưa bao giờ đạt được và đó chính là nguyên nhân khiến xã hội bức xúc.

Ngành giáo dục - đào tạo cứ mãi thực hiện đổi mới “trên giấy tờ” hoặc thông qua việc trang bị ngày càng nhiều phương tiện, thiết bị dạy học cốt cho hiện đại, mà hiệu quả đưa đến là ngân sách dành cho giáo dục càng đòi hỏi nhiều hơn, các chương trình xã hội hóa giáo dục (mà thực chất là đóng góp của phụ huynh) càng tăng cao hơn.

Tuy nhiên, cả hai điều này lại không song hành với chất lượng học tập của học sinh. Suốt từ năm 2014 đến nay, đâu phải chỉ hàng chục tỉ đồng dành cho việc thay đổi mẫu mã học bạ đã trôi theo... các sáng kiến đổi mới, mà kéo theo đó còn là chất lượng học sinh thay đổi theo hướng... có vấn đề!

Giáo viên bậc THCS khi tiếp nhận các học sinh lớp 5 lên lớp 6 đầu cấp đã phải “than trời trách đất” vì chất lượng đào tạo “không hiểu nổi” của các trường tiểu học. Nhiều học sinh không viết được chữ, đọc không chạy chữ, thậm chí khả năng nhận mặt chữ và một số phép toán cơ bản hoàn toàn không có.

Nhưng khi mở “học bạ thông tư 30” của các em ra để coi nguồn cơn, thì cứ như đọc “tiểu thuyết diễm tình” với những lời phê chung chung và... rất có cánh!

Ngay cả phụ huynh khi được mời vào trường trao đổi về việc học của con em mình cũng thú thật: do từ lâu căn cứ vào nhận xét của giáo viên ở các lớp tiểu học (phiếu nhận xét lại không có điểm số, không xếp hạng) và các cháu năm nào cũng lên lớp nên gia đình hết sức yên tâm, tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp giáo dục và yên trí là con mình “học được”.

Giờ nhận được kết quả hết sức thê thảm từ các thầy cô cấp II thì bất ngờ, nhưng cũng... không biết phải làm sao?

Từ những thực tế trớ trêu nói trên, chúng tôi tha thiết đặt vấn đề cho lãnh đạo ngành giáo dục: đã đến lúc ngành phải tiến hành đổi mới thật sự, đi vào thực tế đời sống, chứ không chỉ những quyết sách vừa “đi trên mây” vừa “đầu voi đuôi chuột”.

Ngành phải tự đặt ra những câu hỏi nghiêm khắc cho chính mình và bằng mọi giá phải có câu trả lời thuyết phục.

Ngoài việc ban hành những chỉ thị, những yêu cầu rất cao về đổi mới, những khẩu hiệu và những dự án hoành tráng nhưng ít thực chất thì ngành đã thật sự đổi mới chất lượng giáo dục như thế nào?

Chúng ta đã qua 16 năm của thế kỷ 21, mà người dân VN vẫn phải đặt ra những vấn đề như thế này với ngành giáo dục thì e rằng những tuyên bố hùng hồn về “đổi mới giáo dục” cũng sẽ đi về hướng “rằng hay thì thật là hay, kết quả ngậm đắng nuốt cay... quá chừng!”.

GIA LÂM (GIÁO VIÊN Q.GÒ VẤP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên