16/11/2008 01:10 GMT+7

Quế Minh - 12 "đô" và 200 "đô"...

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Theo cái cách tính GDP đầu người quy ra đôla, tôi mạo muội đặt cái tít như vậy về cái xã nghèo nhất nước mà Tuổi Trẻ từng đề cập.

D9gLF0tZ.jpgPhóng to
Đường vào xã Quế Minh -Ảnh: L.Đ.D.

Mười năm trước, năm 1998, tôi về xã Quế Minh, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam để viết phóng sự Sống chỉ với 150.000 đồng một năm! Bài báo đăng lên nhiều người không tin làm sao số tiền ấy đủ cho một người sống trong... một năm!

Chỉ bằng số tiền đi chợ mua thức ăn của một gia đình bình thường trong một ngày, nhưng con số ấy tôi trích dẫn từ báo cáo tổng kết của xã, có chứng cứ cụ thể hẳn hoi.

Nụ cười chưa trọn

Nghèo có tiếng

Tôi biết đến xã nghèo này nhờ bài phỏng vấn ông Nguyễn Công Tạn khi ông vừa nhậm chức bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn (khi ấy mới nhập ba bộ nông nghiệp - thủy lợi - lâm nghiệp lại làm một), rằng “làm bộ trưởng như vậy ông biết xã nào nghèo nhất Việt Nam?”, ông Tạn nói ông không biết xã nào nghèo nhất nhưng ở xã Quế Minh (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) thu nhập bình quân đầu người chỉ được 100.000 đồng/năm. Không năm nào dân ở đó no, không ai dám vay tiền ngân hàng vì không có gì để trả. Nguyên tổng bí thư Đỗ Mười, ông Trần Đức Lương khi đang làm phó thủ tướng, đều đã về Quế Minh và đều tìm cách giúp Quế Minh thoát nghèo.

Mười năm sau tôi quay lại Quế Minh. Câu hỏi đầu tiên của tôi với anh Nguyễn Phước Phẩm, chủ tịch xã, là: “Bữa nay bình quân mỗi năm được mấy triệu đồng hả anh?”. Anh Phẩm đưa cho tôi cái báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của xã: “Khoảng ba triệu rưỡi, tương đương 200 đô”. Tôi cười: “Hồi 1998 mới chỉ có 150.000 đồng, tương đương 12 “đô” tỉ giá hồi đó. Vậy là mười năm Quế Minh tăng tốc lên 16 lần”. Như thế tính ra mức sống người dân đã gấp nhiều lần của mười năm trước. Nhưng dẫu phát triển lên 16 lần thì những gì tôi nhìn thấy ở Quế Minh hình như vẫn chưa thoát khỏi vị trí “nghèo nhất nước”, dù Quế Minh chỉ cách huyện lỵ 3km, cách quốc lộ 1A hơn 10km.

Hồi năm 1998 lần đầu về Quế Minh, người dẫn đường cho tôi là anh Nguyễn Phước Phẩm, chủ tịch HĐND xã. Ngày ấy anh dẫn tôi đi thăm những người nghèo nhất xã của “xã nghèo nhất nước”. Tôi đã gặp chị Võ Thị Quyến, anh Nguyễn Phước Minh..., những “điển hình” về sự nghèo, nghèo mà không biết vì sao mình nghèo! Như chị Quyến, anh Minh ngày nào cũng quần quật tinh mơ đã ra đồng, trưa, tối về lại ôm lấy khung chằm nón, không dư dả một giây thời gian nào mà cứ nghèo, triền miên nghèo!

Mười năm sau trở lại vẫn anh Phẩm dẫn đường đưa tôi đi, nhưng nay anh đã là chủ tịch UBND xã.

Mười năm trước hỏi ao ước của dân Quế Minh, anh Phẩm bảo: dân quê tui muốn xem một trận bóng đá phải đi bộ hơn 3km qua thị trấn Đồng Phú để coi. Nay thì Quế Minh đã có điện về. Cái ao ước “tivi” không còn đau đáu nữa!

Mười năm trước, dẫn tôi đi qua những cánh đồng khô khát nứt nẻ anh Phẩm bảo: dân Quế Minh chỉ trông chờ vào nguồn nước thủy lợi từ đập Việt An được xây dựng ở huyện Hiệp Đức. Khi đập hoàn thành sẽ tưới cho 2.000ha ruộng của hai huyện Hiệp Đức và Quế Sơn, trong đó có 230ha của xã Quế Minh. Mãi đến cuối năm 2000 thì mấy trăm hecta ruộng hạn của Quế Minh có được nước tưới. Có nước rồi nhưng đất ruộng không màu mỡ, phân tro hết cỡ năng suất cũng không vượt được 4 tấn/ha trong khi các nơi người ta đạt 9-10 tấn/ha.

Theo công thức “điện - đường - trường - trạm” mà tính thì Quế Minh mới được hai vế “điện” và “trạm”.

Khi từ ngoài thị trấn vào Quế Minh, tôi đã khấp khởi mừng khi con đường bêtông khá rộng chạy dài hơn 1km từ đó vào tận cầu tràn sông Ly. Con đường được gắn biển chào mừng nhân một đại hội rất hoành tráng. Nhưng qua khỏi cầu tràn sông Ly để vào xã thì vẫn con đường đất trơn trượt dài hơn 3km nhão nhoẹt bùn đất sau trận mưa. Và Quế Minh của mười năm trước vẫn chưa khác mấy so với bây giờ, nhất là những phận người mà tôi đã gặp.

BXBvMKdP.jpgPhóng to

Anh Nguyễn Phước Hường và tiệm photocopy - loại máy móc “hiện đại” nhất xã! - Ảnh: K.Di

Đói nghèo - có là định mệnh?

Anh Phẩm dẫn tôi về nhà chị Quyến. Chị vẫn ở trên nền đất cũ, ngôi lều xưa nay được thay bằng một ngôi nhà xây nhỉnh hơn chục mét vuông, mái lợp tôn từ tiền quỹ hỗ trợ người nghèo của huyện. Nhà xây nhưng không đủ tiền, đóng bộ cửa phải dùng hai tấm cót ép buộc vào. Có thêm một con bò cột sau chuồng cũng là bò “dự án”, nuôi cho bò đẻ thì mình được hưởng con bê, trả lại bò để “dự án” cho người khác vay nuôi. Trong nhà có hai cái chum bằng ximăng đựng lúa nhưng gõ vào thành chum nghe tiếng vang, chứng tỏ chum hết thóc.

Hồi 1998 tôi về nhà chị Quyến có duy nhất một cái nồi, nấu cơm xong thì dùng nấu canh, nấu canh xong dùng nấu nước uống. Bây giờ tôi vào bếp đếm kỹ thấy đã có đến hai cái xoong và một ấm nhôm sứt quai dùng nấu nước! Cơ nghiệp chị Quyến chỉ có vậy. Bé Phước, đứa con đầu hồi tôi về mới 14 tuổi, nay đã lấy chồng.Cu Khoa, hồi đó 7 tuổi học lớp 1, suýt nghỉ học vì không có 16.000 đồng nộp “quỹ học đường”. Khi tôi biếu chị tờ 50.000 đồng nộp cho trường, chị Quyến đã không biết đó là mấy nghìn vì lần đầu thấy tờ bạc mệnh giá to như vậy. Bây giờ sau mười năm Khoa đã 17 tuổi, cũng đã thôi học đi làm phụ hồ. Và chị Quyến vẫn còng lưng với cái khung chằm nón, vẫn lấy công làm lãi với vài ngàn đồng mỗi ngày sau khi trừ đi tiền lá, tiền cước, tiền nan tre...

Mười năm, tôi nhớ mãi cái lần đi công tác ở Nông Sơn, ghé ngang Quế Minh thăm anh Nguyễn Phước Thơ, chủ tịch xã. Buổi trưa nắng, anh dắt tôi và một đồng nghiệp ra quán trước trụ sở xã. Đã nhất quyết chỉ uống một ly rượu trắng mừng gặp nhau thôi, nhưng anh Thơ bảo uống bia cho mát, và chủ quán lôi hết “sản lượng bia” của quán ra chỉ có đúng... năm chai bia phủ đầy bụi bặm với ba nhãn hiệu bia khác nhau mà hình như hết hạn sử dụng từ lâu!

Mười năm, chỗ cái quán cũ bây giờ có một cơ sở “hiện đại” nhất xã. Đấy là quán photocopy kiêm quầy tạp hóa của anh Nguyễn Phước Hường. Anh Hường bị liệt vì tai nạn, đi lại bằng xe lăn, gom góp vay mượn mua cái máy photocopy và mở quầy tạp hóa mưu sinh độ nhật. Hình như đấy là cái máy “hiện đại” duy nhất trong xã. Văn bản, tài liệu gì cũng đưa ra đấy photo.

Cái sự nghèo của Quế Minh cũng kỳ lạ. Tôi đi rất nhiều nhà, ở đây ai cũng siêng năng quần quật, ai cũng lam lũ tảo tần mà sao nghèo hoài nghèo mãi. Cho dù báo cáo của UBND xã cho biết thu nhập bình quân đầu người đã đạt ba triệu rưỡi đồng một năm đi nữa, tôi vẫn không thể hình dung nổi Quế Minh đã vượt mức 16 lần so với mười năm trước.

Khi dắt bộ xe máy ngược ra đường ĐT611 xuôi về quốc lộ 1, nhìn trục đường chính qua trung tâm xã ngập ngụa ổ trâu , lấm lem bùn đất, tôi càng nghĩ là đường tới sự giàu có ấm no cho Quế Minh cũng gian nan không kém, dù từ đây về quốc lộ 1 xuyên Việt chỉ hơn 10km!

Phấn đấu còn... 45% hộ nghèo!

amTUgDfY.jpgPhóng to
Chị Võ Thị Quyến bao năm rồi vẫn còng lưng bên chiếc khung chằm nón và vẫn... nghèo! - Ảnh: K.DI

Trong lúc ngồi đợi anh Phẩm giải quyết một số công việc, tôi tranh thủ lướt qua bản báo cáo kinh tế - xã hội của xã và dừng lại ở mấy con số: “Tổng số hộ nghèo là 714 hộ, chiếm tỉ lệ 49,87%” nghĩa là cứ hai hộ thì có một hộ nghèo. Năm 2008 này phấn đấu giảm xuống để còn... 45% số hộ nghèo!

Mười năm trước về thôn nào cũng nghe than thanh niên trai tráng có sức lao động bỏ làng đi làm ăn hết, khi có đám tang không kiếm ra người khiêng; mười năm sau trở lại, con số thống kê “lao động đi làm ăn ngoài địa phương” của Quế Minh cũng ngót nghét 1.000 người!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên