Bảo Hàn vừa chăm sóc mẹ bệnh vừa canh những chiếc chậu hứng nước dột từ trần nhà phía sau lưng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Đó là Lê Việt Bảo Hàn - tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa và Đoàn Ngọc Thịnh - tân sinh viên Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Đà Nẵng.
Chưa bao giờ bỏ cuộc
Căn phòng hơn 20m2 của khu tập thể cũ nằm sâu trong hẻm trên đường Cao Thắng, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) ngập mùi ẩm mốc. Cô gái nhỏ Lê Việt Bảo Hàn (18 tuổi) vừa chăm mẹ bệnh, vừa phải chạy canh mấy cái xô, chậu đầy nước mưa giội xuống từ trần nhà.
Bà Nguyễn Thị Kim Chi (55 tuổi) với cơ thể sưng phù ngồi tựa lưng vào vách thở dốc, nhìn con quày quả với căn nhà dột tứ bề mà bất lực. Thấy mẹ mỏi mệt, Bảo Hàn chỉ biết bóp chân rồi xoa dầu cho mẹ đỡ đau đớn. Chốc lát em lại ngó chừng mấy cái chậu giữa nhà đầy nước, lật đật đi đổ.
Những ngày bão đến, Bảo Hàn phải dìu mẹ qua trú nhờ nhà người bà con. Bão tan trở về lại hì hục lau nước, dọn nhà. Căn phòng cũ mèm dột tứ bề đã xuống cấp lâu ngày, mỗi lần mưa bão là hai mẹ con nơm nớp lo sợ.
Ba Bảo Hàn mất từ lúc em lên 5 tuổi. Năm 2015, mẹ em phát bệnh ung thư cổ tử cung, đến nay đã chuyển sang giai đoạn cuối. Đã 5 năm cuộc sống của bà Chi gắn liền với bệnh viện và những ngày vật vã trong cơn đau. Căn bệnh quái ác như gặm nhấm dần cơ thể bà.
Từ ngày phát bệnh, bà phải ngưng hẳn giúp việc nhà cho người ta. Bà Chi cho hay tiền tích cóp chẳng được bao nhiêu, may nhờ tiền trợ cấp xã hội và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm mới đủ chi phí hóa trị cho bà.
"Lắm lúc tôi muốn ngừng, mà Bảo Hàn lại động viên mẹ cố gắng. Mỗi ngày tôi lại dặn con, nếu mẹ ra đi con cũng phải kiên cường, phải tự học thành người để nuôi bản thân, không vì điều gì mà ngã gục được" - bà Chi nghẹn ngào nói.
Nhìn cơ thể mẹ yếu dần, tóc đã rụng sạch, Hàn đau xót vô cùng nhưng chưa bao giờ em có ý định bỏ cuộc. Ngoài giờ lên giảng đường, Hàn nhận dạy thêm cho ba học sinh cấp I để kiếm tiền trang trải học phí, sinh hoạt phí cho hai mẹ con.
Cô Võ Thị Trâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Bảo Hàn, cho biết 12 năm liền em đều đạt học sinh giỏi. "Bảo Hàn rất hiền lành, chăm học, có ý chí phấn đấu và tự lập. Điều tôi đặc biệt ấn tượng là dù hoàn cảnh em rất khó khăn nhưng em luôn vui vẻ, lạc quan, tự tin và biết giúp đỡ các bạn khó khăn cùng vươn lên" - cô Trâm nói.
Đoàn Ngọc Thịnh với đôi mắt cương nghị quyết học để trở thành chỗ dựa cho gia đình - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Gánh vác gia đình
Cũng giống như Bảo Hàn, chàng trai Đoàn Ngọc Thịnh (18 tuổi, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cũng đang bước vào giảng đường ĐH khi gia cảnh hết sức ngặt nghèo. Thịnh đậu ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng với 27,5 điểm. Những ngày mới nhập học, Thịnh quay quắt tìm việc làm để lo cho mình và tích cóp phụ ba mẹ nuôi các em.
Thịnh là anh cả trong gia đình có ba anh em. Mẹ em mắc bệnh tâm thần phân liệt, mất khả năng lao động. Ba Thịnh làm nông ở quê, giật gấu vá vai vẫn khó lo cho ba đứa con ăn học nên khi Thịnh lên cấp III, ông đành gửi em cho một người họ hàng ở Đà Nẵng nuôi dưỡng.
Biến cố ập đến, ngay sau ngày Thịnh vừa hoàn thành kỳ thi THPT, ba em cũng phát bệnh tâm thần. Ông đã nhảy xuống giếng và cầm dao tự đâm vào cổ, tuy được hàng xóm cứu sống nhưng để lại di chứng rất nặng nề. Biết tin ba đổ bệnh, Thịnh từ TP Đà Nẵng vội vàng chạy về quê.
Một mình Thịnh chăm ba ở bệnh viện, rồi theo ông điều trị ở các khoa tâm thần. Nghĩ cảnh hai em gái ở nhà khi mẹ cũng đang bệnh khiến Thịnh nhiều lúc tưởng chừng không còn một nơi nào để bấu víu.
Họa vô đơn chí, cơn bão số 9 vừa rồi đã giật phăng mái tôn căn nhà, xô gãy hết vườn keo là tài sản quý giá nhất của gia đình. "Keo là tiền cơm gạo, là chi phí cho chúng em đến trường, là tiền thuốc thang cho ba má, vậy mà bão quật đổ hết rồi" - Thịnh nói.
Bão đi qua để lại khung cảnh xác xơ nơi miền quê nghèo, Thịnh về lật đật lượm lặt những thứ còn sót lại, động viên ba mẹ và các em rồi nhờ bà con chòm xóm lợp lại mái nhà, xong lại tất tả trở lại trường học.
Những ngày này, ngoài giờ học Thịnh vẫn chạy xe đều đặn đi dạy thêm buổi tối và trau dồi vốn tiếng Anh. Thịnh chia sẻ mỗi khi thấy mình bắt đầu chùn chí, em lại tự nhủ đã đến lúc phải trưởng thành. Giờ em phải là trụ cột gia đình, điểm tựa tinh thần cho ba mẹ và hai đứa em nhỏ dại.
Hỏi Thịnh có bao giờ nghĩ đến việc ngừng học, chàng trai dứt khoát: "Không, bởi nếu lúc này về làm thuê thì cả đời sẽ cực, không có công việc ổn định thì sau này lấy gì lo cho ba mẹ và các em".
Tiếp sức 150 tân sinh viên xứ Quảng
Sáng 21-11, lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng diễn ra tại Palm Garden resort, TP Hội An, Quảng Nam. Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Nam, Thành đoàn Đà Nẵng, Sở GD-ĐT Quảng Nam, Sở GD-ĐT Đà Nẵng và CLB Tiếp sức đến trường Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức.
Chương trình sẽ trao 150 suất học bổng cho tân sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng, suất đặc biệt 15 triệu đồng. Tổng kinh phí hơn 1,5 tỉ đồng từ nguồn đóng góp của bạn đọc báo Tuổi Trẻ.
Mời bạn đọc xem danh sách các nhà hảo tâm ủng hộ cho tân sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng 2020 trên trang IV quảng cáo của báo ngày hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận