07/02/2020 16:02 GMT+7

Vui buồn vụ kiện ở làng quê - Kỳ 1: Chỉ tại... nước tràn bờ đê

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Ở các vùng quê, hai nhà hàng xóm ở cạnh nhau có khi chỉ cách một bờ giậu, ruộng vườn cũng ở sát bên cạnh nên chỉ cần chút mâu thuẫn là tranh chấp nảy sinh. Từ những người hàng xóm thân cận, họ đâm đơn kiện nhau ra tòa.

Vui buồn vụ kiện ở làng quê - Kỳ 1: Chỉ tại... nước tràn bờ đê - Ảnh 1.

Vào một đêm nước lũ ầm ầm kéo về, nước tràn bờ đê gây ngập úng hàng ngàn mét vuông hoa màu, bà Trần Thị Phương (ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) liền khởi kiện người hàng xóm có ruộng kế bên vì... đắp bờ đê không chắc chắn.

Tiếc tiền đắp đê, phải bồi thường cho hàng xóm

Theo bà Phương, từ năm 2012 bà có trồng 1.000 cây cam trên diện tích hơn 3.000m2 đất. Ba năm sau, bà tiếp tục trồng 1.000 cây cam nữa. Đến năm 2017, bà tiếp tục trồng thêm 3.000 cây dưa leo. Thời điểm đó, chính quyền địa phương có vận động bà con làm đê bao khép kín. 

Tổng số hộ dân được huy động đắp bờ đê là 38 hộ. Riêng vợ chồng ông Nguyễn Văn Hùng và bà Trần Thị Nhung (người có ruộng gần nhà bà Phương) không đồng ý làm đê bao dù địa phương nhiều lần vận động. Sau đó, vợ chồng ông Hùng tự đắp và gia cố bờ đê nhưng không chắc chắn như địa phương làm.

Tối 7-1-2017, mưa lũ ập đến làm bể đê tại đoạn hộ ông Hùng, nước tràn vào làm ngập vườn cam và dưa leo nhà bà Phương. Sau khi nước rút, dưa leo bị héo rũ, cháy dây trên diện tích hơn 1.000m2. Cam cũng vào vụ thu hoạch nhưng chưa bán thì bị ngập nên trái rụng gần hết. Bà Phương làm đơn trình báo chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết nên đã đâm đơn kiện vợ chồng ông Hùng ra tòa, yêu cầu bồi thường 8,4 triệu đồng.

"Chính quyền địa phương vận động làm đê nhưng tui không đồng ý vì đoạn đắp đê tui đã trồng cam. Nhà nước muốn đắp đê thì phải bồi thường tiền cây trên đất tui thì tui mới cho đắp đê. Sau đó địa phương làm đê ngăn lũ, khi đi ngang đất nhà tui thì không gia cố nên tui tự đắp đê ngăn nước" - ông Hùng lý giải về đoạn đê bao không chắc chắn của mình.

Theo ông Hùng, nguyên nhân đê vỡ là do đỉnh triều cao của năm, phần chân đê đoạn qua đất nhà ông chưa được gia cố, đất mềm nên bị vỡ bờ. Thời điểm này địa phương cũng cho thông hai ống dẫn nước nên áp lực nước rất lớn. Việc nước ngập dưa leo và cam nhà bà Phương, vợ chồng ông Hùng chỉ đồng ý hỗ trợ 50% giá trị dưa leo bị thiệt hại là hơn 1,7 triệu đồng.

Xét xử sơ thẩm, TAND huyện Tam Bình đã ghi nhận sự tự nguyện của ông Hùng bồi thường cho bà Phương 1,7 triệu đồng. Ngoài ra, tòa tuyên vợ chồng ông phải bồi thường thêm cho bà Phương 6,7 triệu đồng thiệt hại do hoa màu bị ngập úng. Ông Hùng kháng cáo cho rằng nguyên nhân nước vỡ đê không phải do vợ chồng ông. Ông cũng rút lại yêu cầu tự nguyện hỗ trợ tiền dưa leo cho bà Phương.

Quá trình xét xử phúc thẩm, tòa án ra sức hòa giải, phân tích nguyên nhân vỡ đê cho hai bên cùng hiểu. Theo tòa, đê vỡ có nhiều nguyên nhân. Trong đó ông Hùng có một phần lỗi khi địa phương vận động đắp đê ngăn lũ thì ông không đồng ý. Do ông tự đắp nên không chắc chắn khiến đê bị vỡ. Đối chiếu với các quy định của pháp luật, ông Hùng phải chịu 50% lỗi trên yêu cầu bồi thường của bà Phương.

Trước phân tích thấu tình đạt lý của vị chủ tọa, bà Phương đồng ý nhận hỗ trợ 3 triệu đồng. Ông Hùng đồng ý sẽ bồi thường số tiền này. Thỏa thuận của các bên đã chấm dứt tranh chấp kéo dài suốt hơn hai năm trời từ vụ vỡ đê năm 2017.

Chỉ tại... con gà đi lạc

Một vụ kiện khác khá hi hữu giữa hai người hàng xóm ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp xuất phát từ việc ông Lê Huy Tuấn (50 tuổi) thường xuyên bị mất gà.

Tại đơn gửi đến tòa, ông Tuấn cho biết ông nuôi gà nòi với số lượng lớn. Ông không làm chuồng trại để nhốt gà, chỉ rào lưới xung quanh nhà nhưng đàn gà của ông cứ bị thiếu hụt dần. Tổng số gà bị mất nhiều lần đến hơn 20 con. Ông Tuấn không nói cho ai biết mà âm thầm theo dõi và vái thầm rằng nếu bắt được người trộm gà ông sẽ cúng tạ trời đất một con heo!

Cuối năm 2013, do nghi ngờ hàng xóm là bà Miên bắt gà nên ông bỏ thời gian đi rình. Một đêm nọ, ông thấy bà Miên bắt con gà của ông bỏ vào bao rồi mang cột vào bụi tre. Sau khi bà Miên vào nhà, ông đi đến xem con gà bà Miên vừa bắt, rồi đi kể cho bốn người hàng xóm biết chuyện.

Suốt quá trình xét xử, ông Tuấn xác định chỉ có một mình ông nhìn thấy bà Miên bắt gà của ông bỏ vào bao. Ông cũng không có chứng cứ gì chứng minh việc này ngoài lời nói. Ông cũng không có chứng cứ gì về việc bà Miên là người đã bắt hơn 20 con gà của ông trước đó.

Sau khi vụ việc xảy ra, ông Tuấn mời anh chị em bà Miên đến nói chuyện. Mọi người khuyên ông Tuấn đừng làm lớn chuyện, để họ kêu bà Miên mua heo cho ông cúng, nhưng sau đó bà Miên không chịu. Cả hai đưa nhau ra chính quyền địa phương. Ông Tuấn yêu cầu bà Miên phải mua cho ông một con heo để ông cúng, nếu không thì phải bồi thường cho ông 4 triệu đồng. Vì bà Miên không chịu nên ông kiện ra tòa.

Tại các phiên xử, ông Tuấn không nhớ đã mất bao nhiêu con gà, mỗi con gà có trọng lượng bao nhiêu ký, mỗi ký bao nhiêu tiền. Ông Tuấn chỉ yêu cầu bà Miên phải bồi thường cho ông khoảng 20 con gà với số tiền hơn 4 triệu đồng. 

Còn bà Miên lý giải: "Tôi nuôi vịt lấy trứng, có làm chuồng trại nuôi nhốt mà gà nhà người khác cứ đến ăn thức ăn tôi rải cho vịt. Do không biết gà của ai đến ăn thức ăn của vịt nên tôi mới bắt một con bỏ vào bao, cột lên bụi tre xem có ai đến nhận thì tôi sẽ nói chuyện phải trái. Khi tôi treo con gà lên bụi tre thì sau đó ông Tuấn lấy về làm thịt ăn, giờ bắt tôi bồi thường là vô lý". Từ đầu đến cuối, bà Miên không thừa nhận mình là người trộm gà của ông Tuấn.

Theo hội đồng xét xử, việc ông Tuấn mất gà nhưng nghi ngờ bà Miên lấy là không có căn cứ. Như vậy, có thể khẳng định bà Miên không gây thiệt hại cho ông Tuấn. Việc ông bị mất gà không phải do bà Miên gây ra. Quá trình giải quyết vụ án, ông Tuấn cho rằng có một số người dân chứng kiến việc bà Miên bắt gà của ông. Tuy nhiên, khi tòa án xác minh, những người này đều khẳng định không biết việc bà Miên bắt trộm gà mà chỉ nghe ông Tuấn kể lại. Từ đó, tòa bác đơn khởi kiện của ông Tuấn. Do đơn khởi kiện bị bác nên ông Tuấn còn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Mưa gây đổ tường, ai phải bồi thường?

Một vụ kiện khác cũng do... trời mưa giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Nhung (ngụ tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) với bị đơn là người hàng xóm. Vụ việc xuất phát từ tháng 9-2016, do mưa bão nên chuồng bò nhà bà Nguyễn Thị Lan bị sập làm bể đường ống dẫn phân từ chuồng heo xuống hầm biogas nhà bà Nhung. Bà Nhung yêu cầu bà Lan khắc phục nhưng bà Lan không đồng ý. Sau đó, bà Nhung khởi kiện ra tòa yêu cầu bà Lan bồi thường 26 triệu đồng tiền xây hầm biogas và tiền gas sử dụng trong 1 năm.

Tại tòa, bà Lan không đồng ý bồi thường vì cho rằng trời mưa gây sập chuồng bò làm bể đường ống biogas, chứ bà hoàn toàn không có lỗi. Xử sơ thẩm, TAND thị xã An Khê cho rằng tường gạch chuồng bò bị sập gây vỡ đường ống hầm biogas là do trời mưa bão chứ không phải do bà Lan gây ra. Thiệt hại xảy ra là bất khả kháng nên bà Lan không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Tòa án tuyên bác đơn khởi kiện của bà Nhung.

Con bò, con gà đi lạc, một khóm cây mọc không đúng chỗ, một cơn mưa lũ bất ngờ... cũng làm nảy sinh tranh chấp tại các làng quê. Những người dân chân chất trở thành nguyên đơn, bị đơn trong các vụ kiện dân sự đòi tài sản.

Nhưng không phải tranh chấp nào cũng có điều luật quy định. Có khi những người "cầm cân nảy mực" phải áp dụng phong tục tập quán của địa phương và lý lẽ phải trái đúng sai để phân xử...

Mẹ nuôi kiện con đòi... tiền công nuôi dưỡng Mẹ nuôi kiện con đòi... tiền công nuôi dưỡng

TTO - Vụ án khá hi hữu xảy ra tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ giữa mẹ và con nuôi. Mâu thuẫn xảy ra do người con hợp với cha nuôi hơn mẹ, khiến mẹ giận.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên