13/11/2020 07:02 GMT+7

Cậu nhận cháu làm con nuôi nhưng họ hàng không đồng ý cháu hưởng thừa kế

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Được cậu ruột nhận về nuôi từ bé nhưng khi cậu mất, chị Trần Thị Bích Vân (41 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) trở thành người thừa kế thì rắc rối mới xảy đến.

Cậu nhận cháu làm con nuôi nhưng họ hàng không đồng ý cháu hưởng thừa kế - Ảnh 1.

Lý do là hồ sơ khai sinh của chị Vân không khớp với giấy khai sinh.

Nhận cháu làm con nuôi

Theo nội dung vụ án, ông Trần Trung Hiếu là cậu ruột của chị Trần Thị Bích Vân. Ông Hiếu là thương binh 1/4, không có vợ con. Khi chị Vân được 3 tuổi, do cha mẹ không sống chung với nhau nên chị Vân được cậu nhận nuôi.

Sau đó, ông Hiếu làm khai sinh cho chị Vân tại phường 2, thị xã Vĩnh Long (nay là TP Vĩnh Long), trong đó ghi tên cha là ông Hiếu, tên mẹ là Trần Thị Kim Nương (mẹ ruột của chị Vân). Tháng 6-2017, ông Hiếu mất và không để lại di chúc nên chị Vân là người thừa kế duy nhất. Các cậu và dì của chị Vân yêu cầu kê khai di sản thừa kế. Trong đó, ông Trần Khắc Trung (một người cậu của chị Vân) không đồng ý và làm đơn ngăn chặn việc chị kê khai tài sản thừa kế. Ông Trung cho rằng giấy khai sinh của chị Vân không có giá trị vì ông Hiếu nhận chị làm con nuôi để thuận lợi cho chị ăn học chứ chị không phải là con nuôi của ông Hiếu.

Tháng 10-2018, quá trình giải quyết khiếu nại của ông Trung, UBND TP Vĩnh Long đã ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh và xóa tên trong dữ liệu khai sinh của chị Vân. Không đồng ý, chị Vân khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh Vĩnh Long hủy quyết định hành chính nêu trên.

Tranh cãi chuyện nhận con nuôi

Theo chị Vân, từ nhỏ đến lớn ông Hiếu thương yêu và lo cho chị, mua nhà cho khi vợ chồng chị ra riêng. Ngoài các giấy khai sinh, chị Vân còn cung cấp cho tòa các đơn xin miễn đóng học phí vào năm 1995, đơn xin cứu xét vào năm 1994, sơ yếu lý lịch chị Vân lập năm 2002, giấy chứng nhận học sinh con thương binh năm 1996, 1992. Theo đó, các giấy tờ này ghi nhận chị Vân là con của ông Hiếu. Trong hồ sơ xin kết nạp Đảng, chị cũng khai ông Hiếu vừa là cậu ruột vừa là cha nuôi, cơ quan đã xác minh thực tế và xác nhận.

Còn UBND TP Vĩnh Long cho rằng việc thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh và xóa tên trong dữ liệu khai sinh của chị Vân là đúng quy định.

Bởi tại sổ bộ gốc, ông Hiếu là người đăng ký khai sinh và chỉ khai có mẹ, phần cha để trống. Chị Vân cũng không cung cấp được bản chính giấy khai sinh, cũng không có giấy tờ về việc ông Hiếu nhận chị Vân là con nuôi. Nên việc cấp giấy khai sinh, bản sao giấy khai sinh, trong đó ghi nhận cha là Trần Trung Hiếu và mẹ là Trần Thị Kim Nương cho chị Vân mà không căn cứ vào dữ liệu hộ tịch đã lưu trong bộ gốc là trái quy định.

Việc ông Hiếu đã làm các thủ tục để cấp giấy chứng nhận học sinh con thương binh, đơn xin miễn học phí... xác định chị Vân là con gái của ông để được miễn đóng học phí chỉ nhằm giúp chị Vân thuận lợi đi học chứ không nuôi con nuôi thực tế.

Ngoài ra, nơi thường trú của ông Hiếu; tên, năm sinh trên CMND của bà Nương không đúng với dữ liệu trên giấy khai sinh. Tại thời điểm năm 1993, UBND phường 2 (thị xã Vĩnh Long) không có thẩm quyền thị thực sao y bản chính.

Cho rằng quyết định của UBND TP Vĩnh Long về việc thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh và xóa tên trong dữ liệu khai sinh của chị Vân là đúng quy định nên TAND tỉnh Vĩnh Long đã bác yêu cầu của chị Vân. Chị Vân kháng cáo.

Công nhận cha con nuôi thực tế

Xét xử phúc thẩm, TAND cấp cao tại TP.HCM cho rằng ông Hiếu đã làm các thủ tục, giấy tờ xác định chị Vân là con gái của ông để được miễn đóng học phí. Nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người thân của ông Hiếu xác định lúc còn sống ông Hiếu đã nhận chị Vân làm con nuôi. Điều này được cha mẹ chị Vân và tất cả các thành viên anh chị em trong gia đình biết và đồng ý.

Giấy khai sinh bản chính do UBND phường 2 (thị xã Vĩnh Long) cấp ban đầu không có thông tin về người cha, mà thông tin này do ông Hiếu viết vào bản thị thực giấy khai sinh bản chính. Điều này thể hiện ý chí của ông Hiếu nhận chị Vân là con nuôi nên cần được công nhận giấy khai sinh ông Hiếu viết thêm thông tin này.

Trong khoảng thời gian 30 năm kể từ khi chị Vân được cấp giấy khai sinh đến nay, không có bất cứ sự yêu cầu, hướng dẫn thực hiện thêm bất cứ thủ tục nào từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chị Vân lớn lên bằng giấy khai sinh có tên cha Trần Trung Hiếu, tên mẹ Trần Thị Kim Nương mà không một ai phản đối hay có ý kiến gì đến trước thời điểm ông Hiếu chết năm 2017.

Bên cạnh đó, các đơn xin miễn đóng học phí, sơ yếu lý lịch... của chị Vân đều được các cấp chính quyền tại tỉnh Vĩnh Long xác nhận nội dung chị Vân là con của ông Hiếu.

Tòa án cho rằng mối quan hệ cha con nuôi giữa ông Hiếu và chị Vân là hợp pháp, thỏa mãn các điều kiện nhận con nuôi. Bởi vào năm 1980, cha mẹ ruột chị Vân không còn sống chung với nhau, bà Nương ẵm chị Vân về sống chung với em ruột là ông Trần Trung Hiếu một phần cũng là để chăm sóc ông Hiếu vì ông Hiếu bị thương nặng, liệt hai chân. Đến năm 1982, ông Hiếu đã nhận chị Vân làm con nuôi, không ai có ý kiến phản đối.

Trong cuộc sống, ông Hiếu đã dạy dỗ nuôi dưỡng chị Vân, yêu thương chị Vân với tình thương của người cha đối với người con. Bản thân chị Vân cũng chăm sóc, yêu thương ông Hiếu như cha ruột của mình. Khi chị Vân đi học, lập gia đình, ông Hiếu đều lo lắng, yêu thương chị Vân; sau khi chị Vân có chồng, ông Hiếu còn mua cho vợ chồng chị Vân nhà ở TP Vĩnh Long để vợ chồng chị Vân ra riêng, ổn định cuộc sống. Từ đó, HĐXX chấp nhận kháng cáo của chị Vân.

Điều kiện nhận con nuôi như thế nào?

Luật sư Nguyễn Hữu Thục (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì người nhận con nuôi phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, có tư cách đạo đức tốt.

Người được nhận làm con nuôi phải là trẻ em dưới 16 tuổi; nếu trẻ em thuộc trường hợp từ 16 đến dưới 18 tuổi thì chỉ có cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột mới được nhận làm con nuôi. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng nhận nuôi.

Lỡ cho con làm con nuôi, người mẹ trẻ cạn nước mắt xin lại Lỡ cho con làm con nuôi, người mẹ trẻ cạn nước mắt xin lại

TTO - Vì bị phản bội, vì hoàn cảnh khó khăn, người mẹ trẻ đã lỡ cho đi đứa con mình dứt ruột sinh ra làm con nuôi người khác. Để rồi những ngày sau đó, chị phải sống trong nỗi dày vò vì nhớ thương con...

TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên