Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được đầu tư khoảng 2 tỉ USD, nhưng đến nay chỉ mới hoạt động chưa đầy 20% công suất. Trong ảnh: cảng SSIT (cảng container) phải chuyển sang làm hàng rời do thiếu hàng container - Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Trình bày tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông cho biết thống kê cho thấy đến nay có hơn 18.000 quy hoạch các loại ở các cấp. Điều đáng nói là “quy hoạch nhiều nhưng chất lượng không xứng đáng với số tiền, nguồn lực bỏ ra.
Quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước”.
Xin - cho, tùy tiện, mâu thuẫn...
Theo ông Đông, tình trạng quy hoạch đang tồn tại hàng loạt vấn đề như thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch. Sự thiếu gắn kết giữa các quy hoạch, đặc biệt là khi xử lý các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng diễn ra khá phổ biến hiện nay.
“Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội mang tính chính trị nhưng chỉ chú trọng xác định những chỉ tiêu, định hướng phát triển, chưa chú trọng tổ chức không gian lãnh thổ. Quy hoạch ngành thiếu tính tổng thể, xem nhẹ việc gắn kết ngành và lãnh thổ.
Quy hoạch xây dựng vùng chủ yếu thiên về tính kỹ thuật, thiếu cơ sở xác định động lực cho sự phát triển. Quy hoạch sử dụng đất chưa thực hiện phân vùng chức năng sử dụng đất theo không gian mà chỉ mới chú ý đến việc phân bổ các chỉ tiêu loại đất, thiếu gắn kết với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng vùng.
Chính vì vậy trên cùng một mặt bằng lãnh thổ cả bốn quy hoạch này không liên kết, khớp nối với nhau” - ông Đông phân tích.
Cũng theo ông Đông, lẽ ra là một công cụ quan trọng trong quản lý, thúc đẩy phát triển nhưng ngược lại, hệ thống quy hoạch của nước ta thiếu sự gắn kết trong mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện.
Đặc biệt, “các quy hoạch rất dễ bị sửa, điều chỉnh, dẫn đến tính hiệu lực kém, dễ xin - cho. Ví dụ có khu vực đô thị quy hoạch khu vực thấp tầng, nhưng nhờ quan hệ nào đó mà người ta có thể sửa quy hoạch, cho xây cao tầng, bất chấp hệ lụy về cơ sở hạ tầng, xã hội xung quanh.
Việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch bị buông lỏng, chưa xử lý kịp thời và thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành. Xảy ra tình trạng thiếu gắn kết, khớp nối, rồi mâu thuẫn và chồng chéo các loại quy hoạch”, ông Đông dẫn chứng.
Để phát huy hiệu quả của quy hoạch, ông Đông khẳng định quan điểm xây dựng luật lần này là để hệ thống quy hoạch phải tuân thủ nguyên tắc từ cao xuống thấp, từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch địa phương phải tuân thủ quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch chi tiết phải dựa trên quy hoạch tổng thể.
Một trong những mục tiêu quan trọng của luật này là nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành, thống nhất từ trung ương đến địa phương.
"Với dự luật này, hi vọng sẽ chấm dứt tình trạng xin - cho, tùy tiện, mâu thuẫn trong quy hoạch, để quy hoạch thực sự trở thành công cụ quản lý, tạo động lực cho đất nước phát triển" - ông Đông nói.
“Bỏ tư duy nhiệm kỳ, đất nước mới phát triển được”
Trong khi đó, ông Võ Kim Cự, thành viên Ủy ban Kinh tế, cho rằng lâu nay có tình trạng ngành cứ quy hoạch ngành, tỉnh cứ làm quy hoạch tỉnh. Ngành không liên kết với tỉnh, rồi tỉnh cũng tùy tiện.
Đã xảy ra nhiều chuyện như tỉnh nào cũng bia, cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, rồi trong nông nghiệp có chuyện khóm, chuyện mía đường..., rất lãng phí nguồn lực.
“Tỉnh nào cũng đòi có cả công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ cao, rồi sân bay... thì làm sao được. Chẳng có nước nào phát triển như vậy được. Chúng ta cần có tổng kết sâu hơn, đánh giá toàn diện hơn từng ngành, từng địa phương, sau đó mới đưa ra kết luận.
Quy hoạch muốn vào cuộc sống thì người dân phải được biết, xã hội phải được biết, chứ hỏi quy hoạch mà lục tủ mấy ngày mới tìm thấy thì... chết” - ông Cự nói.
Cũng theo ông Cự, phải bỏ tư duy nhiệm kỳ thì đất nước mới phát triển được bởi cán bộ có nhiệm kỳ chứ quy hoạch không nên có nhiệm kỳ.
"Quy hoạch mà cứ 3 năm bổ sung, 5 năm điều chỉnh thì không được. Quy hoạch mà hỏng thì nguy hại lắm, phải gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch. Phải có chế tài, chứ anh phê duyệt rồi nghỉ là thôi.
Sản phẩm quy hoạch phải khi triển khai mới biết tác dụng của nó, vì vậy phải gắn trách nhiệm đến cùng. Quy hoạch có thể kìm hãm đất nước, nhưng cũng là động lực để đất nước phát triển” - ông Cự đề xuất.
Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cũng mong muốn làm luật này để nâng cao giá trị pháp lý cho công tác quy hoạch, khắc phục sự tùy tiện trong quy hoạch.
“Cần đề cập rõ trách nhiệm của Nhà nước trong quy hoạch, bởi nó là công cụ quản lý của Nhà nước, chứ không thể nói là xã hội hóa quy hoạch.
Luật cần quy định rõ hơn việc phản biện xã hội đối với quy hoạch lớn cấp vùng, cấp quốc gia; phải lấy ý kiến người dân trong những quy hoạch có liên quan trực tiếp đến họ, quy hoạch cấp phường - xã; đồng thời quy định rõ vai trò của Quốc hội, HĐND.
Việc cung cấp thông tin, dữ liệu cho quy hoạch cũng là vấn đề rất quan trọng cần quy định rõ. Thực tế cho thấy nếu thông tin, dữ liệu không đúng, số liệu ảo thì quy hoạch không thể chính xác được” - ông Thành phân tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng phải thể hiện rõ trong dự án luật vai trò của Quốc hội, của HĐND các cấp trong công tác quy hoạch. Dẫn trường hợp Quảng Ninh đang làm quy hoạch theo hướng sa bàn hóa các quy hoạch, giống như một sản phẩm du lịch, nhưng cũng là để nhân dân giám sát việc tổ chức thực hiện quy hoạch, ông Thanh cho rằng cơ quan chức năng muốn điều chỉnh quy hoạch ở địa phương thì phải đưa ra HĐND. Được biết, dự án luật sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét lần đầu vào kỳ họp tháng 10 tới. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận