Phóng to |
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền: “Quy hoạch kiểu gì mà nhà nhà đi làm khu công nghiệp, nhà nhà làm sân bay, nhà nhà làm cảng biển...” - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Nhiều đại biểu không tin số liệu rừng hiện tại VN đang có và đề nghị phải kiên quyết giữ đất lúa cho nông dân. Một số đại biểu ngạc nhiên vì kế hoạch sử dụng đất không thấy đề cập đất dành cho giao thông.
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) băn khoăn về việc Chính phủ dự định dành khoảng 200.000ha đất làm công nghiệp trong khi hiện tại đã có trên 72.000ha, tỉ lệ lấp đầy thấp. Ông Lịch dẫn chứng: “TP.HCM chỉ cần 2.500ha đã góp trên 20% GDP”. Ông Lịch hỏi: Chính phủ định mở thêm làm gì vì theo tính toán, nếu mở thế thì cần đến 50 năm mới lấp đầy, đó là chưa kể cần số tiền đầu tư rất lớn?
Ban Cơ yếu Chính phủ thuộc Bộ Quốc phòng Chiều 1-11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật cơ yếu, các đại biểu QH chỉ chủ yếu tập trung góp ý về câu chữ, kỹ thuật văn bản, còn lại đều thống nhất cao với nội dung dự luật. Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, việc tiếp tục để Ban Cơ yếu Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ là không hợp lý, không phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của ngành cơ yếu là một ngành cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ QH thống nhất với đa số ý kiến đại biểu QH và Chính phủ là chuyển Ban Cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội vụ sang trực thuộc Bộ Quốc phòng nhưng vẫn giữ ổn định tên gọi, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay. |
Ông Đặng Thành Tâm, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kinh Bắc, cho rằng: “Tôi trong khối công nghiệp nhưng cũng không đồng ý lấy đất lúa. Đi khảo sát mới thấy còn nhiều loại đất khác có thể làm khu công nghiệp”. Để chấm dứt tình trạng lấy đất bờ xôi ruộng mật, đất lúa làm công nghiệp, chủ tịch MTTQ Hà Nội Đào Văn Bình cho rằng “biện pháp trước mắt là phải thu lại quyền được quyết định cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất của chủ tịch UBND tỉnh”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) nói: “Quy hoạch kiểu gì mà nhà nhà đi làm khu công nghiệp, nhà nhà làm sân bay, nhà nhà làm cảng biển... Có khu công nghiệp không ai vào, có sân bay không ai đến, có cảng biển không có tàu cập. Đó là lợi ích nhóm, tư duy nhiệm kỳ, cục bộ địa phương. Quy hoạch gì mà kỳ lạ, doanh nghiệp xin đất có ngay, nhưng không có chỗ làm trường mầm non. Vậy mà không ai chịu trách nhiệm”.
Ông Quyền cho rằng địa phương cục bộ thì đúng vì anh nào cũng chăm chú vào lợi ích của mình, “nhưng vai trò của bộ, ngành trong quản lý quy hoạch, trong thanh tra, kiểm tra, giám sát ở đâu?”. “Lợi ích nhóm, lợi ích ngành điều chỉnh cả quy hoạch luôn” - ông Quyền bình luận.
Phó trưởng đoàn đại biểu QH TP Hà Nội Chu Sơn Hà đặt vấn đề: “Trong kế hoạch không thấy nói đến quỹ đất dành cho giao thông. Vậy từ nay đến năm 2020 chúng ta buộc phải làm đường cao tốc Hà Nội - TP.HCM thì lấy đất ở đâu?”. Đây cũng là câu hỏi chung của nhiều đại biểu đoàn Hà Nội như ông Quyền, bà Bùi Thị An, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. “Đọc thì không thấy quy hoạch đất giao thông ở đâu cả” - bà Hường nói. Ý kiến chung của nhiều đại biểu là đề nghị giữ bằng được 3,8 triệu ha đất lúa, làm rõ việc tại sao phải tăng diện tích đất công nghiệp lớn đến vậy, đặc biệt phải quy hoạch rõ đất dành cho các lĩnh vực giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục, công trình công cộng.
Về chương trình mục tiêu trồng mới 5 triệu ha rừng, đại biểu Đặng Thành Tâm (TP.HCM) cho rằng kế hoạch chi cho chương trình này số tiền rất lớn. Trong khi đó, thực tế được đi khảo sát nhiều bằng máy bay, ông Tâm cho rằng “không thể chấp nhận con số báo cáo 39% diện tích đã được che phủ”. Ông Tâm đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho đi quay phim từ trực thăng sẽ thấy ngay. Ông Tâm đề nghị: “Cần cấm tiệt khai thác rừng tự nhiên, rừng trồng có thể khai thác nhưng phải kiểm soát chặt” vì theo ông Tâm, “tôi thấy phá rừng nghèo đi trồng cao su. Nhưng phá rừng xong mà chả thấy cao su đâu”. Theo đại tá Nguyễn Văn Hưng (TP.HCM), một số nơi chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm, phó mặc cho kiểm lâm. “Mà kiểm lâm có tiêu cực, giải tán các trạm trên đường, đưa về cửa rừng tình hình càng nghiêm trọng. Kiểm lâm nhiều nơi tiếp tay lâm tặc phá rừng”. Thiếu tướng Ngô Ngọc Bình nói: quy hoạch thủy điện cũng khiến mất rừng, còn kéo theo di dân, tiếp tục khiến mất rừng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận