Với an tử, người bệnh có thể tự uống hay được tiêm thuốc để chấm dứt cuộc sống - Ảnh: RN |
Đó là những suy nghĩ của bác sĩ Huỳnh Văn Bình trong bài viết gửi đến Tuổi Trẻ Online chia sẻ những vấn đề xoay quanh câu chuyện quyền được chết.
Tuổi Trẻ Online xin đăng bài viết này và mong nhận được những ý kiến tiếp tục thảo luận về câu chuyện quyền "được chết".
Trong những ngày qua, đội ngũ ngành y tế và người dân cả nước bàn luận rất nhiều về đề xuất “quyền được chết” áp dụng cho những người bệnh hiểm nghèo vào Bộ luật dân sự.
Những ý kiến đồng tình vì cho rằng đây là một hành động nhân văn, giúp người bệnh khỏi chịu đau đớn của thể xác, giúp gia đình khỏi chịu cảnh đau đớn về tinh thần khi chứng kiến cảnh người thân đau đớn.
Từ đó giúp gia đình giảm gánh nặng về kinh tế, có thể dùng số tiền đó để lo những việc khác, giúp xã hội giảm đi chi phí y tế cho những đối tượng đã không còn khả năng tái tạo sức lao động...
Và đến nay có rất nhiều quốc gia đã đưa “quyền được chết” vào luật và đang thực hiện.
Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến không đồng tình và bản thân tôi, là một bác sĩ, cũng không đồng tình việc áp dụng “quyền được chết”.
Vì một khi “quyền được chết” được thông qua thì có lẽ bộ phận đảm trách chính là bác sĩ gây mê hồi sức hoặc chăm sóc giảm nhẹ (cũng có vai trò của bác sĩ gây mê). Dù cho việc quyết định là do một hội đồng thông qua, nhưng người thực hiện vẫn chính là bộ phận trên và trực tiếp sẽ là một bác sĩ.
Bản thân tôi là bác sĩ gây mê hồi sức, xin có vài suy nghĩ về “quyền được chết” tại nước ta trong thời điểm hiện tại.
Có lẽ không ai có thể thấu hiểu những đau đớn của những bệnh nhân nan y thời kỳ cuối và những khó khăn về kinh tế cho gia đình họ hơn chúng tôi - những bác sĩ đang công tác tại đơn vị hồi sức (bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên ngành ung bướu).
Vì thế khi nêu lên những suy nghĩ này, mọi người đừng nghĩ tôi không thấu hiểu những điều đó.
Ở một số khía cạnh tôi không đồng ý thực hiện "quyền được chết” tại nước ta.
Vì sao?
Chỉ xét riêng về mặt khoa học, y khoa là một ngành khoa học không chính xác, mọi chẩn đoán và quyết định điều trị đều dựa trên y học bằng chứng, tức phần đông có đặc điểm gần giống nhau.
Chẩn đoán, đã là đoán thì không thể chính xác 100%, luôn có một tỉ lệ sai sót, sai sót này trong y khoa gọi là sai sót không mong muốn, tỉ lệ này cao hay thấp phù thuộc vào trình độ chuyên môn của từng bác sĩ, trang bị kỹ thuật của từng bệnh viện.
Thế nên làm sao chúng ta có thể đoan chắc là bệnh nhân này đã hết cách cứu chữa, bệnh nhân này chắc chắn sẽ tử vong. Và nếu thực hiện “quyền được chết” thì tránh sao ta sẽ giết lầm một nhân mạng, mà nếu điều đó xảy ra thì thật khủng khiếp.
Tôi xin đơn cử một vài trường hợp mà hơn 10 năm công tác tôi đã chứng kiến.
Một bệnh nhân ung thư gan vỡ, được mổ, sau đó tình trạng sốc rất nặng, tưởng đâu sẽ tử vong trong vòng 24 giờ. Gia đình có nguyện vọng đem bệnh nhân về chết tại nhà. Nhưng vì lúc đó trời đã tối, chúng tôi khuyên nên để sang ngày mai. Và sang hôm sau bệnh nhân đã ổn định hơn, từ từ hồi phục, đến nay bệnh nhân đó có thể sống và làm việc bình thường.
Trường hợp thứ hai là một nam bệnh nhân trẻ, chấn thương sọ não rất nặng, mê sâu, quá chỉ định phẫu thuật. Không ai có thể nghĩ bệnh nhân này sẽ sống qua 48 giờ, nhưng bệnh nhân này sau đó đã hồi phục và hiện nay đã đi du học nước ngoài…
Và còn rất nhiều trường hợp như vậy.
Thế đó, làm sao ta có thể đoan chắc “quyền được chết” được thực hiện đúng người.
Về mặt đạo đức của người bác sĩ, chúng tôi học y là để cứu người. Y đức luôn là trách nhiệm hàng đầu của chúng tôi và xã hội đang ngày đêm trông mong chúng tôi thực hiện thật tốt y đức.
Giờ làm sao chúng tôi có thể can đảm làm việc kết thúc một sinh mạng.
Gia đình bệnh nhân muốn người nhà mình được chết vì họ không muốn người nhà mình đau đớn. Họ không muốn tinh thần mình bị tra tấn, họ không muốn phải tốn một chi phí không đáng tốn.
Vậy tại sao họ không đưa người thân mình về gia đình chăm sóc, rồi đến lúc nào người đó qua đời thì thôi?
Tại sao họ không làm mà lại muốn những bác sĩ chúng tôi làm thay điều đó?
Họ muốn trút gánh nặng tinh thần và cả một trách nhiệm khủng khiếp đó cho chúng tôi?
Việt Nam là một quốc gia sống có đạo đức, truyền thống tốt đẹp giữa người với người, sinh mạng là vốn quý thì không ai có thể có quyền can thiệp vào sự sống của người khác.
Nhân viên y tế chúng tôi chỉ giúp người bệnh có thể vượt qua những đau đớn tạm thời của thể xác do bệnh tật bằng những kiến thức được học, chứ chúng tôi không thay người bệnh quyết định sự sống của họ.
Theo thăm dò trên Tuổi Trẻ Online, tính đến 9g15 ngày 27-4, có 563 ý kiến cho rằng nên thực hiện "quyền được chết" trong khi có 117 ý kiến cho rằng "không nên" |
Sinh - lão - bệnh - tử vốn là lẽ tuần hoàn của nhân sinh, không ai có thể thay quyền tạo hóa thay đổi nó.
[poll width="400px" height="174px"]139[/poll]
Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc Huỳnh Văn Bình. Bạn có đồng tình hay không đồng tình với quan điểm này? Suy nghĩ của bạn về quyền được chết ở Việt Nam? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận