Khu vực sông Nước Lah (xã Trà Don, huyện Nam Trà My) đang được đề xuất xây thủy điện - Ảnh: VIỆT HÙNG |
Xem lại mức độ tác động dự án
Ông Hồ Quang Bửu - chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết bốn thủy điện này nhỏ nên đập không lớn, thân đập cao nhất chỉ dưới 14m.
Công nghệ làm thủy điện chủ yếu sử dụng thế năng, công nghệ đào đường hầm cho nên các dòng suối không bị chết đi, chỉ lấy một phần nước của suối để làm thủy điện.
Bốn thủy điện này tổng công suất dưới 80MW, chiếm diện tích đất với 1 MW/ hơn 1ha đất, rất thấp so với quy định, không ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, chỉ chiếm đất lâm nghiệp, chủ yếu là tre, trúc.
Tất cả các thủy điện này đều đưa nước về lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 cách đó vài chục km. Nghĩa là hạ du không bị ảnh hưởng.
Ông Bửu cho hay trước đó ông trực tiếp khảo sát địa điểm xây dựng các thủy điện và thấy nơi đây không có rừng, chỉ có rừng tre, nứa và không ảnh hưởng đến đất sản xuất của dân.
“Tôi cam đoan làm thủy điện không ảnh hưởng đến rừng, không ảnh hưởng đến người dân mà góp phần phát triển kinh tế xã hội. Tất nhiên việc gì cũng có hai mặt, nhưng mặt thiệt hại quá nhỏ so với mặt lợi về hiệu quả kinh tế, chúng ta phải dũng cảm chọn. Chúng ta cứ yên tâm và không có gì phải lo ngại” - ông Bửu nói.
Ông Trần Đình Tùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đề nghị Sở công thương là cơ quan trình đề án này xem thử mức độ tác động của các dự án thủy điện này thế nào để lựa chọn.
Ông Nguyễn Hồng Quang - chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết về việc đề xuất xây dựng 4 thủy điện này, mỗi người có mỗi quan điểm. Tuy nhiên UBND tỉnh thì nhìn nhận đánh giá trên quan điểm tổng thể.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - Ảnh: LÊ TRUNG |
Để rõ thêm vấn đề này, Tuổi Trẻ Online đã trao đổi với ông Bửu sau buổi thảo luận tổ.
* Có thật sự cần thiết khi phải xây thêm 4 thủy điện trên địa bàn huyện không thưa ông?
- Địa bàn huyện hiện nay chỉ có 1 thủy điện. Hiện tại ở huyện chỉ có một đường dây 35 kV kéo từ TP Tam Kỳ lên không đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của huyện.
Chiều nào cũng cúp điện hết, nếu mùa mưa thì cúp điện một tuần là bình thường. Phát triển kinh tế xã hội của một huyện mà cứ chiều nào cũng cúp điện thì làm sao phát triển.
Ngoài ra huyện đang phát triển cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, có cụm công nghiệp và nhiều tập đoàn lên đầu tư.
Có cụm công nghiệp mà không có điện thì sao làm được. Nhưng muốn có điện thì cần phải có 1 đường dây 110 KV mà nhà nước thì không đủ tiền đầu tư đường dây này từ huyện Bắc Trà My lên Nam Trà My.
Muốn làm được thì các nhà đầu tư phải góp tiền vào làm đường dây này (khoảng 400 tỉ đồng) mới bán điện được. Nhưng phải có cam kết bỏ vốn, thời gian nào làm xong đường dây này. Có 4 thủy điện này góp phần vào điện lưới quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp.
Phải nói là việc xây dựng các thủy điện này rất cần thiết. Không những cho huyện mà cho quốc gia.
* Trước khi đề xuất xây dựng các thủy điện, địa phương đã khảo sát, lấy ý kiến của người dân chưa?
- Việc xây bốn thủy điện này không phải di dời 1 hộ dân nào cả, nghĩa là không ảnh hưởng tới một hộ dân nào, không tái định cư.
Chúng tôi đã họp thường vụ, đảng ủy, HĐND, đưa thông tin này ra rất lâu rồi và cũng nhận được sự đồng tình ủng hộ của dân rất cao.
Vả lại, khi có những lòng hồ thủy điện nhỏ nữa thì có khả năng thay đổi cơ cấu sản xuất của người dân. Họ sẽ nuôi cá trên các lòng hồ nhỏ này, tạo thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
* Vùng Trà My là vùng thường xuyên động đất. Đã có sự đánh giá nào của các nhà khoa học về việc xây bốn thủy điện này chưa?
Huyện Nam Trà My chưa bao giờ có động đất mà chỉ có ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My) cách trung tâm huyện Nam Trà My chừng 50km. Các thủy điện này lòng hồ, lượng nước rất nhỏ nên thì sẽ không ảnh hưởng.
Tại kỳ họp, tỉnh Quảng Nam trình tờ trình về việc điều chỉnh, bổ sung nghị quyết của HĐND tỉnh về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ. Trong đó sẽ đưa ra khỏi quy hoạch 2 thủy điện với tổng công suất 2,2 MW. Tuy nhiên lại bổ sung vào quy hoạch 4 dự án thủy điện tại huyện Nam Trà My, đó là: Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah, Trà Leng với tổng công suất 78,8, MW, diện tích đất rừng chiếm hơn 144 ha. Tính đến nay toàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 42 dự án thủy điện, gồm 10 dự án lớn, 32 dự án vừa và nhỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận