Giải Wimbledon 2020 bị hủy, Djokovic (phải) lỡ cơ hội bám đuổi Federer về số danh hiệu Grand Slam - Ảnh: WIMBLEDON
Wimbledon là giải Grand Slam đầu tiên công bố việc hủy giải. Đây là lần đầu tiên giải đấu truyền thống nhất làng quần vợt này không thể tổ chức trong năm kể từ Thế chiến II.
Trước đó, Giải Pháp mở rộng (Roland Garros) có lịch đấu trước Wimbledon chỉ thông báo tạm hoãn đến tháng 9. Nhưng sự quyết đoán của ban tổ chức Wimbledon khiến Roland Garros bị chỉ trích dữ dội.
Và nếu đại dịch kéo dài đến tháng 5 hoặc tháng 6, Roland Garros cũng như Giải Mỹ mở rộng (diễn ra vào tháng 9) có lẽ sẽ phải suy nghĩ về việc hủy bỏ.
Ngoài các giải Grand Slam, những giải đấu bị hủy hoặc hoãn còn gồm 5 giải ATP 1000 điểm (chỉ xếp dưới hệ thống các giải Grand Slam trong ATP Tour) như: Indian Wells, Miami mở rộng, Monte Carlo Masters, Madrid mở rộng, Ý mở rộng.
Tương tự là hệ thống WTA của nữ. Không có giải đấu, những tay vợt hạng thấp đang đứng trước nguy cơ phải giải nghệ vì không có thu nhập.
"Những tay vợt có thứ hạng thấp hơn 250 thế giới thậm chí không có đủ tiền mua thức ăn trong ba tuần tới" - Sofia Shapatava, tay vợt nữ xếp hạng 371 thế giới, nói. Đó không phải là một lời nói quá bởi truyền thông châu Âu từng nhiều lần khẳng định chỉ có các tay vợt xếp trong top 200 thế giới mới có thể kiếm sống bằng tiền thưởng.
Với những tay vợt xếp ngoài top 1.000, họ gần như chẳng có thu nhập vào lúc này. Theo thông tin từ AFP, tay vợt 27 tuổi người Nga Ksenia Kolesnikova chỉ kiếm được vỏn vẹn… 68 USD trong năm 2020 và con số này rất có thể sẽ dừng lại ở đó.
Những tay vợt thứ hạng thấp lo lắng về thu nhập, còn những tay vợt trên đỉnh bảng xếp hạng cũng có nỗi lo của riêng mình. Trong bài bình luận trên L’Equipe, cựu tay vợt số 1 thế giới Mats Wilander gọi Djokovic là "kẻ thua cuộc lớn nhất trong năm nay".
Sau khi giành danh hiệu thứ 79 trong sự nghiệp ở Dubai hồi cuối tháng 2, Djokovic tuyên bố anh đang hướng đến một mùa giải bất bại. Nếu trở thành hiện thực, đây sẽ là một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong làng quần vợt đơn nam.
Tuy nhiên, trong hai giai đoạn năm 2011 và 2015 - thời điểm Djokovic có phong độ cao nhất - anh cũng chưa bao giờ làm được điều này. Năm 2020, Djokovic đang có 18 trận thắng liên tiếp. Nếu mùa giải kết thúc lúc này, Djokovic xem như toại nguyện.
Nhưng anh mất nhiều hơn được bởi kỷ lục bất bại thật ra không để làm gì, trong khi với phong độ cực cao vào lúc này, Djokovic thừa sức giành thêm 2-3 Grand Slam nữa trong năm nay để bám đuổi Roger Federer. Đây là cơ hội rất tốt bởi một năm sau, Djokovic sẽ bước qua tuổi 34 - độ tuổi sẽ khiến anh giảm đi sự sung mãn trên sân đấu.
Ở nội dung đơn nữ, tay vợt số 1 thế giới Ashleigh Barty có lẽ cũng sốt ruột như Djokovic bởi cô đang có phong độ rất cao sau khi lọt vào bán kết Giải Úc mở rộng và giành 2 danh hiệu WTA trong năm nay.
Nhóm các tay vợt xếp sau gồm Simona Halep, Karolina Pliskova, Sofia Kenin, Elina Svitolina cũng chẳng vui vẻ gì bởi họ không còn nhiều cơ hội để soán ngôi số 1 của Barty trong năm 2020 do việc hủy các giải đấu.
Đây là điều có thể dự báo bởi Barty hiện bỏ xa người xếp thứ 2 là Halep đến hơn 2.600 điểm - khoảng cách tương đương 2 chức vô địch Grand Slam.
Djokovic chung tay với Nadal
Cách đây vài ngày, Nadal thành lập quỹ mang tên "Neustra Mejor Victoria" (tạm dịch: Chiến thắng tuyệt vời nhất của chúng ta) để giúp đỡ cho việc chống dịch COVID-19.
Ngay lập tức, Djokovic đã góp một tay vào quỹ. Dù con số đóng góp của Djokovic không được tiết lộ nhưng Nadal đã gửi lời cảm ơn đến anh trên Twitter, đồng thời cho biết quỹ hiện đã có 11 triệu euro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận