01/04/2021 19:04 GMT+7

Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam: Người học 'trắng tay' bằng cấp do 'lỗi kỹ thuật'

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Sau khi Hội phụ huynh Học viện Múa Việt Nam kêu cứu vì con em ra trường trắng tay bằng cấp, Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ báo chí chiều 1-4.

Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam: Người học trắng tay bằng cấp do lỗi kỹ thuật - Ảnh 1.

TS Trần Văn Hải trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 1-4 - Ảnh: NGỌC DIỆP

Tháng 5-2020, học sinh K40 - K43 đang học hệ trung cấp và sinh viên K2 - K6 đang học hệ cao đẳng bị Học viện Múa Việt Nam yêu cầu phải thi trung cấp, nhưng sau đó tất cả đều "ngã ngửa" khi học viện tuyên bố không thể cấp bằng trung cấp.

Một số sinh viên trong nhóm "may mắn" lấy được bằng cao đẳng, nhưng khi đi thi đại học thì bị các trường từ chối vì không thể trình ra bằng tốt nghiệp THCS, THPT.

Do những "lỗi kỹ thuật trong quá khứ"

Trong cuộc gặp gỡ báo chí chiều 1-4, TS Trần Văn Hải - quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam - cho biết học viện đã xác định nhóm sinh viên học "hệ liên thông trung cấp - cao đẳng" không lấy được bằng trung cấp chuyên nghiệp là 273 em.

Lý giải việc người học không lấy được bằng, TS Hải cho biết do những "lỗi kỹ thuật" trong quá khứ.

Theo giải thích của ông Hải, từ năm 2012 Bộ GD-ĐT và Bộ VH-TT&DL đã phê duyệt chương trình đặc thù "hệ liên thông trung cấp và cao đẳng" tích hợp đào tạo cả chuyên môn và kiến thức văn hóa. Giai đoạn một là trung cấp, giai đoạn hai là cao đẳng.

Thí sinh được tuyển vào từ năm 11, 12 tuổi, được đào tạo một mạch đến năm 18 tuổi và được cấp bằng cao đẳng luôn. Cách đào tạo nói trên khác với quy trình thông thường học sinh phải tốt nghiệp trung cấp, có bằng trung cấp mới được thi vào hệ cao đẳng.

TS Hải cho biết vào giai đoạn Học viện Múa Việt Nam bắt đầu tuyển hệ đào tạo nêu trên đã có sơ suất khi không đăng ký rõ với Bộ GD-ĐT đây là chương trình tích hợp đầu vào trung cấp, đầu ra cao đẳng, mà chỉ đăng ký với Bộ GD-ĐT hệ cao đẳng. Do đó Bộ GD-ĐT chỉ cấp phôi bằng cao đẳng cho học viện và không cấp phôi bằng trung cấp.

Giải pháp Học viện Múa Việt Nam đưa ra là đề xuất Bộ GD-ĐT cho phép học viện in phôi bằng trung cấp chuyên nghiệp cấp bù cho 273 em chưa được cấp bằng. Với bằng này, các em có thể học lên đại học tại các trường trong hệ thống Bộ VH-TT&DL.

Quyền giám đốc Học viện Múa Việt Nam: Người học trắng tay bằng cấp do lỗi kỹ thuật - Ảnh 2.

Hai sinh viên thuộc nhóm 325 người học "ba không" cho biết vẫn được Học viện Múa Việt Nam cho học tiếp nhưng cảm thấy rất hoang mang, không biết tương lai đi về đâu - Ảnh: NGỌC DIỆP

Học viện Múa Việt Nam sẽ liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên

Vẫn theo TS Hải, năm 2014, Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT&DL đã làm việc và thống nhất ban hành khung chương trình tích hợp đào tạo chuyên môn và văn hóa cho Học viện Múa Việt Nam.

Những em học theo chương trình này không có bằng THCS, THPT như học sinh bình thường, nhưng sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp chuyên nghiệp được quyền thi lên các trường đại học đào tạo về nghệ thuật thuộc hệ thống Bộ VH-TT&DL.

Hiện nay, do nhu cầu của người học muốn có bằng THCS, THPT để có thể chuyển nghề khác khi không theo đuổi được nghiệp múa, học viện đã liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên để người học có nhu cầu có bằng văn hóa.

Nhưng với trường hợp 273 em học theo hệ đào tạo cũ, hướng giải quyết của Học viện Múa Việt Nam là xin phép Bộ GD-ĐT cho phép học viện cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THCS, THPT và cho phép 273 em dùng giấy này đi đăng ký học bù những môn học viện dạy còn thiếu so với cấu trúc của trung tâm giáo dục thường xuyên để lấy bằng THPT quốc gia.

Đổ mồ hôi ở Học viện Múa, chưng hửng lúc ra trường vì luật thay đổi Đổ mồ hôi ở Học viện Múa, chưng hửng lúc ra trường vì luật thay đổi

TTO - Ngày 31-3, hội phụ huynh đại diện cho 325 học sinh, sinh viên Học viện Múa Việt Nam kêu cứu vì con họ có nguy cơ ra trường "trắng tay": không có bằng chuyên môn, không bằng THCS lẫn THPT.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên