21/02/2020 09:56 GMT+7

Rắc rối vụ kiện một ông, ba bà

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Một người đàn ông chung sống với cả ba người phụ nữ. Rắc rối nảy sinh khi ông qua đời chỉ để lại di sản thừa kế cho hai người "vợ hờ" mà bỏ quên người vợ chính thức khiến bà đâm đơn kiện ra tòa.

Rắc rối vụ kiện một ông, ba bà - Ảnh 1.

Sau khi hòa bình lập lại, lẽ ra ông phải về sum họp với gia đình thì ông lại đi sống chung với người phụ nữ khác. Khi có tài sản ông cũng đem đi cho người ta mà không xem xét đến công sức và sự cực khổ của tôi trong mấy chục năm qua.

Bà TRẦN THỊ LAN

Bà Trần Thị Lan (67 tuổi, quê Hà Nam) là nguyên đơn trong vụ kiện "yêu cầu tuyên bố hủy di chúc không hợp pháp, chia di sản thừa kế" đối với bị đơn là người vợ thứ ba và con riêng của chồng mình là bà Nguyễn Thị Phụng (43 tuổi) và chị Nguyễn Thị Linh (22 tuổi).

Điều đáng nói là tài sản tranh chấp trong vụ kiện được tạo lập từ người chồng và người vợ thứ hai, nhưng cả hai người này đều đã qua đời.

Người vợ bị bỏ quên

Năm 1965, bà Lan và ông Nguyễn Văn Chung cưới nhau. Thời điểm đó, ông Chung là cán bộ phòng giáo dục và đào tạo một huyện của tỉnh Hà Nam, bà Lan là giáo viên. Việc kết hôn được đăng ký tại UBND xã.

Sau khi kết hôn, ông Chung được lệnh nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường miền Nam, còn bà Lan vẫn công tác tại địa phương. Năm 1966, bà Lan sinh con đầu lòng nhưng đứa trẻ vừa sinh đã mất do bị bệnh.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Chung về địa phương ở và bà Lan mang thai đứa con thứ hai. Sau đó, ông Chung được điều động đi công tác tại Bình Phước. Đứa con thứ hai của ông bà sinh ra cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam và qua đời.

Điều đáng nói là trong thời gian công tác tại Bình Phước, ông Chung sinh sống như vợ chồng với bà Nguyễn Thị Mừng từ năm 1989. Bảy năm sau, ông tiếp tục có tình cảm với bà Nguyễn Thị Phụng (43 tuổi) và sinh một con gái tên Nguyễn Thị Linh.

Đến năm 2000, bà Phụng và con gái chuyển về chung sống hòa thuận với ông Chung và bà Mừng. Bà Mừng được xem là vợ cả, bà Phụng được xem là vợ lẽ của ông Chung.

Năm 2006, sau khi ông Chung mất, hai người vợ và chị Linh chung sống với nhau tại căn nhà do ông Chung để lại.

Khởi nguồn của vụ kiện là trước khi mất, ông Chung lập di chúc định đoạt toàn bộ tài sản giữa ông và bà Mừng tạo dựng. Cụ thể, bà Mừng được thừa kế mảnh đất gần 4.000m2 và 1 xe máy. Bà Phụng được thừa kế mảnh đất rộng 50m2 và 1 tivi.

Chị Linh (con chung của ông với bà Phụng) được hưởng thửa đất có diện tích hơn 20.000m2, nhà, xe máy, tivi, bàn, ghế, giường... Cháu ruột ông Chung được thừa kế 1 căn nhà cấp 4 diện tích 50m2. Riêng bà Lan không được nhắc gì trong di chúc.

"Ông đi biền biệt, không xem xét đến công sức của tôi trong gần 50 năm nuôi dưỡng mẹ chồng, chăm sóc các con và anh trai của ổng bị tàn tật. Tôi thay ông thực hiện nghĩa vụ thờ phụng cha mẹ, thờ các con sau khi họ chết. Chúng tôi là vợ chồng hợp pháp. Vì vậy tài sản được tạo lập giữa chồng tôi và bà Mừng phải có một phần của tôi" - bà Lan trình bày.

Tại đơn khởi kiện, bà Lan đề nghị chia tất cả tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên ba thửa đất tại Bình Phước làm hai phần. Một phần của ông Chung, một phần của bà Mừng.

Phần tài sản của ông Chung bà đề nghị chia làm ba phần: bà được hưởng hai phần, phần còn lại chia cho chị Linh là con riêng của ông Chung với người vợ thứ ba.

Quá rắc rối!

Khi thụ lý vụ án, TAND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã mất nhiều công sức để thu thập chứng cứ, xác định các hàng thừa kế, triệu tập những người liên quan bởi ông Chung và bà Mừng đều đã qua đời.

Trong khi đó, giấy đăng ký kết hôn của ông Chung và bà Lan, giấy khai tử của hai người con của họ đều bị thất lạc do thiên tai địch họa. Tòa án đã phải tiến hành xác minh tại địa phương, trích lục hồ sơ đăng ký kết hôn từ 55 năm trước.

Kết quả cho thấy ông Chung và bà Lan có đăng ký kết hôn và chưa ly hôn. Đồng nghiệp, bạn bè, bà con lối xóm của bà Lan tại Hà Nam cũng xác nhận họ được mời dự đám cưới của bà Lan và ông Chung.

Xác minh hồ sơ lý lịch đảng viên của ông Chung cũng thể hiện phần kê khai tên vợ là Trần Thị Lan.

Cháu ruột của ông Chung cũng được triệu tập đến tòa. Người này xác nhận bà Lan đã chăm sóc anh trai, cha mẹ chồng chu đáo từ khi kết hôn đến khi họ qua đời.

Theo người cháu này, năm 1989 ông Chung có báo với gia đình về việc cho ông được sống chung với bà Mừng để có người bầu bạn. Các thành viên trong gia đình và bà Lan đều đồng ý. Vì vậy hai người đã chung sống với nhau từ năm 1989 đến khi chết.

Do bà Mừng đã qua đời nên anh chị em ruột của bà được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Họ được xác định là hàng thừa kế thứ hai của bà Mừng. Bà Phụng - vợ thứ ba - và con riêng của ông Chung cũng được triệu tập đến tòa.

"Tôi không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà Lan vì bà Lan và ông Chung không phải là vợ chồng. Bà Lan không có chứng cứ gì chứng minh cho quan hệ này. Ông Chung chỉ có vợ duy nhất là bà Mừng. Họ không đăng ký kết hôn nhưng sống chung với nhau từ năm 1987, họ là vợ chồng hợp pháp" - bà Phụng trình bày.

Bà dùng mọi lý lẽ để bảo vệ cho người vợ thứ hai là bà Mừng và bác bỏ vai trò của người vợ thứ nhất là bà Lan.

Theo tòa, kết quả xác minh cho thấy bà Lan và ông Chung là vợ chồng hợp pháp. Hai người chưa ly hôn nhưng ông Chung lại tiếp tục sống chung với bà Mừng là vi phạm điều cấm của pháp luật.

Sau đó, ông Chung lại sống chung với bà Phụng rồi tự xác định bà Phụng là vợ kế là vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình.

Về tài sản chung, do ông và bà Mừng không phải vợ chồng nên tài sản họ để lại là tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất. Hai người có quyền định đoạt ngang nhau đối với tài sản. Tuy nhiên, trong di chúc ông Chung lại định đoạt toàn bộ tài sản là vi phạm quy định của Bộ luật dân sự.

Từ đó, tòa xác định bà Lan và chị Linh thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Chung. Bà Mừng và bà Phụng không phải vợ hợp pháp nên không được hưởng thừa kế. Chị Linh được hưởng di sản nhà đất do cha để lại trị giá hơn 1,5 tỉ đồng.

Bà Lan được thừa hưởng thừa kế nhà đất, cây cối, bể nước... trị giá khoảng hơn 1 tỉ đồng. Do tài sản chia cho bà Lan ít hơn nên buộc chị Linh hoàn trả cho bà Lan hơn 200 triệu đồng.

Đối với các tài sản do bà Mừng để lại trị giá hơn 2 tỉ đồng, tòa án đã tuyên cho anh chị em ruột của bà được hưởng.

Khi vợ 3 đòi chia tài sản...

Gửi đơn yêu cầu đến tòa, bà Phụng không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của người vợ cả và ý kiến các đại diện của người vợ thứ hai.

Theo bà Phụng, ông Chung và bà Mừng không có con chung nhưng khi còn sống, bà Mừng đã hết lòng yêu thương chị Linh như con ruột. Từ đó, bà Phụng đề nghị tòa án bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định chị Linh là con nuôi của bà Mừng, giao toàn bộ nhà đất, sổ tiết kiệm của ông Chung và bà Mừng để lại cho chị Linh quản lý.

Tuy nhiên yêu cầu này của bà Phụng bị tòa án bác bỏ. Theo tòa, khi còn sống bà Mừng không làm thủ tục đăng ký nhận con nuôi theo quy định của pháp luật. Từ đó không có cơ sở xác định chị Linh là con nuôi của bà Mừng, không làm phát sinh quan hệ con riêng của chồng với mẹ kế theo quy định của Bộ luật dân sự.

Vui buồn vụ kiện ở làng quê: Cần cơ chế để áp dụng tập quán khi xét xử Vui buồn vụ kiện ở làng quê: Cần cơ chế để áp dụng tập quán khi xét xử

TTO - Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định khi các bên không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định, tòa án được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự. Chỉ cần tập quán đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên