Halep chưa đáp ứng được kỳ vọng của người hâm mộ. Ảnh: REUTERS |
Trên lý thuyết, vòng 4 của giải sẽ gồm những tay vợt trong nhóm 16 hạt giống đầu tiên. Nhưng thực tế của giải năm nay lại hoàn toàn trái ngược. Thất bại của hạt giống số 7 Jelena Ostapenko khiến cô trở thành người thứ 11 trong nhóm “top 16” sớm nói lời chia tay giải. Lần lượt, hạt giống số 5 Venus Williams, số 10 Coco Vandeweghe, số 11 Kristina Mladenovic, số 13 Sloane Stephens phải rời giải ngay ở vòng 1. Đến vòng 2, tới phiên hạt giống số 3 Garbine Muguruza, số 9 Johanna Konta, số 12 Julia Gorges, số 14 Anastasija Sevastova, số 15 Anastasia Pavlyuchenkova, số 16 Elena Vesnina rời giải.
Và rồi ở vòng 3, đến phiên cô gái 20 tuổi Jelena Ostapenko (hạt giống số 7) cũng bị loại. Không giống như những tay vợt đàn chị kể trên. Việc Ostapenko gây ra vô số nỗi tiếc nuối bởi cô được xem như tay vợt giàu triển vọng nhất để kế thừa ngôi vị thống trị từ Serena Williams. Ở Pháp mở rộng 2017, Ostapenko bất ngờ giành chức vô địch để gia nhập hàng ngũ những nhà vô địch trẻ tuổi nhất lịch sử Grand Slam. Kỳ vọng dành cho Ostapenko càng lớn hơn khi lần lượt các tay vợt mạnh của giải sớm bị loại. Nhưng rồi cô gái Latvia một lần nữa cho thấy, cô vẫn chỉ là một tay vợt hạng khá ở mặt sân cứng. Ở Mỹ mở rộng 2017, Ostapenko cũng phải dừng bước tại vòng 3.
Nếu thất bại của Ostapenko có thể thông cảm khi mà cô gái 20 tuổi này vẫn còn một tương lai rất dài để hoàn thiện mình, thì một loạt những Muguruza, Konta, Vandeweghe, Stephens… lại khiến người hâm mộ thực sự khó hiểu về phong độ bất ổn của mình. Sau Úc mở rộng 2017, Serena Williams nghỉ thi đấu để sinh con, tạo điều kiện cho những tay vợt thế hệ đàn em tranh chấp các danh hiệu Grand Slam. Và liên tục 3 giải sau đó, chức vô địch liên tục được trao cho những cái tên khác nhau, Ostapenko ở Pháp mở rộng, Muguruza ở Wimbledon rồi Stephens ở Mỹ mở rộng.
Điều đáng nói là, không một tay vợt nào trong số những nhà vô địch này duy trì được phong độ sau ngày đăng quang. Ostapenko chỉ lọt vào tứ kết Wimbledon, rồi vòng 3 Mỹ mở rộng 2017 sau khi vô địch Roland Garros. Muguruza cũng chỉ vào được vòng 4 Mỹ mở rộng 2017 sau chức vô địch Wimbledon 2017. Stephens tệ hơn cả, nối tiếp giây phút thăng hoa ở Mỹ mở rộng năm ngoái là vực thẳm trên đất Úc chỉ sau vài tháng. Có thể thấy một điều, tất cả đều có phong độ giảm dần đều.
So với Muguruza, Stephens (cùng 24 tuổi), những Konta, Vandeweghe (26 tuổi) càng ít hy vọng leo lên vị trí đứng đầu hơn khi đã đạt đến cực hạn của sự phát triển. Những cô gái này đều ở vào độ tuổi đỉnh cao phong độ, nhưng họ đều không cho thấy sự ổn định ở các giải đấu lớn. Thành tích của những tay vợt này giống như một “chu kỳ hình sin”, cứ sau một giải thăng hoa là lại gây thất vọng ở giải tiếp theo.
Công bằng mà nói, 5 tay vợt còn lại của nhóm 16 đều có vị trí rất cao, gồm hạt giống số 1 Simona Halep, số 2 Caroline Wozniacki (đánh vòng 3 sáng hôm nay), số 4 Elina Svitolina, số 6 Karolina Pliskova và số 8 Caroline Garcia. Trong số này, Halep là người có phong độ ổn định nhất, thể hiện ở ngôi vị số một thế giới mà cô đang nắm giữ. Nhưng Halep lại luôn gây thất vọng trong những thời điểm nhận được nhiều sự kỳ vọng, bằng chứng là việc cô chưa giành danh hiệu Grand Slam nào dù đã 2 lần vào đến chung kết Roland Garros. Ở vòng 3, Halep mất đến 3 giờ 45 phút mới vượt qua đối thủ xếp hạng 50 thế giới Lauren Davis với tỷ số 2-1 (4-6, 6-4, 15-13). Khả năng tay vợt người Romania kiệt sức ở những vòng đấu sau là rất cao.
Cũng tương tự như Halep, ai trong số các Wozniacki, Svitolina, Pliskova hay Garcia tạo được cảm giác tin tưởng về một nhà vô địch thực thụ? Với đà này, chỉ cần Serena Williams ổn định chuyện gia đình cũng như lấy lại trạng thái thể lực tốt nhất, tay vợt người Mỹ hoàn toàn có thể sớm khôi phục vị thế thống trị, ở cái tuổi 36.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận