19/08/2015 18:18 GMT+7

Ra đường xin việc có gì là "nhục nhã"?

KHOA NGUYỄN - AN NHIÊN
KHOA NGUYỄN - AN NHIÊN

TTO - Khá nhiều tranh luận đã nổ ra quanh chuyện một người trẻ cầm bảng tìm việc đứng trên đường với nội dung "Tôi cần một công việc để mua sữa cho con".

Chàng trai cầm biển xin việc ở Hà Nội - Ảnh: Facebook

"Nhục nhã thay cho một cử nhân" là cái tít được giật lên trên một trang báo mạng. Cách đặt vấn đề này khiến nhiều người phản đối.

Nhiều người cho rằng việc ông bố này cầm bảng xin việc, ghi rõ hoàn cảnh của mình và đứng giữa phố để mong một cơ hội nào đó đến với mình chẳng có gì là sai, nhất là khi mục đích của việc làm này là vì sữa cho đứa con thơ ở nhà.

Ở góc nhìn khác, nhiều người lại đánh giá cách làm này thể hiện sự không chuyên nghiệp và “cầu cạnh” sự trắc ẩn của người tuyển dụng, thay vì xin việc bằng năng lực thật sự của anh ta.

Có gì sai mà xúc xiểm?

Bạn Hồ Minh Vương bình luận: “Người ta đã bỏ sĩ diện có trách nhiệm với đứa trẻ để ra đường xin việc, một người bố như vậy có đáng để chê trách không? Đừng phán xét khi mình chưa trải qua gì cả, khi có con nhỏ trách nhiệm lớn hơn, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, cố gắng mà sống tốt”.

Anh Đặng Sinh đánh giá về bản chất, việc đưa lên mạng một cái CV và việc cầm bảng đứng đường như vậy là như nhau, chỉ khác nhau về hình thức.

“Con mới đẻ mà không có tiền, tình thế đã rất cấp bách, anh ta có lẽ đã buộc phải chọn hình thức cầm bảng để tham gia vào chợ người đường phố. Lúc khó khăn người ta dễ hạ mình xuống lắm, nhưng anh ta vẫn giữ phẩm giá khi cho rằng mình cần một việc làm, một nơi để anh ta bán sức lao động. Con gái anh ta sắp đói, nó cần cha nó mang sữa về.

Trước tình trạng phá thai đầy rẫy (trước và sau hôn nhân) như hiện nay, việc chấp nhận làm cha ở tuổi 25 với một cơ sở kinh tế yếu kém là một quyết định dũng cảm và trách nhiệm.

Anh ta không có tội, anh ta chỉ tìm việc; con gái anh ta không có tội nếu cháu được uống sữa như bao đứa trẻ khác từ tiền do cha cháu làm việc kiếm ra”, anh Sinh viết.

“Cho đến lúc anh bạn này giơ tấm bảng lên, anh đã sống rất đáng mặt đàn ông. Và tôi mong anh sẽ tiếp tục như thế để con gái anh khi lớn lên sẽ được tự hào vì cha mình, một người đàn ông sẵn sàng hạ mình xuống vì con.

Vậy vì nhẽ gì chúng ta lại không chung tay, chung miệng vào giúp cho niềm tự hào ấy lớn thêm? Nếu không thể ủng hộ anh xin cũng đừng buông lời xúc xiểm mà tội nghiệp đứa trẻ. Bạn trẻ nào ở gần chỗ anh giơ bảng, nếu gặp anh, nhờ trang trí lại tấm bảng để nhìn cho sạch đẹp và ấn tượng hơn. Đó cũng là một cách thực tế để góp sữa cho con anh và làm xã hội này tốt đẹp hơn vậy”, anh Sinh viết trên facebook của mình.

Anh Bảo Huỳnh (TP.HCM) đánh giá mỗi người đều có những giai đoạn khó khăn trong cuộc đời và việc tìm mọi cách (tất nhiên là không phạm pháp) để mưu sinh thì không có gì đáng phê phán.

“Có thể câu chữ anh ta viết chưa thật khéo léo, tên email chưa thật chuyên nghiệp như nhiều người nói nhưng hơn hết, anh ta đã dẹp bỏ cái gọi là sĩ diện hảo để mưu sinh, vì vợ vì con là rất đáng mặt đàn ông rồi. Nếu có một đứa con nhỏ và con tôi cần sữa, túi tôi rỗng tuếch thì tôi cũng sẵn sàng làm như anh ta hoặc nghĩ ra những cách khác để tìm kiếm cơ hội cho mình”, anh Bảo nói.

Các ngày hội việc làm luôn thu hút đông đảo người trẻ - Ảnh: TTO

Sau lòng trắc ẩn, hãy chứng tỏ bản thân

Trao đổi với TTO, một người bạn học chung ĐH với ông bố trẻ này cho biết thời sinh viên cậu ấy đã làm thêm nhiều việc như gia sư, trông quán nét, bưng bê đồ ăn ở Đền Lừ, nước uống ở Hồ Gươm.

“Bạn ấy chỉ muốn có công việc nên mới làm như thế”, người bạn này chia sẻ.

Trước bình luận thắc mắc tại sao bạn trẻ này không chạy xe ôm, không xin làm công nhân, bốc vác mà lại “hạ mình” xin việc như vậy, bạn Phan Thu Khôi (TP.HCM) chia sẻ quan điểm của mình: “Nhiều bạn đang cổ vũ cho việc tiêu thụ sức lao động rẻ mạt, một kiểu rất nguy hiểm. Kinh tế khó khan, tầng lớp trung lưu gia nhập công nhân không có gì lạ. Nhưng nên nhớ việc học ĐH để có tấm bằng cử nhân là một quá trình lao động miệt mài, đánh đổi thời gian, tiền bạc và sức lực. Khi vừa ra trường không xin được việc làm ở thời điểm này là chuyện bình thường. Lẽ ra phải cổ vũ cho thanh niên này tiếp tục xin việc để không bỏ công 4 năm trời thì mọi người lại cổ vũ cho một sự bán lao động nhanh chóng rẻ mạt”.

Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết trên thế giới, nhiều người cũng chọn cách tự quảng bá mình trên phố đông người để tìm cơ hội việc làm.

Thử tìm kiếm trên Google từ khóa “can't find a job” (không thể tìm việc) cho ra hàng nghìn kết quả, có người là cử nhân, có người là thạc sĩ, có người còn nêu rõ họ cần một công việc để kiếm tiền mua thức ăn. Ngoài việc cầm bảng xin việc đứng trên phố, nhiều người còn tự chụp hình cùng tấm bảng và đăng lên mạng xã hội để mở rộng cơ hội việc làm cho mình.

“Việc làm của ông bố trẻ này cho thấy anh ta khao khát có được một công việc, với hoàn cảnh khó khăn hiện nay, anh ta mong mọi người chú ý đến mình. Đó là sự dũng cảm và chân thật. Tôi đánh giá đây là một cử chỉ đẹp. Tôi nghĩ sẽ có doanh nghiệp trao cho bạn trẻ này cơ hội. Tuy nhiên, sau khi được trao cơ hội, anh ta phải chứng tỏ năng lực của bản thân để không phải bị gắn cái mác “có được việc làm vì lòng trắc ẩn”. Tôi hy vọng các bạn trẻ khi tìm việc sẽ chịu khó thu thập, tìm kiếm thông tin, tự tin vào bản lĩnh của mình và chấp nhận dấn thân, trải nghiệm”, ông Tuấn nhìn nhận. 

Luôn cần người làm được việc

Ths.Đinh Thị Vũ Trinh - Giám đốc - Trung tâm Giáo dục Kỹ năng và Truyền thông Cộng đồng SECC cho biết nhà tuyển dụng thì luôn cần người làm được việc, nhưng có 2 nguyên nhân chính để nhà tuyển dụng và ứng viên không “gặp nhau” là nhà tuyển dụng không khai thác hết khả năng thí sinh khi sàng lọc hồ sơ và ứng viên không biết trang bị đủ cho mình hành trang tìm việc: cần tích lũy ngay từ khi còn đi học, biết “show” (phô diễn, trình bày) khả năng của mình, luyện ngoại ngữ và thể hiện mong muốn tột bật với vị trí họ ứng tuyển.

"Trong tiếp xúc với hàng trăm thậm chí có lúc lên 1000 hồ sơ bạn trẻ xin việc, tôi thấy một điểm chung là các bạn ít kinh nghiệm nhưng không có sự lắng nghe sâu và không đi đến cùng cho công việc của mình, các bạn nộp hồ sơ mà tâm hồn cứ lơ lửng, thao tác làm việc còn lề mề, thiếu quan sát... 

Và cái này không thể cứ đổ lỗi cho nền giáo dục. Đi xin việc cũng rất cần kỹ năng và hiểu biết cần thiết để có thể chạm được vị trí mong muốn, các bạn sinh viên trẻ cũng chớ bi quan, vì nếu bạn chịu khó có định hướng như tôi vừa liệt kê thì chắc chắn công việc sẽ chờ đợi bạn", bà Trinh nói.

KHOA NGUYỄN - AN NHIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên