08/11/2017 12:46 GMT+7

Quan sát nghị trường: Nảy lửa

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Phiên thảo luận sáng 7-11 của Quốc hội xác lập một kỷ lục mới: 11 đại biểu đã được sử dụng quyền giơ bảng để tranh luận (vẫn còn những tấm bảng giơ lên trong lúc thời gian thảo luận đã hết).

Quan sát nghị trường: Nảy lửa - Ảnh 1.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) giơ bảng tranh luận - Ảnh: HOÀNG NAM

Hà Nội chớm lạnh, nhưng những tranh luận sôi động của đại biểu khiến cho nghị trường như có lửa.

"Lúc đi vào nội dung tranh luận, tôi tự nhủ mình rằng mỗi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có quyền phát biểu theo quan điểm của mình và chịu trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội về những phát biểu đó. Hầu hết các đại biểu đều nhắc nhở, trăn trở và phải đưa ra một nhận xét đánh giá làm sao cho thật khách quan, chính xác, công bằng, công tâm, không tô hồng và không thái quá" - đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đại tá, giám đốc Công an Nghệ An) mở đầu cho phần tranh luận kịch liệt với đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên).

Trong phát biểu chiều hôm trước (6-11), bà Hiền có đưa ra nhận xét "lĩnh vực nào của luật phòng, chống có chương trình phòng ngừa thì kết quả ngược lại" và chứng minh đánh giá này bằng cách dẫn chứng các loại tội phạm ma túy, tham nhũng, môi trường phát hiện tăng trong năm 2017. 

Đại biểu Cầu cho rằng đại biểu Hiền phát biểu như vậy là "quy kết, lấy hiện tượng thay cho bản chất", đồng thời dẫn chứng số các vụ án ở những lĩnh vực trên tăng so với năm 2016 là "dấu hiệu đấu tranh tích cực".

Nhưng đại biểu Minh Hiền "không cô đơn", bởi ngay sau đó có hai tấm bảng giơ lên để bảo vệ. 

"Tôi xin phát biểu chia sẻ ý kiến hôm qua của đại biểu Hiền ở Phú Yên và muốn tranh luận với một số ý kiến cho rằng đại biểu Hiền nói như vậy không chính xác. Có những vụ việc theo tôi hiểu là đại biểu Hiền muốn nêu lên để thấy những hạn chế còn bất cập ở ngành tư pháp nói chung" - đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) bày tỏ. 

Trong khi đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) "xin tranh luận với đại biểu Nguyễn Hữu Cầu" và khẳng định: "Tại diễn đàn Quốc hội này thì trước tâm tư nguyện vọng của cử tri gửi gắm, các vị ĐBQH nắm bắt được bằng nhiều kênh khác nhau, đại biểu có quyền và có trách nhiệm phản ảnh với Quốc hội".

"Tôi phản đối với quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa" - đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) gay gắt. Ông Khanh giơ bảng để tranh luận với nội dung mà ông Nghĩa tranh luận với người khác. 

Sự thể là trước đó, trong phần tranh luận với đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp), ông Nghĩa nêu: "Sự chậm trễ trong bộ máy tư pháp là một điều khủng khiếp đối với người dân, thời hạn thì có nhưng có những vụ án đơn giản cũng phải kéo dài, nhiều đơn từ, giấy phép có những lúc người ta biết lãnh đạo đã ký, nhưng mấy tuần vẫn chưa đến người dân được. Điều này đòi người dân phải chạy, phải bôi trơn, phải lót tay thì được, thông qua những người "cò" hoặc nhân viên nào đó".

Không chỉ đại biểu Nghĩa, các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Nguyễn Chiến (Hà Nội) cũng đã nêu lên các tồn tại, hạn chế trong ngành tư pháp, đặc biệt là tình trạng oan, sai xảy ra trong quá trình tố tụng. 

Các phát biểu này sau đó phải nhận sự tranh luận gay gắt của các đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Hoàng Văn Liên (Long An), Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội)... 

Có một điểm khá thú vị trong chủ đề này: các đại biểu bị "phản kích" đều là luật sư hoặc từng làm nghề luật sư, các đại biểu dùng quyền tranh luận để "phản kích" đều đang là lãnh đạo trong ngành tòa án hoặc đã nhiều năm làm thẩm phán.

"ĐBQH chúng ta có ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, có thể do thông tin, có thể do cách xem xét vấn đề... Quan trọng là chúng ta tâm huyết, trách nhiệm và vì nhân dân" - đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) nhận xét.

Phiên họp khép lại với phần phát biểu của Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sau khi ông mời lần lượt Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí và Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình những vấn đề ĐBQH nêu lên.

Lần đầu tiên trong nhiều năm qua ghi nhận một phiên họp Quốc hội có sự tranh luận quyết liệt giữa đại biểu với đại biểu. Phiên họp "nóng" lên, nhưng sôi động và hấp dẫn, đúng với tính chất của nghị trường. 

Đây cũng là lần đầu tiên phiên thảo luận về công tác tư pháp được truyền hình trực tiếp (những lần trước các báo cáo này được đóng dấu mật, phiên họp Quốc hội cho phép phóng viên báo chí dự nhưng không phát tài liệu).

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên