07/11/2017 17:44 GMT+7

'Có trường hợp người kiện chết, đời con kiện tiếp'

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - "Có những người đã bán hết tài sản mà khiếu kiện chưa xong, có trường hợp họ đã chết chuyển sang cho đời con đi kiện tiếp" - đại biểu Nguyễn Minh Sơn phản ánh.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu tại Quốc hội ngày 7-11 - Nguồn clip: VTV 

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt câu hỏi khi thảo luận báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2017 tại Quốc hội chiều 7 -11: "Tại sao công tác tiếp công dân ở các đoàn ĐBQH các tỉnh thành lại quá ít?"

"Có tới 43 tỉnh, thành không có số liệu về số buổi tiếp công dân. Không rõ là không báo cáo hay không tiếp công dân?", ông Nguyễn Minh Sơn dẫn số liệu cho thấy cả một năm qua chỉ có 20 đoàn ĐBQH có tiếp công dân với 397 buổi, 6.646 lượt tiếp với hơn 2.100 vụ việc.

"Theo tôi con số này nói lên 2 điều: một là công dân không có nhu cầu gặp đại biểu để khiếu nại tố cáo, hai là đại biểu không sẵn sàng tiếp công dân hoặc công dân đã đến nhiều lần nhưng không có kết quả", phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phân tích.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn cũng cho rằng một số tỉnh miền núi, đồng bào dân tộc rất ít tìm đến các cơ quan dân cử để gửi đơn khiếu nại tố cáo. "Phải chăng ở các tỉnh này không xảy ra việc gì hay là còn lý do nào khác mà báo cáo chưa đi sâu phân tích", ông Sơn đặt câu hỏi.

Ông Sơn cho biết chưa thực sự yên tâm khi có những vụ việc khiếu nại dai dẳng, từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác vẫn còn đùn đẩy chưa được giải quyết dứt điểm. Có những người đã bán hết tài sản mà khiếu kiện chưa xong, có trường hợp họ đã chết chuyển sang cho đời con đi kiện tiếp.

"Là đại diện cao nhất của nhân dân, chúng ta có coi đó là những mũi kim đâm vào da thịt của mình không? Có nhức nhối không nếu như mình đặt vào vị trí của người dân đi khiếu nại", đại biểu Nguyễn Minh Sơn đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Minh Sơn cũng cho rằng với công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, không nên chỉ nêu tỉ lệ làm được, giải quyết được mà hãy nêu các cơ quan nhà nước và đại biểu Quốc hội còn nợ dân bao nhiêu vụ việc, chừng nào trả xong món nợ đó cho dân. 

"Bởi việc khiếu nại tố cáo của nhân dân, cho dù đó là việc  nhỏ, khiếu nại ít người hay đông người, cũng đều là bức xúc và bất an trong nhân dân", ông Sơn nói.

Một nội dung khác được ông Nguyễn Minh Sơn đề cập là việc giải quyết khiếu nại tố cáo của dân còn tồn đọng không ít. 

Số đoàn khiếu nại, tố cáo đông người tăng

Báo cáo Quốc hội trước đó, tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm so với năm 2016.

Cụ thể, số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 8,5%; tổng số đơn giảm 8,9%; tổng số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 14,8%.

Tuy nhiên, theo ông Khái, số đoàn đông người tăng 10,2% so với năm 2016. Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt.

"Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai", Tổng thanh tra nói.

Thẩm tra nội dung trên, chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng tình hình khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới có thể diễn biến phức tạp, khó dự báo, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, nông nghiệp, đầu tư xây dựng, giao thông vận tải...

Sự chậm trễ của bộ máy tư pháp là điều khủng khiếp với dân Sự chậm trễ của bộ máy tư pháp là điều khủng khiếp với dân

TTO - Vì chậm trễ mà người dân phải bôi trơn, lót tay. Và người ta cứ thấy dùng phong bì thì công việc có nhanh hơn - đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nói tại Quốc hội sáng 7-11.

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên