23/11/2018 08:42 GMT+7

Bắt đầu thay đổi thói quen... bỏ rác

QUANG KHẢI - LÊ PHAN
QUANG KHẢI - LÊ PHAN

TTO - Từ ngày 24-11, việc phân loại rác sinh hoạt tại nguồn phải được triển khai đồng bộ từ hộ dân cho đến quy trình, phương tiện thu gom, vận chuyển và xử lý rác nhằm ngăn ngừa tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người.

Bắt đầu thay đổi thói quen... bỏ rác - Ảnh 1.

TP.HCM vừa có quy định về phân loại rác tại nguồn, vận động người dân thực hiện. Trong ảnh: người dân P.Bình Trị Đông B (Q.Bình Tân) bỏ rác vô cơ và hữu cơ vào 2 túi khác màu - Ảnh: T.KIỀU

Đây là một trong các nội dung của quyết định 44 vừa được UBND TP ban hành, quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn. 

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình này sẽ được triển khai theo lộ trình, trước khi triển khai xử phạt theo quy định. 

Cùng với việc tổ chức phân loại rác tại nguồn, TP cũng đã ban hành kế hoạch chuyển đổi phương tiện thu gom và vận chuyển rác theo hướng chuẩn hóa, dự kiến hoàn thành trước tháng 11-2019.

Tạo thói quen phân loại rác

Đầu giờ sáng 22-11, chị Tuyết (hẻm 25 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) đem hai túi rác, một túi đựng rác vô cơ và một túi đựng rác hữu cơ, bỏ vào thùng rác cách nhà chị không xa. 

Theo chị Tuyết, việc phân loại rác đã được gia đình chị thực hiện từ nhiều năm nay. Thời gian đầu, phường phát hai thùng chứa rác và bao để người dân thực hiện, khi đã quen người dân tự mua bao để đựng.

Tuy vậy, chị Tuyết thừa nhận không phải nhà nào cũng phân loại rác ngay từ đầu dù được chính quyền khuyến khích và vận động. 

"Nhiều hộ vẫn bỏ rác chung bọc rồi để trước nhà chứ không phân loại. Phường vẫn hay có người xuống nhắc nhở người dân, người thu gom cũng cho biết việc thu gom tiện lợi hơn nhiều khi người dân tự phân loại" - chị Tuyết chia sẻ.

Tương tự, ông N.Đ.Phúc (đường số 2, P.Phước Bình, Q.9) cho biết khu phố này được phường chọn để thí điểm phân loại rác và gia đình ông đã thực hiện đúng theo chỉ dẫn của phường, từ thứ hai đến chủ nhật sẽ bỏ rác hữu cơ vào bao có màu. 

Riêng thứ ba và thứ sáu sẽ bỏ rác vô cơ vào bao màu đen. Thời gian đầu, phường có phát bao nilông theo màu cho người dân, sau đó người dân tự chuẩn bị bao, tận dụng các bao nilông sau khi đi chợ về, giặt sạch phơi khô để đựng rác.

Theo ông Phúc, người dân được chính quyền hướng dẫn cụ thể, có in cả hình ảnh nhận diện các loại rác để phát cho mỗi gia đình. 

Ngoài tổ dân phố đi tuyên truyền, cán bộ phường cũng thường xuyên đi kiểm tra việc thực hiện của người dân. Việc phân loại được bắt đầu từ năm 2018 đến nay và khu vực này thực hiện khá tốt.

"Nhưng nhiều người dân vẫn còn bỏ chung các loại rác vào một bọc do thói quen" - ông Phúc nói. 

Trong khi đó, ông Cao Văn Tuấn - trưởng phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM - cho biết mô hình đổi rác phân loại lấy quà mà đơn vị này triển khai tại Tân Phú cũng khá thành công và duy trì nhiều năm nay.

Theo đó, nguồn rác tái chế người dân phân loại giao cho công ty sẽ được quy đổi thành những món quà có giá trị tương đương như phiếu mua hàng siêu thị, dầu ăn, thiết bị làm bếp... 

"Thời gian đầu chỉ vài trăm hộ dân trên một số tuyến đường tham gia. Tuy nhiên đến nay, trong số 1.900 hộ mà đơn vị này triển khai chương trình này, đã có 1.200 hộ (chiếm hơn 60%) tham gia" - ông Tuấn cho biết.

Bắt đầu thay đổi thói quen... bỏ rác - Ảnh 2.

Người dân dần quen với thùng rác nhiều ngăn để phân loại rác tại các nơi công cộng - Ảnh: H.ĐÔNG

Chuẩn hóa trước khi chế tài

Ông Võ Quốc Hưng - phó chủ tịch UBND P.Bến Nghé (Q.1) - cho biết việc phân loại rác tại nguồn được phường triển khai từ nhiều năm nay tại một số khu vực, đến nay đã vận động toàn phường tham gia thực hiện, trong đó có một số khu vực làm rất tốt. 

Theo ông Hưng, kết quả bước đầu cho thấy người dân đã hình thành ý thức phân loại rác trước khi đem ra chờ thu gom, những hộ chưa thực hiện tốt đều được lực lượng giám sát của phường nhắc nhở.

Theo bà Bùi Thu Trâm - phó chủ tịch UBND P.Phước Bình (Q.9), ban đầu là UBND phường dùng sticker về những hình ảnh như chai lọ, hộp sữa, rau củ, thức ăn thừa... để dán vào các túi nilông rồi phát cho người dân để đựng rác như là cách hướng dẫn phân loại rác. 

Do phương thức này chưa hiệu quả, phường quyết định sử dụng các túi đựng rác thân thiện với môi trường để phát cho người dân. Thời gian thu gom hai loại rác này cũng được bố trí khác nhau.

Sau một thời gian thực hiện, người dân góp ý rác hữu cơ thu gom cách ngày sẽ gây mùi hôi nên phường đã điều chỉnh thời gian thu gom hằng ngày, riêng thứ ba và thứ sáu sẽ thu gom song song hai loại rác một lúc. 

"Tất cả nhà cán bộ, viên chức ở địa phương thực hiện trước và được kiểm tra việc thực hiện trước nhằm làm gương và tuyên truyền vận động người dân toàn phường thực hiện" - bà Trâm cho biết.

Cũng theo bà Trâm, qua gần một năm thực hiện phân loại rác tại nguồn, kiểm tra các hộ dân ở một khu phố thì tỉ lệ người dân phân loại rác đạt khoảng 50%. 

"Trở ngại lớn nhất trong công tác phân loại hiện nay là phương tiện thu gom vẫn còn thô sơ, chưa được thiết kế có vách ngăn để chứa riêng hai loại rác, chưa kể một số hộ dân vẫn chưa thay đổi thói quen cho tất cả rác vào một bao" - bà Trâm nói.

Trong khi đó, theo ông Cao Văn Tuấn, rác được phân làm 3 loại, các thùng rác công cộng cũng phải có 3 loại để người dân phân biệt, bao bì đựng rác cũng phải như vậy. 

Đặc biệt, để công tác phân loại rác tại nguồn hiệu quả, ngoài công tác tuyên truyền, phải có lực lượng, phương tiện thu gom đồng bộ, ít nhất phải hai phương tiện khác nhau chở rác hữu cơ và rác còn lại. 

"Khi người dân đã được hướng dẫn, lực lượng, phương tiện thu gom chuẩn rồi mà vẫn không thực hiện khi đó mới tính tới chuyện chế tài" - ông Tuấn nói.

Bắt đầu thay đổi thói quen... bỏ rác - Ảnh 3.

Chị Tuyết (hẻm số 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) mang hai bọc rác đã phân loại ra ngoài để đơn vị thu gom mang đi - Ảnh: L.PHAN

TP.HCM: 76% rác thải được chôn lấp

Theo số liệu từ Sở TN-MT TP.HCM, mỗi ngày trên địa bàn có khoảng 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt được thải ra, trong đó 76% được xử lý bằng biện pháp chôn lấp, 14,7% tái chế và 9,3% đốt không phát điện.

Mục tiêu đến năm 2020, TP.HCM sẽ giảm tỉ lệ rác chôn lấp xuống còn 50%, năm 2050 còn 20%. Ngoài ra, theo Sở Tài chính TP.HCM, mỗi năm TP dành khoảng 4.000 tỉ đồng để thu gom rác thải và duy tu sửa chữa hệ thống thoát nước, trong đó 88 tỉ đồng chi cho việc phân loại rác tại nguồn và 1.800 tỉ đồng chi xử lý rác thải.

C.TRUNG

TS Phạm Viết Thuận (Viện kinh tế TN-MT):

Sử dụng lực lượng rác dân lập hướng dẫn phân loại

Lực lượng thu gom rác dân lập hiện vẫn chiếm đa số, vì vậy để công tác phân loại rác đạt hiệu quả cần sử dụng lực lượng này là tuyên truyền viên, hướng dẫn người dân cách phân loại.

Muốn làm được việc này trước tiên phải "chuẩn hóa", đưa lực lượng này vào các hợp tác xã, thành lập các pháp nhân để hoạt động đúng khuôn khổ, quy định.

Quá trình "chuẩn hóa" lực lượng thu gom phải thực hiện song song với việc chuẩn hóa thiết bị thu gom để đồng bộ từ khâu phân loại đến vận chuyển.

Riêng về quy trình dán nhãn rác phân loại, theo tôi, nên thay đổi cách làm là xây dựng quy định cụ thể bao chứa rác theo màu sắc để thống nhất trên toàn địa bàn TP, những bao bì này phải được làm bằng những chất liệu dễ phân hủy.

Ông Asko Ojaniemi (chuyên gia quản lý chất thải rắn của chương trình EEP Mekong đến từ Phần Lan):

Khuyến khích phân loại rác tại nguồn

Việc phân loại rác tại Việt Nam chưa trở thành một thói quen. Do đó, cần khuyến khích các hộ gia đình tổ chức phân loại rác ngay tại nguồn, vừa đảm bảo rác sẽ được xử lý theo từng loại phù hợp, tận dụng được rác cho các mục đích khác và vừa tiết kiệm chi phí.

Chẳng hạn, có thể sử dụng công nghệ để chuyển hóa rác thành điện năng, vừa tận dụng được các dưỡng chất trong rác để làm phân bón hữu cơ.

Các loại rác có khả năng tái chế có thể được sử dụng làm nguyên liệu tái chế, vừa hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vừa giảm lượng rác phải chôn lấp.

Q.KHẢI - C.TRUNG


Bắt đầu thay đổi thói quen... bỏ rác - Ảnh 6.

Quy trình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn theo QĐ44/2018 của UBND TP.HCM - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Phân loại rác ở các nước trong khu vực

Trong khi những nước phát triển đã làm rất tốt với việc phân loại rác, nhiều nước đang phát triển vẫn vật lộn với vấn đề quản lý chất thải.

Tại Thái Lan, việc phân loại rác tại nguồn chưa được chính thức triển khai và việc phân loại rác vẫn chủ yếu do các công ty thu gom rác thực hiện.

"Việc người dân chưa tham gia vào phân loại và giảm thiểu rác là một thách thức lớn trong quản lý chất thải tại Thái Lan" - một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc nhận định.

Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan đang đẩy mạnh mô hình 3R (giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế) và đưa việc phân loại rác tại nguồn vào các chương trình hành động giảm rác thải.

Một số nước cũng tập trung vào việc giáo dục. Tại Ấn Độ, chính quyền bang Karala đã quyết định đưa các bài học quản lý, phân loại rác vào trường học. "Cuộc chiến chống rác thải nên bắt đầu từ học sinh.

Không chỉ vì đó là thế hệ tiếp theo mà các em còn giúp các gia đình nắm bắt những công nghệ quản lý rác" - một lãnh đạo địa phương nói.

Chính quyền nhiều quốc gia đã áp dụng nhiều cách để khuyến khích người dân tham gia phân loại rác tại nguồn.

Chẳng hạn, như Malta phân phát thùng rác cho người dân. Một số nơi ở Thượng Hải (Trung Quốc) triển khai máy nhận rác được phân loại và trả "thưởng", chẳng hạn 0,12 USD cho mỗi ký nhựa...

NGÔ HẠNH tổng hợp

QUANG KHẢI - LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên