* Sách Dòng họ Trần Việt Nam (NXB Thanh Niên) có đoạn viết (đại ý): Trần Thừa (sinh năm 1184) là anh của Trần Tự Khánh và Trần Thị Dung (sinh năm 1182!)…
Trần Thừa có con là Trần Cảnh (vậy Trần Liễu là con ai?)… Chưa hết, sách còn viết: "Công chúa Huyền Trân lấy vua Xiêm…". Lộn xộn quá chừng, cô Tú ới ời ơi...!
- Công chúa Huyền Trân (1287-1340) mà lấy vua Xiêm (tên cũ của nước Thái Lan) thì sai đứt đuôi con nòng nọc rồi! "Người ấy" chính là Chế Mân, làm vua nước Chiêm Thành (Chăm) từ năm 1288 đến 1307 (chết).
Về dòng họ Trần, theo tài liệu tin cậy mà Tú tôi có, ba người con của Trần Lý (? - 1210) xếp theo thứ tự năm sinh là: Trần Tự Khánh (1175-1223), Trần Thừa (1184-1234) rồi đến Trần Thị Dung (1195-1259). Như vậy Trần Tự Khánh là anh cả, Trần Thừa là anh kế, còn Trần Thị Dung (Linh Từ quốc mẫu) là em út. Trần Thừa có bốn người con trai chính thức là Trần Liễu (cha của Trần Hưng Ðạo), Trần Cảnh (Trần Thái Tông), Trần Nhật Hiệu và Trần Di Ái. Tất nhiên Trần Thị Dung là cô ruột của Trần Liễu, Trần Thái Tông…, còn Trần Hưng Ðạo gọi vua Trần Thái Tông là chú ruột. Ðầu dây mối nhợ là thế đấy, bạn ạ!
Trích dẫn nào đúng?
* Sách Ðể làm tốt bài văn nghị luận xã hội (NXB Giáo dục), trang 132 trích dẫn lời bài hát Cuộc đời vẫn đẹp sao (thơ Dương Hương Ly, nhạc Phan Huỳnh Ðiểu) như sau: "Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao/ Dù bom đạn thét gào…". Còn ở trang 210 lại dẫn: "Dù đạn găm bom lửa thét gào…".
Theo cô Tú, trích dẫn nào đúng?
- Cả hai đều sai. Câu đúng là "Dù đạn bom man rợ thét gào…". Sách hướng dẫn học sinh "làm tốt văn" mà trích dẫn thế này thì… hổng dám tốt đâu!
Thái hay thánh?
* Báo NHN cuối tuần số 08 tháng 4-2012 bài Thực hư lời đồn về người tình bí mật của Lê Thánh Tông, tác giả viết:
"Lê Thánh Tông bắt đầu cho phép tôn vinh việc học bằng các cuộc lễ xướng danh… và nhất là lệ khắc tên và lý lịch tiến sĩ vào bia đá Văn miếu (bắt đầu từ năm 1442).
Ðúng hay sai vậy cô Tú?
- Vua Lê Thánh Tông sinh năm 1442, mất năm 1497, làm vua được 38 năm, thọ 56 tuổi. Ngài lập ra lệ xướng danh các Tiến sĩ và lệ cho về vinh qui. Còn lệ khắc tên các Tiến sĩ vào bia ở Văn Miếu thì do vua Lê Thái Tông lập ra từ năm 1442.
Tâm châu hay Tâm giác?
* Báo TN ngày 16-4-2012 bài Huyền thoại Kim chân bát có chỗ viết:
"Trung tâm huấn luyện Judo của thầy Thích Tâm Châu…"
Có lộn Tâm Châu với Tâm Giác không vậy?
- Ðúng là lộn. Người có võ đường Judo là Thích Tâm Giác - tuyên úy Phật giáo trong quân đội Sài gòn cũ. Tuy nhiên Tâm Châu và Tâm Giác cùng một phe thân chính quyền nên khi cần Tâm Châu vẫn có thể yêu cầu Tâm Giác huy động võ sinh quân đội của võ đường để chống phá phong trào tranh đấu của quần chúng phật tử Sài Gòn.
Từ điển loại 2!
* Từ điển Thành ngữ - Tục ngữ - Ca dao Việt Nam (dùng cho học sinh, sinh viên). Nxb Văn hóa Thông tin 2010 có khá nhiều chỗ sai. Ví dụ ở trang 364: Phản trụ đầu châu (đúng ra phải viết: Phản Trụ đầu Châu - chỉ sự tích Hoàng Phi Hổ phản lại vua Trụ, về hàng nhà Châu). Trang 7: Huynh đệ như thủ tục (đúng ra là: huynh đệ như thủ túc - nghĩa là anh em như thể tay chân). Trang 12: Ăn chua no lo chưa tới (đúng ra là ăn chưa no, lo chưa tới)
Làm từ điển cho học sinh mà biên soạn in ấn cẩu thả như thế ư?
- Ðó là thực trạng đáng rầu của ngành xuất bản hiện nay. Biết làm sao bi giờ?!
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận