23/10/2015 07:59 GMT+7

Quyết không để con thất học

THÙY TRANG (nguyenthuytrang@tuoitre.com.vn)
THÙY TRANG (nguyenthuytrang@tuoitre.com.vn)

TT - Có những người cha ở vùng quê heo hút không một chữ lận lưng, người làm thuê vác mướn, người vì mưu sinh đến đổ bệnh nhưng vẫn luôn khát khao để con được vào đại học.

Ngày cuối tuần, My về quê giúp ba công việc đồng áng - Ảnh: T.Trang
Ngày cuối tuần, My về quê giúp ba công việc đồng áng - Ảnh: T.Trang

Cả dòng họ bên nội và ngoại em đều đi làm thuê làm mướn kiếm sống, em đậu đại học, muốn học để thay đổi quan niệm của nhiều người và cũng muốn thay đổi cuộc đời mình

Tân sinh viên NGUYỄN HOÀNG NHIÊN

Và hơn hết, họ tâm niệm rằng chỉ có đeo đuổi con chữ mới giúp con mình thoát khỏi đói nghèo.

Cầm cố đất cho con học đại học

Cầm tờ giấy báo trúng tuyển đại học ngành quản lý đất đai Trường ĐH Cần Thơ trong tay nhưng Trương Huỳnh Hoàng My (ở xã Long Đức, huyện Long Phú, Sóc Trăng) lại cất vào trong ngăn cặp, chuẩn bị khoác áo công nhân để đi lột vỏ tôm tại một công ty thủy sản.

My không biết cha bạn đã cầm cố công đất duy nhất cho người ta lấy tiền cho con đi học...

Trong căn chòi lá gần mé ruộng, nơi hai cha con trú ngụ gần 18 năm nay, My ngập ngừng kể về tuổi thơ của mình.

Ba mẹ chia tay khi My gần 2 tuổi. Năm lên 6 tuổi, My bị sốt xuất huyết không ai chăm sóc, bệnh nặng đến nỗi toàn thân tím tái, bụng phình trướng lên. Lúc đó, ba My (người bấy nay chôn vùi mình trong chén rượu giải sầu) hốt hoảng đưa con vào bệnh viện, bác sĩ lắc đầu, chỉ trông chờ may mắn.

“Tui như tỉnh cơn mê, tự dằn vặt mình sao nỡ để con ra nông nỗi này. Tui cầu trời cầu Phật cho con qua khỏi tui sẽ làm lại từ đầu, sẽ ráng hết sức lo cho con” - ông Trương Văn Mưu, cha My, kể lại.

Từ đó, cha như một người khác hẳn, người ta kêu gì ông cũng làm, những bữa ăn của My cũng tươm tất hơn dù chỉ vài lát thịt kho hay vài con cá bắt ở ruộng. 12 năm học, cha đi xin sách cũ trong xóm cho My đi học, người ta thương tình còn cho thêm vài bộ quần áo.

“Nó thi đậu mà giấu tui đó chớ, bạn nó lại chúc mừng nên tui mới hay” - rơm rớm nước mắt, ông Mưu nói thêm. Cặp trên vách lá rất nhiều tấm giấy khen học sinh giỏi 12 năm liền được ba My lưu giữ cẩn thận, ông nói đó là động lực sống của ông.

“Tui tính hết rồi, công đất gói ghém đủ nó học trong hai năm đầu, rồi làm dành dụm tiếp để nó học hai năm cuối” - ông Mưu nói.

Học để thay đổi cuộc đời

“Tui sống đến ngày nhìn thấy được tờ giấy báo trúng tuyển của nó là tui yên lòng lắm rồi, mọi đau đớn đều tan biến hết” - ông Nguyễn Văn Nam, cha tân sinh viên Nguyễn Hoàng Nhiên (xã Xuân Hòa, huyện Kế Sách, Sóc Trăng), rơm rớm nước mắt nói.

Đã sáu năm nay, ông Nam nằm một chỗ trên giường bệnh do tai nạn trong một lần đi hái cóc thuê. Nhà có ba công đất đều đã bán hết, ai kêu gì mẹ làm nấy để có tiền lo thuốc men cho cha.

Anh em Nhiên sau giờ học thường rong ruổi ở các kênh mương trong ruộng mò cua, bắt ốc, rồi xin vác lúa mướn hoặc làm cỏ mướn, canh giữ ghe lúa...

“Nhiều bữa trong nhà ăn cháo thay cơm, mẹ nói đổi bữa cho đỡ ngán chứ thật ra là nhà hết gạo rồi” - Nhiên chậm rãi kể.

Năm lên lớp 10, có người đến tận nhà kêu Nhiên lên Đồng Nai học nghề thợ hàn, người ta sẽ nuôi cho học rồi ra nghề ở lại làm cho họ luôn nhưng ba Nhiên tuyệt đối không đồng ý.

“Tui biết giờ tui không giúp được gì nhưng tui không muốn con thất học. Nó học đại học có nghề nghiệp đàng hoàng chứ không như cha mẹ không biết chữ nên chỉ đi làm mướn” - ông Nam nói.

Nhiên đậu vào ngành công nghệ chế biến thủy sản Trường ĐH Cần Thơ, cả nhà ai cũng mừng nhưng đều nén tiếng thở dài vì học phí.

Nhiên và mẹ đã cầm tờ giấy báo nhập học đến nhiều nhà trong xóm hỏi mượn tiền nhưng ai cũng lắc đầu. Có người còn nói “nhà mày khổ vậy rồi thì nghỉ học xin đi làm công ty để có đồng ra đồng vô có đỡ hơn không”.

Bế tắc, Nhiên đến trường xin rút lại hồ sơ. Anh Phan Quang Vinh, phó phòng công tác sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, cho biết anh gặng hỏi mãi Nhiên mới nói do hoàn cảnh không cho phép Nhiên tiếp tục học.

“Để đạt được kết quả ngày hôm nay em đã nỗ lực 12 năm thì cớ gì chỉ còn bốn năm nữa là có tấm bằng đại học, sao không nỗ lực tiếp để cuộc sống sáng sủa hơn. Nhà trường và mọi người sẽ luôn ủng hộ em” - anh Vinh khuyên Nhiên và cho biết trường luôn có nhiều học bổng dành cho sinh viên vượt khó học giỏi.

10 năm qua Nhiên phải mò cua, bắt ốc để có tiền duy trì việc học - Ảnh: T.Trang
10 năm qua Nhiên phải mò cua, bắt ốc để có tiền duy trì việc học - Ảnh: T.Trang

Ông chủ quán cà phê tốt bụng

Chỉ còn hơn 10 ngày hết hạn đóng học phí, Nhiên lên Cần Thơ xin việc làm. Đến đâu Nhiên cũng cầm giấy báo nhập học, lấy hết can đảm xin ứng tiền trước rồi làm công trừ dần. Nhiều người ngần ngại lắc đầu.

Cũng may ông chủ quán cà phê gần Trường ĐH Y dược Cần Thơ đã nhận Nhiên vào làm và cho ứng trước ba tháng lương để đóng học phí. “Giờ em đã hiểu dù khó khăn đến mấy nếu mình cố gắng tìm cách vượt qua thì đều có thể đạt được” - Nhiên nói đầy tự tin.

THÙY TRANG (nguyenthuytrang@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên