0h ngày 25-1 (tức rằm tháng chạp), nhiệt độ tại Hà Nội giảm xuống còn 9 độ C, trời buốt giá, nhưng hàng trăm người dân vẫn đến trước phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ) để lễ vọng.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại thời điểm trên, nhiều người dân, đa phần là các bạn trẻ đã có mặt rất đông trước cổng của phủ Tây Hồ, tay bê mâm lễ vật, hoa quả, nến, hương, tiền lẻ... để lễ, vái vọng.
Dù thời tiết giá rét nhưng nhiều người cho biết không hề ngần ngại đi lễ phủ giữa đêm, với lời cầu mong cho bản thân, gia đình những ngày cuối năm may mắn, nhiều sức khỏe và bình an.
Cùng 3 người bạn khác đến phủ Tây Hồ để lễ, vái vọng giữa đêm, bạn Vũ Hoài Thương (23 tuổi, Hà Nội) cho biết đến phủ để cầu mong bình an, sức khỏe.
"Dù trời khá rét nhưng chúng em đều đã đi làm không có thời gian đi ban ngày, nên quyết định tranh thủ đi lễ phủ giữa đêm. Đây là lần đầu tiên chúng em đi lễ giữa đêm như thế này, đến đây em khá bất ngờ vì cũng có nhiều người đến để lễ phủ" - Thương nói.
Anh Nguyễn Văn Mạnh (25 tuổi, Hà Nội) nói: "Mình đến đây để cầu mong cho bản thân, gia đình, bạn bè đều mạnh khỏe bình an, công việc thuận lợi hanh thông, có một cái Tết an lành.
Ngày rằm và ngày đầu tháng mình thường đi lễ phủ vào giữa đêm, mình hơi có một chút tín ngưỡng về tâm linh, nên dù hôm nay rất rét nhưng mình vẫn đi".
Theo ghi nhận, những gian hàng bán lễ vật, người trông xe, viết sớ... bên ngoài phủ Tây Hồ cũng chong đèn xuyên đêm để phục vụ nhu cầu của người dân.
Phủ Tây Hồ được xây dựng từ thế kỷ 17, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của người dân thủ đô và nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hiến của thủ đô.
Phủ Tây Hồ thờ Liễu Hạnh công chúa - bà là một nhân vật trong truyền thuyết và là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng làm vỡ ly ngọc quý, sau đó bị đày xuống trần gian.
Trong thời gian ở dưới trần gian, bà đã quyết định dừng chân ở Hồ Tây để diệt ma quái, giúp người dân an cư lạc nghiệp. Chính vì vậy, phủ Tây Hồ thờ Mẫu Liễu Hạnh và trở thành chốn linh thiêng của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận