13/12/2020 06:03 GMT+7

Rắc rối chuyện 'một ông nhiều bà'

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Ông Đỗ Tiến Lộc với bà Vũ Thị Huệ là vợ chồng hợp pháp từ năm 1959 và có với nhau 6 người con gái. Tuy nhiên ngoài bà Huệ, ông Lộc còn sống chung với nhiều phụ nữ khác và có nhiều con ngoài giá thú.

Rắc rối chuyện một ông nhiều bà - Ảnh 1.

Rắc rối phát sinh khi ông Lộc chết, di sản thừa kế của ông chỉ để lại cho con riêng.

Để lại tài sản cho con riêng

Cụ thể ông Lộc có 6 con ngoài giá thú, trong đó có 4 con với bà Lê Thị Nga và 2 con với 2 người phụ nữ khác. Ông Lộc chung sống với bà Nga nhưng vẫn thường xuyên duy trì mối quan hệ vợ chồng với bà Huệ.

Trong thời gian sống chung, bà Nga và ông Lộc tạo lập được căn nhà ở đường Lương Hữu Khánh, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM. Năm 2008, UBND quận 1 cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất mang tên ông Lộc và bà Nga.

Tháng 3-2016, ông Lộc và bà Nga lập biên bản thỏa thuận rằng ông Lộc đồng ý cho bà Nga toàn quyền định đoạt phần sở hữu của ông trong khối tài sản trên. Giá trị phần tài sản của ông Lộc sẽ được chia theo tỉ lệ cho 8 người (gồm 6 người con ngoài giá thú và 2 người khác).

Đến tháng 7-2016 ông Lộc chết. Cho rằng "của chồng, công vợ chồng", căn nhà trên là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân nên bà Huệ khởi kiện bà Nga ra tòa, yêu cầu chia tài sản chung trong khối tài sản của vợ chồng bà với bà Nga.

Còn phía bà Nga cho rằng bà Huệ không có công sức tạo lập căn nhà, ngoài ra ông Lộc cũng có biên bản thỏa thuận để lại di sản cho 8 người nhưng không có bà Huệ, nên bà Huệ không được chia.

Tài sản trong thời kỳ hôn nhân

Trong đơn khởi kiện, bà Huệ cho rằng bà và ông Lộc là vợ chồng, có tài sản tạo lập chung là căn nhà trên đường Lương Hữu Khánh. Tuy căn nhà này đứng tên ông Lộc và bà Nga nhưng đây là tài sản trong thời kỳ hôn nhân.

Do cha mẹ ông Lộc đã chết nên hàng thừa kế thứ nhất của ông Lộc gồm 13 người, trong đó bà Huệ là vợ hợp pháp và 12 người con.

Bà Huệ không đồng ý chia tài sản theo biên bản thỏa thuận giữa ông Lộc và bà Nga. Bởi bà và ông Lộc chưa ly hôn, vẫn là vợ chồng hợp pháp nên việc ông Lộc lập biên bản thỏa thuận phần tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân mà không có sự đồng ý của bà là bất hợp pháp.

Bà Huệ đề nghị tòa chia thừa kế theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, bà Huệ cũng cho rằng quá trình chung sống với ông Lộc, bà có đưa tiền cho ông Lộc mua và xây sửa căn nhà đường Lương Hữu Khánh, nhưng do là vợ chồng nên lúc đưa tiền không có giấy tờ chứng minh.

Trái lại, phía bà Nga cho rằng căn nhà này do bà Nga mua bằng giấy tay từ năm 1981. Trong quá trình sử dụng, bà Nga đứng tên xin giấy phép sửa chữa, xây dựng 3 lần. Năm 1988, bà Nga làm giấy phép mua bán, chuyển dịch nhà cửa và được UBND quận 1 cấp phép cho bà làm chủ sở hữu.

Đến năm 2008, bà Nga xin đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, do UBND phường thấy bà có 4 con chung với ông Lộc nên yêu cầu bà đưa tên ông Lộc vào giấy chứng nhận, do không hiểu luật nên bà đồng ý.

Ngoài ra, việc bà và ông Lộc lập biên bản thỏa thuận cho bà Nga toàn quyền định đoạt phần sở hữu của ông chỉ là để đáp ứng nguyện vọng trước khi mất của ông Lộc. Vì vậy, bà Nga đề nghị tòa không chấp nhận yêu cầu của bà Huệ.

Dùng tài sản chung để giải quyết thỏa thuận riêng?

Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM cho rằng biên bản thỏa thuận ông Lộc để lại là di chúc. Bà Huệ là vợ hợp pháp của ông Lộc nên theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, bà Huệ là đối tượng được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.

Vì vậy bà Huệ được hưởng 2/3 của một suất thừa kế theo pháp luật. Phần còn lại, sau khi trừ đi 280 triệu tiền ma chay cho ông Lộc và phần của bà Huệ, sẽ được chia theo biên bản thỏa thuận của ông Lộc và bà Nga.

Về vấn đề này, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng phần tài sản của ông Lộc trong khối tài sản chung với bà Nga là tài sản chung của vợ chồng ông Lộc - bà Huệ. Căn nhà được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nên được xem như tài sản chung hợp nhất của bà Huệ và ông Lộc trong khối tài sản chung với bà Nga.

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình qua các thời kỳ (năm 1959, 1986, 2000 và 2014), tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng. Vì vậy, bà Huệ phải được hưởng 1/2 giá trị trong phần tài sản chung của vợ chồng giữa bà và ông Lộc.

Việc tòa án cấp sơ thẩm không công nhận phần sở hữu này của bà Huệ là trái với quy định pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bà Huệ.

Biên bản thỏa thuận có được xem là di chúc?

Theo một chuyên gia pháp lý, bản thỏa thuận chỉ là văn bản ghi nhận lại di nguyện của ông Lộc, chứ không phải là di chúc. Còn di chúc lại là hành vi pháp lý đơn phương, ghi nhận ý chí, mong muốn của người để lại di sản nhằm định đoạt tài sản sau khi họ đã chết.

Vì vậy, việc tòa án công nhận bản thỏa thuận này là di chúc là không đúng quy định pháp luật.

Tài sản tặng, cho trước hôn nhân là của riêng vợ, chồng Tài sản tặng, cho trước hôn nhân là của riêng vợ, chồng

TTO - Nhiều vợ chồng lấy nhau cứ vô tư nghĩ toàn bộ tài sản, kể cả tài sản tặng cho trước đó của vợ, của chồng là tài sản chung nhưng khi “cơm không lành canh không ngọt”, ly hôn thì mới biết tài sản đó không phải của mình.

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên