Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) - Ảnh: Quochoi.vn
Ông Nghĩa nêu vấn đề này tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình tội phạm, phòng chống tham nhũng và công tác tư pháp nói chung.
"Hiện nay chúng ta nói nhiều đến chất lượng và năng suất của khối kinh tế. Song nhìn bộ máy hành chính và bộ máy tư pháp, cũng có nỗ lực rất nhiều nhưng chất lượng, hiệu quả và năng suất của bộ máy hành chính và bộ máy tư pháp cũng cần đặt vấn đề. Cử tri đánh giá là không cao", luật sư TP.HCM nói.
Ông phân tích: Về vấn đề thời gian, sự chậm trễ của bộ máy tư pháp là một điều khủng khiếp với người dân. Thời hạn giải quyết vụ việc thì đã có nhưng có nhiều vụ việc rất đơn giản mà cũng bị kéo dài. Nhiều đơn từ, giấy tờ đã được lãnh đạo đã ký rồi nhưng mấy tuần mới vẫn chưa đến được với người dân.
Do đó, thực tế này đòi hỏi người dân phải "bôi trơn, lót tay".
"Chúng ta hay nói là do quá tải nhưng tôi cho rằng kỷ luật rất là lỏng lẻo. Có nơi còn nêu lý do chậm là do bận đi học nghị quyết. Đây là nguyên nhân dẫn đến tiêu cực. Vì chậm trễ quá nên người ta phải chạy, lót tay và người ta cứ thấy dùng phong bì thì công việc có nhanh hơn", đại biểu Nghĩa thẳng thắn cho đây là một lực cản với đất nước.
Đại biểu TP.HCM cũng phản ứng với sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận hành chính và bộ máy tư pháp thông qua dẫn chứng là việc phá rừng.
"Cán bộ nói là chưa biết hoặc không biết. Nhưng anh không thể nói là chưa biết hay không biết mà trách nhiệm của anh là phải biết. Nên chưa biết và không biết không thể là nguyên nhân để miễn trách nhiệm được. Anh phải bị kỷ luật chứ", ông Trương Trọng Nghĩa nói.
"Hoặc là có nguyên nhân mà cán bộ nói là do anh em nôn nóng. Cụm từ nôn nóng này không thể là nguyên nhân để giải thích và bào chữa cho sự chậm trễ hoặc là sai phạm của mình".
Theo ông Nghĩa, đây là hiện tượng mà nhân dân và cử tri rất bất bình. Do đó, Quốc hội phải có Nghị quyết chấn chỉnh là việc này. Và các ngành tư pháp củng cố lại kỷ luật công vụ để tăng cường năng suất chất lượng và hiệu quả và kỷ luật công vụ trong các ngành này.
Kết thúc phát biểu của mình, đại biểu TP.HCM nhắc lại: "Đại đa số cử tri khi đến các cơ quan tư pháp hầu hết là họ không hài lòng. Và hiện tượng lót tay, chung chi tương đối là phổ biến".
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng đề nghị với những vụ án khởi tố bắt oan sai cần xem xét sai về cái gì, sai về tiêu cực hay sai về thiếu trách nhiệm, đi sâu đánh giá cụ thể nguyên nhân của các sai phạm đó.
"Thực tế, có những vụ án xử đúng người đúng tội nhưng đằng sau đó vẫn có tiêu cực, có tham nhũng", ông Nghĩa nói.
"Nhân dân rất chờ đợi tất cả vụ án oan sai phải được các cấp nhất là tòa án, khâu trung tâm cải cách tư pháp, phát hiện, đánh giá đúng, bảo vệ quan điểm trước cơ quan điều tra và truy tố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận