02/12/2018 14:46 GMT+7

Rác là tài nguyên, có thể bỏ tiền mua rác của dân

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Đó là ý kiến của ông Phạm Chánh Trực - nguyên phó bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP.HCM - tại chương trình Lắng nghe và trao đổi sáng 2-12.

Rác là tài nguyên, có thể bỏ tiền mua rác của dân - Ảnh 1.

Chương trình Lắng nghe và trao đổi sáng 12-2 - Ảnh: HỒNG PHƯỚC

Chương trình Lắng nghe và trao đổi tháng 12 chủ đề Công dân TP.HCM, tự hào và trách nhiệm diễn ra với nội dung chính về bảo vệ môi trường và cải cách hành chính.

Chương trình diễn ra thường kỳ hàng tháng, do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình TP.HCM HTV tổ chức, được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV9.

Điều hành chương trình là bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch HĐND TP.

Mua rác, thưởng cho người phân loại rác tốt

Nói về công tác vệ sinh môi trường, rác thải, ông Phan Văn Kèo, nông dân huyện Hóc Môn, cho rằng TP nên đầu tư xe lấy rác chuyên dụng, hiện đại, chứ công nhân lấy rác hiện nay trang bị thô sơ, thủ công, rất tội nghiệp, khổ sở.

Ông Kèo cũng cho rằng chính quyền phải phát động phong trào dọn dẹp vệ sinh, khai thông những ao tù nước đọng. Ở những khu vực đất đai bị đầu cơ, hay dự án chậm triển khai để cỏ cây mọc hoang um tùm gây ô nhiễm, ông kiến nghị phải phạt chủ đầu tư tùy mức độ nặng nhẹ.

"Tôi thấy địa phương hiện nay chưa kiên quyết làm việc đó", ông Kèo nhận xét.

Còn theo ông Phạm Chánh Trực, vấn đề then chốt trong rác thải đô thị là phải có nhà máy xử lý rác triệt để, biến rác thành phân bón, thành điện hoặc tái chế.

Theo ông, đây là cái TP còn thiếu, không có cái này thì cả quá trình phân loại, thu gom trước đó không còn ý nghĩa. "Nếu cuối cùng để chôn lấp thì cần gì phải phân loại rác. Cho nên phải tập trung dứt khoát làm cho được cái này", ông Trực góp ý.

Cũng theo ông Phạm Chánh Trực, để người dân thấy được lợi ích khi phân loại rác, bên cạnh việc phạt nặng người vi phạm thì cũng phải có thưởng cho người làm tốt.

Ông nói: "Tôi cho rằng nếu rác có thể chế biến thành phân bón được thì chúng ta có thể mua rác của dân, khi người ta có rác phân loại, đem cân cho mình, có thể thành nhiệt, thành điện, thành phân bón, có thể bán được thì phải mua nguyên liệu này".

Tận mắt nhìn thế giới rác trong lòng cống Sài Gòn Tận mắt nhìn thế giới rác trong lòng cống Sài Gòn

TTO - Cống là để thoát nước. Nhưng cống rãnh ở Sài Gòn không hẳn như vậy: Cống là cái túi rác khổng lồ và khủng khiếp. Những ngày theo công nhân chui xuống cống, mới thấu hiểu công việc nhọc nhằn của họ và thấy thói quen xả rác bừa bãi thật xấu xí.

TP.HCM là địa phương chậm triển khai phân loại rác

Về việc phân loại rác tại nguồn, phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết nghị định của chính phủ từ 2017 đã quy định các địa phương phải phân loại rác từ nguồn, đặc biệt là phải xử lý vi phạm hành chính.

Nhưng do TP.HCM là đô thị đặc biệt, quy mô quá lớn, việc triển khai này cần tuyên truyền. "Đến cuối 2018 này mình mới triển khai, thực sự mình là địa phương chậm nhất trong các tỉnh thành trong việc triển khai nghị định của chính phủ", ông Tuyến nói.

Ông Tuyến nói thêm, TP hợp tác với Đa Phước những năm qua đã thất bại trong việc phân loại rác tại nguồn. Tỉ lệ chôn lấp hiện nay ở Đa Phước là cơ bản, nhưng do chúng ta không phân loại được trong hợp đồng nên nhà đầu tư không giảm tỉ lệ chôn lấp được.

"Từ năm 2019 đến những năm tiếp theo TP phải quyết tâm làm cái này", ông Tuyến khẳng định.

Rác là tài nguyên, có thể bỏ tiền mua rác của dân - Ảnh 3.

Ông Trần Vĩnh Tuyến tại chương trình Lắng nghe và trao đổi sáng 2-12 - Ảnh: M.H

Về việc xử phạt theo nghị định của chính phủ, ông Tuyến cho biết TP sẽ xử nghiêm các trường hợp vứt rác xuống kênh rạch, hố thoát nước. Còn những trường hợp người dân chưa hiểu biết, chưa biết cách phân loại rác thì phải kiên trì thuyết phục tuyên truyền, còn doanh nghiệp thì không thể nói là chưa hiểu biết, cũng phải xử nghiêm.

Với các xe chuyên dùng để thu gom, vận chuyển rác, TP sẽ hỗ trợ các công ty trong đầu tư các trang thiết bị như xe chuyên dùng thu gom, vệ sinh đường phố.

"Cửa khó vào, người khó gặp, vẻ mặt khó coi"

Bà Phạm Phương Thảo - nguyên chủ tịch HĐND TP.HCM - dùng hình ảnh trên để nói lên thực tế người dân muốn tiếp xúc, đề đạt ý kiến với lãnh đạo còn rất nhiều khó khăn.

Cùng ý kiến này, ông Phạm Chánh Trực nói hiện nay đã có một bước tiến trong công khai minh bạch, dân chủ nhưng chưa đủ, thậm chí chưa đạt yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của người dân.

"Chính chỗ này làm cho nhiều vấn đề chưa được đồng bào đồng tình", ông Trực nói.

Góp ý thêm những điều chưa được trong cải cách hành chính của TP, ông Trực cũng đề cập việc còn thiếu phương tiện để dân tiếp xúc trực tiếp chính quyền, cán bộ nhà nước, chứ không phải là định kì tiếp dân, chỉ được mấy người, mấy chục người chứ không thể mấy triệu người.

Cách phân loại rác tại nhà, bạn biết chưa? Cách phân loại rác tại nhà, bạn biết chưa?

TTO - Việc phân loại rác và chuyển giao đúng nhóm rác theo quy định không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp bạn tránh nguy cơ có thể bị phạt tới 15-20 triệu đồng.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên