Giao thông Hà Nội tắc nghẽn sáng 8-9 tại giao lộ Nguyễn Phong Sắc - Cầu Giấy - Trần Thái Tông - Ảnh: M.Quang |
Chuyện kẹt xe, ùn tắc giao thông đang quay trở lại và là nỗi ám ảnh của nhiều người dân tại TP.HCM, Hà Nội.
Để qua quãng đường chỉ hơn cây số ở những "điểm đen" ùn ứ giao thông, người dân TP.HCM phải mất vài chục phút, có khi cả giờ nếu hôm đó chẳng may trời mưa to, nước ngập dâng cao. Tình trạng kẹt xe tại Hà Nội cũng kinh khủng không kém.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, các luật sư - cử tri TP.HCM đề nghị Quốc hội cần có những giải pháp, chiến lược tầm vĩ mô để giúp giải bài toán kẹt xe tại các đô thị lớn này.
* Luật sư Tôn Thất Hồ Nghị, Đoàn luật sư TP.HCM:
Phân bố lại dân cư, lao động, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng
Luật sư Tôn Thất Hồ Nghị |
Tình trạng kẹt xe đặc biệt nghiêm trọng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đang gây thiệt hại lớn về kinh tế, tốn kém thời gian, mang lại phiền toái cho cuộc sống của người dân.
Với vai trò cử tri TP.HCM, tôi mong muốn Quốc hội quan tâm, có các biện pháp chiến lược về tái phân bố dân cư, lao động và hoàn thiện quy hoạch đô thị.
Đặc điểm TP.HCM có mật độ dân cư đông, ước chừng 10 triệu người (kể cả vãng lai), như vậy mật độ trung bình khoảng 4.000 người/km2. Tuy nhiên, đây là con số tính bình quân trên diện tích toàn TP.
Nếu trừ những nơi có mật độ dân cư thưa thớt như Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh… thì mật độ dân số ở vùng lõi của TP.HCM vào khoảng 40.000 người/km2 . Với quy mô dân số như vậy, hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các quận nội thành không thể đáp ứng yêu cầu giao thông của xã hội.
Hiện nay, TP.HCM có khoảng 600.000 ôtô, 7 triệu xe gắn máy. Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông quá lệch so với kilômet đường mới mà TP làm mới trong 5 năm vừa qua khiến mật độ phương tiện giao thông ngày càng dày đặc.
Tôi quan tâm nhiều đến thiệt hại do kẹt xe gây ra. Với tình trạng kẹt xe như hiện nay, so với cách đây 10 năm thì mỗi người dân phải tiêu tốn thêm thời gian đi lại do nạn kẹt xe là 30 phút/ngày. Dễ thấy thiệt hại kinh tế của 30 phút này bằng cách ước tính như sau:
Số giờ lao động 8 giờ/ngày x 240 ngày/năm (số ngày làm việc trung bình trong năm) = 1.920 giờ/năm.
Thu nhập bình quân của người dân TP là 5.200USD/năm, tương đương 115.000.000 đồng/năm. Như vậy thu nhập bình quân 1 giờ làm việc tính ra hơn 59.000 đồng. Giả sử có khoảng 60% người dân TP.HCM bị ảnh hưởng bởi kẹt xe thì:
10.000.000 dân x 60% người bị ảnh hưởng x 0,5giờ/ngày x 240 ngày x 59.000 đồng/giờ sẽ vào khoảng 42.000 tỉ đồng mỗi năm.
Đây chỉ là thiệt hại kinh tế tính trên số giờ lao động, chưa tính thiệt hại khác như tiền xăng, hao mòn phương tiện vận chuyển, thiệt hại sức khỏe… Có thể thấy thiệt hại do kẹt xe gây ra mỗi năm quả là con số khổng lồ!
Từ các phân tích trên, tôi đề nghị Quốc hội xem xét sớm đến các giải pháp như tái bố trí dân cư, lao động, việc làm bằng các chính sách phát triển kinh tế vùng miền một cách hợp lý, tạo nhiều công ăn việc làm ở các địa phương để kéo một lượng lớn sinh viên khi ra trường trở về quê.
Đầu tư xây dựng các cửa ngõ TP các bệnh viện lớn, tuyến cuối, nhanh chóng đẩy nhanh kế hoạch dời các trường đại học ra ngoại thành, tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và giảm mật độ phương tiện giao thông.
* Luật sư Lê Trạch Giang - Đoàn luật sư TP.HCM:
Cần cơ chế đầu tư đặc biệt cho các đô thị lớn
Luật sư Lê Trạch Giang - Đoàn luật sư TP.HCM |
Tôi cho rằng Quốc hội cần xem xét đến các giải pháp tạo cơ chế chủ động, linh hoạt cho các đô thị đặc biệt như TP.HCM, Hà Nội và các đô thị có vai trò phát triển vùng như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ...
Các đô thị này cần có chính sách, kinh phí để đầu tư mạnh mẽ hơn, trong đó hạ tầng giao thông, quy hoạch hạ tầng cơ sở.
Ngân sách để đầu tư là rất quan trọng cho các đô thị này. Quốc hội cần trao cho các đô thị trên cơ chế chủ động, linh hoạt trong bố trí, sử dụng nguồn thu ngân sách của TP ngoài số phải nộp về trung ương theo quy định.
Ngoài ra, cần có cơ chế linh hoạt, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước phù hợp, gọn nhẹ nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực quản lý nhà nước trên các mặt phát triển kinh tế - xã hội tại các đô thị đó như mô hình chính quyền đô thị đã tổ chức thí điểm ở TP.HCM từ nhiều năm qua.
Trên cơ sở được trao quyền chủ động, linh hoạt hơn thì các đô thị như TP.HCM sẽ thuận lợi hơn rất nhiều để giải quyết các bài toán đầu tư, quy hoạch chiến lược, phát triển hạ tầng cơ sở, môi trường, giao thông đô thị… Từ đó tạo môi trường sống ở đô thị tốt hơn cho người dân phù hợp với đô thị đó.
Kẹt xe ngày càng nghiêm trọng Báo cáo Sở GTVT TP.HCM thừa nhận toàn TP có 24 điểm nóng có nguy cơ ùn ứ giao thông. Thực tế theo ghi nhận của Tuổi Trẻ thì tình trạng kẹt xe tại nhiều giao lộ hiện ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 8 tuyến đường chính thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm. Tại cuộc họp bàn các giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội ngày 22-10, đại tá Đào Vịnh Thắng - trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội - cho biết trên địa bàn thành phố hiện có 11 dự án với 23 điểm rào chắn có nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Đặc biệt trên hai tuyến đường đang thi công dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội hay xảy ra ùn tắc giao thông trong thời gian qua. Còn đại tá Đào Thanh Hải - phó giám đốc Công an Hà Nội - cho biết thêm ngoài việc thi công các dự án, ùn tắc giao thông còn có nguyên nhân từ lượng phương tiện đăng ký mới tăng mạnh qua từng năm. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm ở Hà Nội có 170.000 xe máy và 50.000 ôtô đăng ký mới. Với khoảng 5,5 triệu ôtô, xe máy thuộc quản lý của Hà Nội cùng số lượng lớn xe từ các tỉnh, TP lân cận đổ về hằng ngày khiến mật độ giao thông quá tải so với hạ tầng giao thông hiện nay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận