Sáng 18-5, sau 26 năm kể từ ngày người cha chính thức khởi kiện con mình, phiên tòa sơ thẩm lần hai mới diễn ra tại TAND TP.HCM.
Đứng trước tòa, vị luật sư nói rằng trước khi phiên tòa diễn ra, bà đã cố gắng khuyên nhủ hai bên nguyên đơn - bị đơn nên nhường nhau một chút. Điều đáng buồn là nỗ lực hòa giải của bà đã không thành công.
Nỗi đau cha kiện con
Mộ của nguyên đơn - bị đơn giờ đều đã xanh cỏ nhưng tên của họ, ý nguyện và hành động của họ liên tục được nhắc đến tại tòa.
Khởi nguồn tranh chấp của hai cha con là bản di chúc người cha lập đối với căn nhà rộng gần 40m2 tại quận Gò Vấp.
Buổi lập di chúc ấy được người con gái thứ 5 kể lại rành rọt trước tòa: “Năm 1988, cha tôi ốm nặng. Sợ mình không qua khỏi, ông gọi người con trai thứ 2 đến và đọc di chúc cho cháu nội ghi với nội dung để lại căn nhà làm nơi thờ cúng tổ tiên. Di chúc được chứng thực tại UBND phường.
Bản di chúc sau đó bị anh trai tôi giấu biệt. Sau này cha tôi phát hiện di chúc có nội dung để lại nhà cho anh trai và các cháu sử dụng, chứ không phải làm nơi thờ cúng. Cha tôi khởi kiện yêu cầu hủy di chúc. Thế nhưng tòa cứ kéo dài vụ án khiến cha tôi chết mà chưa biết bản án tuyên thế nào...”.
Ở phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm trước đây, tòa án tuyên di chúc được lập năm 1988 là hợp pháp, thể hiện ý nguyện của người mẹ để lại nhà cho con trai.
Vì vậy, người con được quyền thừa kế 1/2 giá trị căn nhà do mẹ để lại. Cả hai cấp tòa đều tuyên người con được toàn quyền sở hữu căn nhà và có trách nhiệm thanh toán lại cho cha hơn 27 lượng vàng 24K. Người cha được quyền ở trong căn nhà đến khi không ở nữa thì thôi.
Những lời khai trong hồ sơ thể hiện người cha đã vô cùng phẫn uất với hai bản án ấy. Ở tuổi 91, người cha đón xe ra tận Hà Nội khiếu nại bản án lên cấp giám đốc thẩm.
Nhận định tòa án các cấp tước quyền định đoạt căn nhà của người cha là ảnh hưởng đến quyền lợi của ông, bản án phúc thẩm đã bị TAND tối cao tuyên hủy.
Quá trình TAND TP.HCM thụ lý lại vụ án, hai cha con nguyên đơn - bị đơn, rồi thẩm phán, luật sư bảo vệ quyền lợi cho người cha cũng lần lượt qua đời.
Vụ kiện tưởng đã dừng ở đó, nhưng những người thừa kế quyền và nghĩa vụ về tài sản của hai cha con lại không bỏ cuộc. Đại diện cho họ là hai người con gái tiếp tục hầu tòa. Hai người có mối quan hệ cô - cháu ruột nhưng rất lâu rồi không nhìn mặt nhau.
“Chúng (bị đơn) là những kẻ bất nhân, bất nghĩa, bất hiếu! Biết cha tôi già yếu nên chúng đã tráo đổi di chúc để lừa dối ông. Nếu tôi nói ra đây những gì chúng đã làm với cha thì không ai có thể tưởng tượng được...” - người con gái của nguyên đơn, đã 81 tuổi, run run nói trước tòa.
Đáp lại, con gái của bị đơn phản bác: “Chúng tôi không hỗn xược như lời cô nói. Ông bà nội để lại di chúc cho bố tôi là có ý của ông. Gia đình tôi đã sử dụng căn nhà từ mấy chục năm nay. Các cô nay tuổi cao, sức khỏe không ổn định nên tôi sẽ thanh toán giá trị phần di sản của ông nội cho cô...”.
Đánh đổi
Người cô ruột tất nhiên không đồng ý nhận tiền, bởi điều bà cần là giữ lại nhà theo ý nguyện của cha. Trong hàng chục xấp hồ sơ có lời khai của người cha để lại, từ đầu đến cuối ông đều mong giao nhà cho các con làm nơi thờ cúng tổ tiên chứ không được bán.
Tuy nhiên, người con trai lại muốn được cả quyền sử dụng lẫn sở hữu căn nhà. Chính vì vậy mâu thuẫn giữa hai cha con không thể nào hàn gắn. Ở những phiên tòa trước đây, người cha tố con trai bạc bẽo, đối xử với mình không ra gì.
Tòa đã lưu ý người con phải có trách nhiệm với cha, ngoài việc chăm sóc cha về ăn, mặc thì vấn đề tình cảm cũng là điều cần phải lưu ý. Không sống chung được với con trai, người cha phải bỏ nhà đi ở nhờ nhà các con gái.
Sau đó ông phải thuê nhà trọ để ở. Đến khi con trai qua đời do tai biến, ông mới trở về nhà của mình.
Những nhọc nhằn mà cha phải chịu đựng khi còn sống đã khiến người con gái 81 tuổi uất ức. Bao nhiêu oán hận, dồn nén suốt 26 năm qua bà tuôn hết tại tòa.
Một người con gái khác của nguyên đơn đã 84 tuổi, nằm ngay trên ghế trong phòng xử một cách khó nhọc. Thỉnh thoảng bà lại chấm khăn lau nước mắt khi nghe vị luật sư nhắc đến cha mình.
Hàng loạt căn cứ được luật sư nguyên đơn đưa ra để chứng minh di chúc lập năm 1988 bị tráo đổi, nhưng không được tòa xem xét.
Tan phiên tòa, tôi hỏi đại diện nguyên đơn rằng các cháu của bà (phía bị đơn) nói sẽ để nhà làm nơi thờ cúng, vậy là đúng ý nguyện người đã khuất, tại sao bà vẫn không đồng ý?
Bà bảo: “Tôi già rồi, có chết cũng không mang đi được. Nhưng nếu tôi buông tay thì chúng sẽ bán nhà ngay tức khắc. Nếu chúng đồng ý để nhà làm nơi thờ cúng thì cha tôi đã không phải khổ sở đi kiện suốt mấy chục năm qua”.
Ở tuổi 81, bà đã làm di chúc cho các con thừa kế toàn bộ quyền và nghĩa vụ về tài sản để tiếp tục theo đuổi vụ kiện lỡ như bà qua đời. 26 năm qua, hai thế hệ trong gia đình bà đã mỏi mòn với tòa án và bây giờ lại chuẩn bị đến thế hệ thừa kế tiếp theo...
Càng kiện càng... mất Khi hủy án, cấp giám đốc thẩm cho rằng việc tòa án các cấp giao nhà cho người con sở hữu sau khi hoàn lại cho cha 27 lượng vàng là vi phạm quyền định đoạt tài sản của người cha. Bởi căn nhà có diện tích rộng, có thể chia theo hiện vật được. Tuy nhiên khi xét xử sơ thẩm lại, căn nhà bị vướng quy hoạch 6m2 nên diện tích chỉ còn 18m2. Với diện tích ấy thì căn nhà không thể chia đôi. Vì vậy, hội đồng xét xử đã tuyên sẽ bán nhà để chia đôi (nguyên đơn hưởng 1/2 giá trị căn nhà theo di nguyện của người cha, bị đơn hưởng 1/2 giá trị căn nhà theo di chúc của người mẹ). Căn nhà được định giá hơn 800 triệu đồng. Sau khi trừ hơn 100 triệu đồng tiền công sức tôn tạo căn nhà cho bị đơn, số còn lại sẽ được chia đôi, mỗi bên nhận hơn 300 triệu đồng. Con gái của nguyên đơn cương quyết bảo sẽ kháng cáo. “Hơn 20 năm trước, nếu cha tôi nhận 27 lượng vàng thì đã mua được căn nhà rộng rãi khác. Thế nhưng vì muốn đòi lại danh dự nên cha tôi mới đi kiện. Bây giờ tôi nhận 300 triệu đồng mà mất nhà thờ tổ tiên thì còn mặt mũi nào thắp hương cho cha”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận