26/03/2012 14:04 GMT+7

"Quy chế chuyển viện phải ngặt nghèo"

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định như vậy tại phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 26-3. Bà Tiến coi đó là một trong những giải pháp để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

tcV8BS3R.jpgPhóng to

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn - Ảnh: Lê Kiên

Bà Tiến đã “mở hàng” trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp và kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành để các đại biểu Quốc hội tham gia và cử tri cả nước theo dõi.

“Không thể ngày một ngày hai”

Câu hỏi cho bà Tiến rất đa dạng: y đức, giá thuốc, hệ thống y tế phòng dịch, công tác đào tạo, thiếu bác sĩ, quá tải bệnh viện, tình dục vị thành niên…

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi về tình trạng bệnh viện trung ương quá tải, trong khi lại thiếu bác sĩ nghiêm trọng ở tuyến huyện, giải pháp thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đáp: Giải pháp trước hết là phải bằng mọi cách tăng số giường bệnh. Giải pháp số hai là tăng cường năng lực tuyến huyện và tuyến tỉnh. Giải pháp số ba là luân phiên, luân chuyển cán bộ về tuyến dưới. "Tuy nhiên, luân chuyển là vấn đề khó. Trước đây thời chiến tranh, Nhà nước phân công đi đâu thì đi đó, nhà trường phân chuyên khoa nào thì sinh viên phải theo chuyên khoa đó. Nhưng bây giờ sinh viên tự chọn ngành học, nơi làm. Sắp tới chúng tôi sẽ trình nghị định trách nhiệm xã hội của ngành y để buộc y bác sĩ về tuyến cơ sở, vì đây là nghề đặc biệt” - bà Tuyến cho biết.

Theo bộ trưởng Bộ Y tế, tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến trên có nguyên nhân từ người bệnh. Chính người bệnh đã gây nên tình trạng quá tải ảo vì nhiều bệnh hoàn toàn có thể chữa ở bệnh viện huyện, tỉnh, nhưng bệnh nhân cứ đòi chuyển lên bệnh viện trung ương. “Quy chế chuyển viện phải ngặt nghèo” - bà Tiến nói.

“Ví dụ trước đây việc sinh đẻ ở nhà hộ sinh cùng lắm là tuyến huyện, tuyến tỉnh, nhưng hiện nay người dân có điều kiện cứ muốn lên viện C. Một trong những tình trạng nhiễm trùng bệnh viện là một người vào viện mà nhiều người nhà đi theo” - Bộ trưởng Tiến giải thích. Tuy nhiên, bà Tiến cũng cho rằng quá tải thì “nước nào cũng đi qua giai đoạn này, không thể một sớm một chiều giải quyết dứt điểm”.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) chất vấn về nghịch lý bệnh viện công quá tải trầm trọng nhưng bệnh viện tư thiếu vắng bệnh nhân.

Bộ trưởng Tiến cho biết vừa qua chúng ta có chủ trương xã hội hóa, tạo điều kiện rất nhiều về vốn, đất, thuế để khuyến khích bệnh viện tư. Tuy nhiên tỉ lệ bệnh viện tư vẫn chưa đạt mục tiêu. Để đầu tư một bệnh viện thì cần vốn rất lớn. Và việc thu hút nguồn lực chuyên môn cũng không phải dễ. Hơn nữa, phục vụ bệnh viện tư chủ yếu là bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên không xin việc được tại bệnh viện công. Chỉ những bệnh viện trả lương rất cao mới thu hút được bác sĩ giỏi. Kết quả là thương hiệu bệnh viện tư chưa thu hút được bệnh nhân. Trong khi giá cả ở bệnh viện công lại rẻ hơn.

g0T3ScGJ.jpgPhóng to

Lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn kết nối trực tuyến với 63 tỉnh thành để các đại biểu Quốc hội ở địa phương cùng tham dự - Ảnh: Lê Kiên

Đầu tư cho “vùng trũng”

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) nêu con số ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt 4,6 bác sĩ/1.000 dân và yêu cầu bộ trưởng giải trình về trách nhiệm và giải pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng nguyên nhân cơ bản nhất là sau giải phóng miền Nam, chỉ có một trường duy nhất là Đại học Y dược TP.HCM đào tạo nhân lực y tế cho cả miền Nam, sau này mới có Đại học Y Cần Thơ.

“Và có lẽ nó cũng nằm trong điều kiện kinh tế xã hội nói chung, chẳng hạn như không chỉ y tế mà trình độ học vấn nói chung ở đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn các vùng khác trong cả nước. Chúng tôi có ưu tiên, hiện nay cả nước chỉ có Đại học Y Cần Thơ là được đầu tư bằng trái phiếu Chính phủ. Chúng tôi cũng ít nhất hai lần tổ chức hội nghị đào tạo theo nhu cầu ở khu vực này. Hiện nay số đào tạo theo địa chỉ ở ĐBSCL đang cao nhất cả nước” - bà Tiến cho hay.

Về vấn đề y đức, Bộ trưởng Tiến nói rằng đây là phạm trù không chỉ liên quan đến ngành y tế mà liên quan đến văn hóa, xã hội, phong tục của một dân tộc.

“Trong điều kiện cơ sở vật chất quá tải, người nào vào bệnh viện cũng muốn được chăm sóc trước nên cứ vào là đưa phong bì, quà biếu. Như vậy là phải từ cả hai phía: bác sĩ và người bệnh. Vừa rồi chúng tôi vận động nói không với phong bì đã thu được kết quả tốt” - bà Tiến nói. Còn về lâu dài, bộ trưởng cho rằng cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục phải giải quyết thật tốt cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ ngành y.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên