07/12/2020 08:57 GMT+7

Quỹ đạo Phật ngày nay vận động người hiến mô, tạng và hiến xác cho y học

HOÀI PHƯƠNG
HOÀI PHƯƠNG

TTO - Tính đến đầu tháng 12-2020, Quỹ đạo Phật ngày nay trực thuộc chùa Giác Ngộ (quận 10, TP.HCM) đã vận động được 519 người tham gia đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học; nâng tổng số người đăng ký hiện tại lên gần 4.500 người.

Quỹ đạo Phật ngày nay vận động người hiến mô, tạng và hiến xác cho y học - Ảnh 1.

Người dân nhận thẻ đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác cho y học - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Tối 6-12, Quỹ đạo Phật ngày nay phối hợp với Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), khoa Y Đại học quốc gia TP.HCM tổ chức lễ đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học lần 8 năm 2020, tại chùa Giác Ngộ (92 Nguyễn Chí Thanh, phường 3, quận 10, TP.HCM).

Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, cho biết: "Từ năm 2014, quỹ đạo Phật ngày nay bắt đầu vận động các Phật tử, người dân đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học được 215 người.

Sau đó, số người đăng ký tăng dần qua các năm, 2015 có 250 người, 2016 có 583 người, 2017 có 527 người, 2018 có 1.136 người, 2019 có 1.278 người tự nguyện đăng ký. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh số lượng người đăng ký có giảm, có 519 người. Như vậy, tổng số người đăng ký đến thời điểm hiện tại là gần 4.500 người".

Với những đóng góp tích cực, năm 2019, chùa Giác Ngộ vinh dự đón nhận kỷ lục "Cơ sở Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam tổ chức chương trình vận động hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho khoa học" do hội đồng xác lập kỷ lục xác lập Việt Nam.

Quỹ đạo Phật ngày nay vận động người hiến mô, tạng và hiến xác cho y học - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc (đứng), phó giám đốc Trung tâm điều phối và ghép tạng quốc gia, đánh giá cao chùa Giác Ngộ trong công tác vận động hiến mô, tạng và hiến xác - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Hiểu việc hiến tặng mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học là việc làm ý nghĩa và nhân văn nên cả 3 thành viên trong gia đình chị Huỳnh Thị Ngọc Nở (quận 5, TP.HCM) đều đăng ký hiến mô, tạng.

"Mất đi là hết nhưng khi mình đăng ký hiến mô, tạng cứu giúp được nhiều người là điều hạnh phúc", chị Ngọc Nở chia sẻ.

Còn vợ chồng anh Phù Quang và chị Nguyễn Thùy Nhung (quận 8, TP.HCM) cũng đã đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chị Thùy Nhung cho biết: "Chưa chắc cả đời mình làm được những việc gì ý nghĩa mà khi mất đi cứu sống, giúp ích cho bao nhiêu người thì phải nên làm. Đây là điều quá tuyệt vời nên khi biết thông tin, vợ chồng mình đăng ký ngay không cần suy nghĩ".

Chị Nhung cho biết thêm, sẽ vận động người thân, bạn bè đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học, để cùng lan tỏa hành động ý nghĩa này.

"Việc đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học của nhiều người sẽ tăng thêm niềm tin, sức mạnh cho những người không may mắc phải những căn bệnh cần mô, tạng thay thế. Điều này cho thấy, cả xã hội hướng về họ, quan tâm tới họ.

Đổi lại, chúng ta là những người may mắn nhất, hạnh phúc nhất khi làm một việc ý nghĩa", ông Nguyễn Hoàng Phúc, phó giám đốc Trung tâm điều phối và ghép tạng quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Bộ Y tế), chia sẻ.

Chùa Giác Ngộ là một trong những địa điểm tiếp nhận đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác cho y học. Người dân có thể đăng ký quanh năm.

Quỹ đạo Phật ngày nay vận động người hiến mô, tạng và hiến xác cho y học - Ảnh 3.

Nhiều người tham gia lễ đăng ký hiến mô, tạng cứu người và hiến xác cho y học tại chùa Giác Ngộ tối 6-12 - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Một phụ nữ ở Long An muốn hiến xác cho y học khi qua đời Một phụ nữ ở Long An muốn hiến xác cho y học khi qua đời

TTO - Sức khỏe vẫn tốt, đầu óc còn minh mẫn, cuộc sống tương đối khá giả, bà Lê Thị Phu (66 tuổi, ngụ ấp 6, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, Long An) muốn hiến xác cho y học khi qua đời.

HOÀI PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên