09/10/2024 11:45 GMT+7

Rác ‘tấn công’ hồ Ánh Dương ở Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM

Sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM phản ánh tình trạng hồ Ánh Dương thường xuyên bị rác khu vực gần đó 'tấn công'. Nhà trường phải dùng hàng rào chắn để ngăn bớt rác.

Rác ‘tấn công’ hồ Ánh Dương ở Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM - Ảnh 1.

Rác nổi lềnh bềnh ở hồ Ánh Dương (khuôn viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại khu vực hồ Ánh Dương, thuộc khuôn viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM). Hồ này nằm sát với tòa nhà B4, lối từ cổng C của trường vào khoảng 200m, luôn có nhiều sinh viên học tập, đi lại và là một biểu tượng của trường.

Thế nhưng vài năm trở lại đây, tình trạng ô nhiễm tại hồ Ánh Dương do rác thải từ hướng khu dân cư cạnh đó lùa về thường xuyên làm mất mỹ quan.

Nhà trường cùng Đại học Quốc gia TP.HCM đã nhiều lần tổ chức "hoạt động xanh", có sự tham gia của cán bộ, giảng viên, công nhân viên chức và sinh viên để vớt và thu gom rác nhằm giảm đi phần nào tình trạng ô nhiễm.

Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn và sự hỗ trợ từ các đơn vị có thẩm quyền.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, nguồn rác tại hồ Ánh Dương chủ yếu từ một con rạch phía sau chợ Nhân Văn (chợ tự phát) rồi qua đường cống nước, lùa về đây gây ô nhiễm. Đặc biệt vào những ngày mưa lớn, đủ thứ loại rác tràn về, ứ đọng bốc mùi hôi nồng nặc.

Rác ‘tấn công’ hồ Ánh Dương ở Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM - Ảnh 2.

Các hàng rào chắn được dựng lên để ngăn rác - Ảnh: CHÂU TUẤN

Liên quan vấn đề này, Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM - cho biết ngay khu vực đó có con dốc lớn, nước chảy và lùa rác về hồ Ánh Dương của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, làm nước bị ô nhiễm.

Do đó, ngay từ đoạn dốc xuống phía dưới hiện phải làm 2-3 rào chắn bằng lưới sắt để giảm rác lùa về. Đồng thời, ngay bên trong hồ cũng có một lớp rào để rác không lan diện rộng. Sinh viên dọn và vớt hoài cũng không xuể.

Ngoài ra, ngay cổng trường tới hồ Ánh Dương có tình trạng lén đổ rác. Cuối năm 2022, đầu năm 2023, Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị cũng phối hợp với địa phương bố trí dân quân trực mới giảm bớt.

Do đây là địa bàn giáp ranh hai địa phương TP Thủ Đức và TP Dĩ An, dân từ nhiều nơi đến thuê trọ sống tạm bợ… nên từ nhiều năm trước đã khá phức tạp. Tuy nhiên, hiện nay Đại học Quốc gia TP.HCM đã có sự chuyển mình về cảnh quan, vệ sinh môi trường.

Một số tuyến đường được đầu tư mở rộng, vỉa hè thông thoáng và cùng nhiều cụm camera an ninh được lắp tại các giao lộ trọng điểm, khu vực tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự và đổ lén rác.

Trong thời gian tới Trung tâm Quản lý và phát triển khu đô thị sẽ phối hợp chặt chẽ với Công an TP Thủ Đức, Công an Dĩ An để tăng cường tuần tra, kiểm tra tại các điểm nóng.

Vì trung tâm không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ ngăn chặn, phát hiện và thông báo, nên về lâu dài sẽ kiến nghị các đơn vị liên quan, địa phương chỉn chu hơn trong việc tổ chức thu gom rác thải theo quy định.

Rác ‘tấn công’ hồ Ánh Dương ở Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM - Ảnh 3.

Bên trong hồ Ánh Dương cũng có các hàng rào chắn ngăn rác lan rộng - Ảnh: CHÂU TUẤN

Rác ‘tấn công’ hồ Ánh Dương ở Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM - Ảnh 7.Mặt bằng ở Đại học Quốc gia TP.HCM sau 3 thập kỷ vẫn như 'tấm da beo loang lổ'

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đại học Quốc gia TP.HCM đã dần hình thành diện mạo một đô thị đại học hiện đại. Tuy nhiên, hạ tầng nhiều nơi vẫn bị nghẽn, một số mặt bằng bị lấn chiếm trái phép, “lởm chởm da beo”.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên