Thứ 2, ngày 18 tháng 1 năm 2021
Quốc hội thảo luận chính sách cho vùng nghèo nhất, kém phát triển nhất
TTO - Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc thực hiện đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn là cần thiết song cần xác định mục tiêu cụ thể, giải pháp đột phá.

Đại biểu Lê Quân - thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho rằng cần tách riêng chương trình đào tạo dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 1-11, Quốc hội thảo luận Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Đại biểu Lưu Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) chỉ ra những "cái nhất" về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất...
Vùng có nhiều cái nhất
Tuy nhiên, phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng khẳng định đây là vùng được Đảng và Nhà nước quan tâm nhất, với nhiều chính sách nhất.
Đại biểu Ka H’Hoa (Đăk Nông) lưu ý đây là địa bàn cư trú của 14 triệu người, có vị trí chiến lược về quốc phòng an ninh, nhưng đến nay còn nhiều khó khăn, các chính sách còn hạn chế, người dân chưa được hưởng lợi, chênh lệch trình độ phát triển ngày càng gia tăng.
Nguyên nhân là chưa có chính sách chung điều chỉnh tổng thể về đầu tư, thực hiện chính sách dân tộc. Theo đó, đại biểu Ka H’Hoa đề nghị ưu tiên đầu tư dự án tập trung vào cơ sở hạ tầng, có chính sách hỗ trợ nhà ở nhằm ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển các lĩnh vực có thế mạnh, đào tạo nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực và đãi ngộ đào tạo, nhân lực chất lượng cao…
Đại biểu Lưu Thị Nguyệt phát biểu sáng 1-11 - Nguồn: THQH
Đào tạo dạy nghề, sử dụng hiệu quả vốn
Đồng quan điểm, đại biểu Lê Quân - thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - nói nếu không giải quyết tốt vấn đề việc làm cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thì sẽ khó giải quyết vấn đề giảm nghèo và thoát nghèo.
Ông Quân đề nghị tách nội dung dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số là hoạt động riêng, do đây là hoạt động đặc thù. Ông Quân dẫn thực tiễn dạy nghề ở Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, chi phí đầu tư đào tạo 30 triệu đồng nhưng gắn với tạo việc làm, đã giúp nhân lực vùng đồng bào dân tộc có được việc làm với thu nhập tốt.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng để sử dụng tổng vốn (tạm tính) của đề án này là 334.421 tỉ đồng, một cách hiệu quả, có tính khả thi, cần rà soát danh mục dự án, quy mô đầu tư, các luật có liên quan và phân cấp mạnh cho các địa phương.
Đến 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp đôi
Trước đó, theo tờ trình của Chính phủ, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với hơn 14 triệu người, gần 3 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giới, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.
Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật phong phú đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn nước cung cấp cho khu vực đồng bằng.
Chính phủ đặt mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển…
Cụ thể, đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần so với năm 2020; tỉ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 3-5%, sắp xếp ổn định 70% số hộ di cư tự phát, số hộ đang sinh sống trong rừng đặc dụng, khu vực xung yếu nguy hiểm; hỗ trợ giải quyết 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, còn ở nhà tạm so với cuối năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 50%, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%...
-
TTO - Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn tất kết luận điều tra đề nghị truy tố ông Lê Đình Trung và pháp nhân là Công ty cổ phần tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam, do ông này đồng sáng lập.
-
TTO - Trước phản ánh của báo chí và dư luận về việc công trình Mã Pì Lèng Panorama sau cải tạo lại bề thế hơn trước, công trình này vừa được tháo mái để hạ chiều cao, theo yêu cầu của chính quyền địa phương.
-
TTO - "Khi chỉ còn vài ngày nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump mãn nhiệm, nhiều nhân vật giàu có và người quen của họ đang đổ tiền cho đồng minh của ông với hi vọng nhận được ân xá", theo New York Times.
-
TTO - 'Nếu Võ sinh đại chiến chết, đó không đơn thuần là một bộ phim chết mà chết cả nền điện ảnh Việt Nam này' - đạo diễn Bá Cường của 'Võ sinh đại chiến' tuyên bố.
-
TTO - Các mẩu đăng tuyển trôi dạt trên mạng xã hội đều được cam kết 'tuyển trực tiếp không mất phí', nhưng ứng viên lại được dẫn lòng vòng qua 3-4 địa điểm 'để nhận việc'.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận