07/11/2018 18:07 GMT+7

Bàn cách để Phú Quốc không còn rác thải nhựa

DUY KHÁNH
DUY KHÁNH

TTO - Sáng 7-11, Sở NN&PTNT Kiên Giang cùng Qũy quốc tế bảo vệ thiên nhiên Việt Nam tổ chức hội thảo triển khai dự án “ Phú Quốc - hòn đảo không rác thải nhựa".

Bàn cách để Phú Quốc không còn rác thải nhựa - Ảnh 1.

Một người dân gánh phế liệu vừa nhặt được ở bãi rác An Thới - nơi đây mỗi ngày nhận hơn 100 tấn rác của toàn huyện chở tới đổ lộ thiên - Ảnh: DUY KHÁNH

"Ô nhiễm trầm trọng"

Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Nghiệp, phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, khi đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường tại huyện đảo này.

Phú Quốc mỗi ngày có hơn 200 tấn rác thải. Tuy nhiên, việc thu gom và xử lý đang là vấn đề đau đầu, bởi dự án nhà máy xử lý rác ở Bãi Bổn (Hàm Ninh) đã bị thu hồi. 

Hiện huyện này đang kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý rác thứ 2 nhưng chưa biết bao giờ mới đưa vào hoạt động. Mọi công tác thu gom và xử lý rác thải ở Phú Quốc chỉ dừng lại ở việc đổ lộ thiên ở bãi rác An Thới với khoảng 150 tấn/ngày.

Trong lúc đó, huyện lại gặp rất nhiều khó khăn trong xử lý hành vi xả rác. Nguyên nhân chính là do ý thức người dân chưa cao, đặc biệt lực lượng lao động tự do lên đến hàng chục ngàn người sống tạm bợ trong những khu nhà trọ, lán trại nên việc quản lý, thu gom nguồn rác thải trong dân rất khó. 

"Trong  2 năm tới, chỉ cần người dân Phú Quốc bỏ rác đúng nơi quy định là  thành công lớn chứ chưa nói đến việc phân loại rác" - ông Nghiệp trăn trở.

Bên cạnh đó nguồn rác thải "quốc tế" tấp vào các bờ biển Phú Quốc rất lớn. Mùa nam từ tháng 4 - 9 âm lịch, các bờ biển phía tây Phú Quốc tiếp nhận một lượng rác thải nhựa vô cùng lớn từ đại dương tấp vào.

Theo ông Quảng Trọng Thao, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc hiện có khu bảo tồn đa dạng sinh học biển với hơn 26.000 héc ta. Trong đó, bò biển (dugong) và rùa biển là hai loài nguy cấp đang được bảo vệ nghiêm ngặt cùng với sự đa dạng sinh học của biển Phú Quốc. 

Việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững Phú Quốc trong tương lai.

Cần coi rác thải nhựa là tài nguyên!

Đưa ra giải pháp nhằm giảm ô nhiễm rác thải, bà Bụi Thị Thu Hiền, điều phối viên chính của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), cho rằng đã đến lúc chúng ta cần coi rác thải nhựa là một nguồn tài nguyên thứ cấp chứ không còn là thứ bỏ đi nữa, từ đó sẽ có ứng xử khác với nó. 

Bà Hiền cho rằng Phú Quốc cần tăng cường hiệu quả việc thu gom rác, quản lý chất thải rắn, chất thải nhựa thông qua ưu tiên việc phân loại tại nguồn, tái chế chất thải nhựa, khuyến khích người dân sử dụng những vật dụng thay thế thân thiện với môi trường… 

"Chúng ta đưa ra mục tiêu ngắn hạn, sau đó tiến tới những mục tiêu lâu dài, mưa dần thấm lâu, bắt nguồn từ các đơn vị nhỏ như xóm ấp, chợ đêm, trường học… để nâng cao ý thức người dân từ đó lan tỏa đến toàn huyện" - bà Hiền chia sẻ.

Bàn cách để Phú Quốc không còn rác thải nhựa - Ảnh 2.

Công nhân vệ sinh đang vớt rác tại cửa sông Dương Đông - Ảnh: DUY KHÁNH

Tuy nhiên, các đại biểu thuộc các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc tham dự hội thảo thừa nhận: việc triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn do vướng cơ chế khi thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường không thuộc thẩm quyền của huyện.

"Chúng ta có đầy đủ chế tài để xử lý hành vi xả rác nhưng nếu người dân không chấp hành đóng phạt, cơ quan chức năng không thể vào nhà người dân để cưỡng chế cái tivi, cái bàn cái ghế…Cái chính là hiện nay chỉ mới dừng lại ở việc tuyên truyền" - ông Nghiệp chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Quang, trưởng phòng kế hoạch, nghiên cứu và phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch Kiên Giang, cho rằng, vấn đề nằm ở cách làm nên hiệu quả bảo vệ môi trường chưa cao.

"Chúng ta có rất nhiều chương trình, nhiều dự án triển khai  bảo vệ  môi trường ở Phú Quốc nhưng sao càng ngày càng ô nhiễm nặng? Đó là do chúng ta chưa kết nối những dự án, mạnh ai nấy làm khiến người dân cảm thấy cơ quan chức năng làm kiểu ăn xổi ở thì, không có định hướng dài lâu đâm ra nản và không muốn tham gia", ông Quang nhấn mạnh.

Tuy còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng hội thảo đã thống nhất sẽ bắt tay triển khai dự án. 

Trước mắt, 3 bên gồm: Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng Qũy quốc tế bảo vệ thiên nhiên Việt Nam (WWF-VN) và UBND huyện Phú Quốc thống nhất soạn thảo chương trình khung để triển khai các bước tiếp theo. "Dù khó khăn nhưng chúng ta cùng chung tay để Phú Quốc thực sự là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước" - ông Nghiệp khẳng định.

DUY KHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Phú Quốc rác thải