Mùa ngư dân thu hoạch cá cơm ở Lý Sơn, Quảng Ngãi được đoàn làm phim ghi lại - Ảnh: BTV |
Đây là chương trình ký sự về biển đảo có độ dài, quy mô lớn được một đài truyền hình địa phương thực hiện.
Sau khi chương trình hoàn thành, một số đài như Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bình Thuận cũng đã thỏa thuận để phát lại các tập ký sự này. Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bình Dương sẽ chuyển các tập ký sự cho các đài có nhu cầu để phát sóng miễn phí như một nghĩa cử hợp tác, tri ân giữa các đài mà không thu phí. |
Có trực tiếp xem những tập phim đã hoàn thiện, chứng kiến cảnh nhiều hôm trời tối khuya các biên tập viên vẫn miệt mài làm việc... mới thấy hết được những tình cảm, nỗ lực mà đoàn làm phim dành cho chương trình quy mô này.
Suốt gần một năm, đoàn làm phim gồm hàng chục người của BTV đã chia thành nhiều nhóm thay nhau đi khắp 28 tỉnh, thành phố có biển đảo dọc chiều dài đất nước.
Mỗi tập phim là một lát cắt, đi sâu vào một chủ đề du lịch biển, kinh tế biển, văn hóa - lịch sử và cuộc sống của bà con ngư dân, chiến sĩ... tại từng địa danh mà đoàn phim đi qua.
Mở đầu chương trình ký sự là tỉnh Quảng Ninh, đoàn làm phim dành tới bảy tập phim để khắc họa về từng chủ đề: lịch sử - văn hóa của vùng đất Quảng Ninh, thương cảng Vân Đồn, đảo Cô Tô, di tích chiến thắng Bạch Đằng từng có kỳ tích quân dân ta đánh tan quân Nguyên Mông xâm lược...
Với mỗi địa danh đặc biệt như vịnh Hạ Long, có tới hai tập khắc họa vẻ đẹp của di sản thiên nhiên thế giới này, cũng như cuộc sống của người dân, hoạt động của du khách...
Hay như với “điểm nhấn” là quần đảo Trường Sa, đoàn làm phim cũng dành nhiều tập phim để khắc họa cuộc sống của các chiến sĩ, bà con tại từng nơi như đảo Trường Sa Lớn, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo An Bang, thăm nhà giàn...
Cứ thế, sáu nhóm làm phim của BTV đã rong ruổi từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, đi khắp các đảo để mang về những tập ký sự sống động. Rất nhiều nhân vật, câu chuyện đẹp xuất hiện trong các tập phim.
Đó có thể là anh ngư dân Bùi Văn Huệ (đảo Bé, Lý Sơn, Quảng Ngãi) bị liệt hai chân nhưng vẫn rất yêu biển, ngày ngày đan lưới, nuôi cua đá... để kiếm sống bằng chính sức lao động của mình mà không bi lụy, dựa dẫm vào người khác.
“Có trực tiếp gặp gỡ với người dân, chịu cảnh say sóng khi đi thuyền ra các đảo, nghe ngư dân kể chuyện bị tàu Trung Quốc đuổi... mới cảm nhận hết được những gian nan, khổ cực mà bà con mình phải chịu đựng” - một thành viên trong đoàn làm phim tâm sự.
Ông Bùi Thiện Khải - phó giám đốc BTV, tổng đạo diễn của chương trình - cho biết với mong muốn làm một chương trình vì biển đảo quê hương, những người làm báo ở BTV cứ day dứt mãi. Với đặc thù Bình Dương không phải là một tỉnh có biển, nhưng khán giả trong tỉnh vẫn có nhu cầu được xem những chương trình nói về biển đảo.
Hơn nữa, Bình Dương còn là tỉnh có rất nhiều thanh niên, công nhân và người dân từ các tỉnh thành tới làm ăn và sinh sống, trong đó không ít người lớn lên từ những vùng biển.
“Lúc đầu khi chúng tôi có ý tưởng thì nghĩ rằng làm 100 tập phim là dễ, nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới thấy phát sinh bao khó khăn. Với chi phí sản xuất khá eo hẹp, phương tiện tác nghiệp thiếu thốn, nhiều phóng viên phải tự trang bị một số máy móc, khi về máy bị hư hỏng vì nước biển ăn mòn... Rất may là đi tới đâu đoàn làm phim cũng nhận được sự giúp đỡ của đồng nghiệp các đài bạn và các chiến sĩ, bà con ngư dân” - ông Khải chia sẻ.
Dự kiến 100 tập ký sự biển đảo (15 phút/tập) sẽ được phát sóng từ ngày 15-12 vào 21g45 thứ hai, ba, tư hằng tuần trên BTV1, phát lại vào 11g15 ngày hôm sau trên BTV2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận