08/02/2020 09:54 GMT+7

Vui buồn vụ kiện ở làng quê - Kỳ 2: Con rể kiện cha mẹ vợ đòi vàng cưới

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Chỉ ba ngày sau khi đám cưới diễn ra, cô dâu ôm toàn bộ tài sản gồm: vàng, xe máy, điện thoại, tiền mặt... bỏ trốn không tăm hơi nên người chồng đành phải kiện cha mẹ vợ ra tòa để đòi.

Vui buồn vụ kiện ở làng quê - Kỳ 2: Con rể kiện cha mẹ vợ đòi vàng cưới - Ảnh 1.

Những vụ kiện đòi vàng cưới thường xảy ra ở một số làng quê. Tuy nhiên, tùy nội dung từng vụ việc và phong tục tập quán địa phương mà tòa án lại có cách xét xử khác nhau.

Vừa mất vợ, vừa mất vàng

Vụ kiện "tranh chấp đòi lại tài sản" diễn ra tại TAND tỉnh Sóc Trăng đều không có nguyên đơn, bị đơn, cũng không có người liên quan tham dự. 

Tại đơn khởi kiện gửi đến tòa, anh Huỳnh Văn Quynh (48 tuổi, ngụ tại Canada, tạm trú tại tỉnh Sóc Trăng) đã tố cáo cha mẹ vợ có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của anh thông qua việc cho con gái ông bà kết hôn với anh rồi bỏ trốn.

Vụ việc bắt nguồn từ ngày 20-11-2016, anh Quynh nhờ người mai mối gặp vợ chồng ông Đinh Văn Hoàng (ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), hỏi cưới con gái ông Hoàng là chị Phượng (25 tuổi). 

Vợ chồng ông Hoàng đồng ý gả con cho anh Quynh với điều kiện: anh Quynh phải sắm xe máy, vàng và điện thoại cho chị Phượng trước đám cưới. Anh Quynh đồng ý và... 19 ngày sau đám cưới diễn ra.

Tuy nhiên, chỉ ba ngày sau đám cưới, cô dâu đã "cao chạy xa bay" mang theo toàn bộ tài sản chồng đã sắm sửa trước đó. Tìm vợ không được, anh Quynh mời cha mẹ vợ đến nhà để bàn cách giải quyết. 

Ông Hoàng đã nhận sai và trả lại cho con rể 11,6 chỉ vàng 24k. Đồng thời, ông Hoàng hứa sẽ tìm con gái và mang xe máy cùng số vàng còn lại để trả cho "con rể".

Đến hẹn, vợ chồng ông Hoàng vẫn không trả lại tài sản, sau đó thừa nhận đã đem tiền cho người thân mượn và tiêu xài hết. Còn vàng và xe máy thì chưa tìm được con gái nên không thể trả lại. Anh Quynh liền ra điều kiện cho cha mẹ vợ phải trả tài sản và tiền lãi trong thời hạn một năm nhưng phải trả trước số tiền lãi tượng trưng. 

Một thời gian sau vẫn không thấy cha mẹ vợ có động tĩnh gì, anh Quynh đành khởi kiện ra tòa, yêu cầu đòi lại tổng số tiền 72,5 triệu đồng gồm: phân nửa tiền nạp tài đám cưới, đám hỏi 20 triệu đồng, một xe máy Yamaha trị giá 35 triệu đồng, số vàng chị Phượng mang theo lúc bỏ đi là 17,5 triệu đồng...

"Tui thừa nhận có nhận tiền nạp tài đám hỏi và đám cưới của Quynh tổng cộng 40 triệu đồng. Đám cưới diễn ra ở nhà tui. Sau đó, tui cũng đã tổ chức tại nhà hàng với 10 mâm. Đám cưới đều do Quynh lo liệu. 

Nay Quynh đòi lại số tiền nạp tài tui không đồng ý vì vợ chồng tui đã gả con, có đám cưới đàng hoàng. Vàng cưới thì gia đình tui đã trả cho Quynh 11,6 chỉ. Số còn lại do Phượng giữ chứ tui đâu có giữ. Xe máy cũng do Phượng nó giữ chứ tui đâu có xài mà bắt tui trả" - ông Hoàng trình bày trong đơn gửi đến tòa.

Phiên tòa diễn ra chỉ có người đại diện ủy quyền của anh Quynh có mặt. Theo hội đồng xét xử, quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn, bị đơn đều thừa nhận giữa anh Quynh và chị Phượng mặc dù chưa đăng ký kết hôn nhưng có tổ chức cưới hỏi theo phong tục tập quán của người Việt. 

Tòa án đã tham khảo phong tục tập quán cưới hỏi tại tỉnh Sóc Trăng thì thấy trước khi cưới hỏi nhà trai phải đưa cho nhà gái một số tiền nhất định để gia đình nhà gái làm cơm đãi họ hàng. Đây không phải là thủ tục bắt buộc mà do hai bên gia đình thỏa thuận.

Tại đơn khởi kiện, anh Quynh và đại diện ủy quyền đều thừa nhận đã tự nguyện nộp số tiền này cho nhà gái làm đám cưới và đám hỏi. Trên thực tế, gia đình ông Hoàng cũng đã tổ chức đám cưới. Do đó việc anh Quynh đòi lại phân nửa số tiền nạp tài là không có căn cứ chấp nhận.

Đối với chiếc xe do anh Quynh mua cho vợ, tòa án xác minh cho thấy chiếc xe này được mua trước ngày cưới, mọi giấy tờ đều do chị Phượng đứng tên nhưng không có tài liệu, chứng cứ nào thể hiện việc anh Quynh mua chiếc xe này bằng nguồn tiền của mình.

Về số vàng cưới, đại diện của anh Quynh thừa nhận cho trong ngày cưới theo phong tục tập quán địa phương. Tòa án cho rằng số vàng này là tài sản riêng anh Quynh tặng cho vợ trước sự chứng kiến của nhiều người. 

Vì vậy, đây là tài sản riêng của chị Phượng. Anh Quynh cho rằng khi tặng số vàng này thì chị Phượng phải làm vợ anh, không thì phải trả lại vàng nhưng anh không xuất trình được tài liệu, chứng cứ nào để chứng minh thỏa thuận này có trên thực tế.

Do đó, toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh Quynh đều bị tòa án bác bỏ. Anh Quynh đành ngậm ngùi chịu cảnh vừa mất vợ, vừa mất vàng...

Vàng cha mẹ cho: phải chia đôi

Cũng là một vụ kiện đòi vàng cưới nhưng tòa án lại vận dụng phong tục tập quán địa phương để có phán quyết khác nhau. Nguyên đơn, anh Ngô Văn Dương (29 tuổi, ngụ tại TP Cần Thơ) kiện vợ ra tòa xin ly hôn và đòi vàng cưới. 

Theo anh Dương, anh và chị Phương yêu thương nhau rồi tự nguyện tiến đến hôn nhân, có đăng ký kết hôn tại UBND phường. Hai vợ chồng chung sống hạnh phúc trong một năm đầu thì sau đó phát sinh nhiều mâu thuẫn. 

Nguyên nhân là do mẹ anh Dương mượn vàng cưới nhưng chị Phương không cho, còn có những lời lẽ thiếu tôn trọng đối với gia đình anh. Mặt khác chị Phương thường bỏ đi về nhà mẹ ruột, anh nhiều lần đến khuyên chị về nhưng chị không chịu. Từ đó, anh xin ly hôn và đòi lại một nửa số vàng cưới mà cha mẹ anh đã cho chị Phương vào ngày cưới gồm bông tai, lắc tay, kiềng, dây chuyền...

"Mâu thuẫn của vợ chồng tui là do mẹ chồng thường xuyên mượn vàng cưới. Tuy nhiên, mẹ chồng tui muốn lấy vàng là để trả nợ cho anh Dương. Đây là số nợ anh Dương gây ra trước khi cưới mà bà cứ bắt tui trả là không được. Trong khi đó chồng tui mê chơi game, không lo làm ăn, không quan tâm đến vợ con. 

Tui đồng ý ly hôn nhưng không đồng ý trả lại 30 chỉ vàng cưới. Đây là số vàng mà đại diện nhà trai nói cho riêng cô dâu trong ngày cưới. Hơn nữa, thời điểm đám hỏi, tui và anh Dương chưa đăng ký kết hôn nên chưa phải là vợ chồng. Vàng cưới là tài sản trước hôn nhân của tui nên tui không đồng ý trả" - chị Phương trình bày.

Khi thụ lý vụ án, tòa án đã mời đại diện họ nhà trai, đại diện họ nhà gái và chính quyền địa phương đến để tham khảo ý kiến. Đại diện nhà trai thì nói đây là số vàng cho hai vợ chồng, đại diện nhà gái lại nói đây là tài sản cho riêng cô dâu. Chính quyền địa phương lại nói theo tập quán địa phương thì nhà trai cho cô dâu số vàng nhưng sau khi cưới vợ chồng tự định đoạt.

Xử sơ thẩm, TAND quận Ô Môn đã tuyên chị Phương phải trả lại cho anh Dương một nửa số vàng cưới mà cha mẹ anh đã cho. 

Chị Phương không đồng ý liền kháng cáo toàn bộ bản án. Xử phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ đã vận dụng phong tục tập quán của địa phương. Theo tòa, dựa vào phong tục tập quán đã có từ trước đến nay thì kể từ ngày tổ chức lễ đính hôn (đám hỏi) trở về sau, mặc dù cô dâu chú rể có kết hôn theo quy định của pháp luật hay chưa thì mặc nhiên sẽ được mọi người công nhận là vợ chồng. 

Như vậy, kể từ khi tổ chức lễ hỏi, anh Dương và chị Phương đã là vợ chồng nên tài sản tranh chấp mặc dù cho riêng cô dâu nhưng phải hiểu đây là tài sản mà cha mẹ cho chung hai vợ chồng để cùng nhau xây dựng hạnh phúc. 

Việc cấp sơ thẩm xác định đây là tài sản chung của vợ chồng và tuyên chia đôi là có căn cứ. Vì vậy, tòa án cấp phúc thẩm đã giữ nguyên quyết định chia đôi số vàng cưới như bản án sơ thẩm.

* Đây là số vàng mà đại diện nhà trai nói cho riêng cô dâu trong ngày cưới. Thời điểm đó tui và chồng chưa đăng ký kết hôn nên chưa phải là vợ chồng. Vàng cưới là tài sản trước hôn nhân của tui nên tui không đồng ý trả" - chị Phương.

* Theo phong tục tập quán đã có từ trước, kể từ ngày tổ chức lễ đính hôn (đám hỏi), đôi trai gái mặc nhiên sẽ được công nhận là vợ chồng. Như vậy, kể từ khi tổ chức lễ hỏi trở về sau, anh Dương và chị Phương đã là vợ chồng nên số vàng này dù được cho riêng cô dâu cũng phải chia đôi" - tòa án.

Khi phong tục tập quán được tòa án áp dụng

Thực tế cho thấy những vụ án xét xử được tòa án áp dụng phong tục tập quán có muôn hình vạn trạng. Có những tập quán trái luật vẫn được tòa án áp dụng, cũng có những tập quán trái luật bị tòa án bác bỏ hoàn toàn.

Đơn cử như ở một vụ án yêu cầu hủy di chúc diễn ra tại TP.HCM, người anh cho rằng di chúc cha mẹ để lại căn nhà cho người em là giả. Vì cha mẹ ông là người gốc Hoa. Theo phong tục tập quán của người Hoa thì con trai được thừa kế nhà chứ con gái không được thừa kế.

Luật sư cũng viện dẫn các căn cứ cho rằng đây là phong tục lâu đời của người Hoa. Tuy nhiên, tòa án nhận định rằng giả sử có phong tục này tồn tại thì đây cũng là phong tục trái quy định của pháp luật nên cần bác bỏ.

Còn ở một vụ tranh chấp khác diễn ra tại TAND tỉnh Khánh Hòa, hai anh em tranh chấp mảnh đất có đền thờ do cha mẹ để lại. Người anh cho rằng cha mẹ để lại đất cho em, ông không tranh giành nhưng xin được "đi lại" thờ cúng tại đền thờ do cha mẹ để lại.

Tuy nhiên, ý kiến của ông không được tòa án cấp sơ thẩm chấp thuận. Bản án sau đó bị cấp giám đốc thẩm tuyên hủy. Theo TAND tối cao, thỏa thuận cho con cháu lui tới thờ cúng tổ tiên là phong tục tập quán lâu đời của người Việt, nó không trái quy định của pháp luật, vì vậy cần được chấp thuận để giải quyết vụ án một cách toàn diện.

Vui buồn vụ kiện ở làng quê - Kỳ 1: Chỉ tại... nước tràn bờ đê Vui buồn vụ kiện ở làng quê - Kỳ 1: Chỉ tại... nước tràn bờ đê

TTO - Ở các vùng quê, hai nhà hàng xóm ở cạnh nhau có khi chỉ cách một bờ giậu, ruộng vườn cũng ở sát bên cạnh nên chỉ cần chút mâu thuẫn là tranh chấp nảy sinh. Từ những người hàng xóm thân cận, họ đâm đơn kiện nhau ra tòa.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên