Phóng to |
Thị trường âm nhạc vẫn ồn ã các kiểu hàng chợ. Trong ảnh: ca sĩ hát trong tủ kính tại chương trình ca nhạc mang tên rất “kêu”: Giải cứu V-pop - Ảnh: Gia Tiến |
Tiếp tục câu chuyện này ở vai trò của người quản lý, Tuổi Trẻ trích đăng tham luận “Gian nan nghề quản lý biểu diễn”(*) - một trong những tham luận được chú ý tại hội thảo của bà Nguyễn Thị Minh Châu (Viện Âm nhạc VN).
Vị thế của người biểu diễn càng cao trong thời buổi nhiễu loạn giá trị thật giả thì người quản lý biểu diễn càng vất vả. Cái khó của nhà quản lý trước hết là điều chỉnh sự thiếu cân bằng trong đời sống âm nhạc, đó là tình trạng lệch hẳn về mảng ca nhạc giải trí, lệch đến mức phần lớn công chúng vẫn lầm tưởng ca khúc đại chúng là toàn bộ nền âm nhạc nước nhà.
Trạng thái lệch cân còn thấy rõ giữa nhạc chính thống và nhạc thị trường. Ca khúc nghệ thuật có phần đệm piano, tác phẩm đoạt giải hằng năm của Hội Nhạc sĩ và các hội chuyên ngành chật vật mãi vẫn không tìm ra một chỗ đứng nhỏ nhoi trong sinh hoạt ca nhạc, trong khi thị trường âm nhạc vẫn cứ ồn ã các kiểu hàng chợ: nhạc nhái, nhạc chế, nhạc teen, nhạc té ghế, thảm họa V-pop...
Cấm đoán không là cách hữu hiệu
Trước tác hại của những sản phẩm phi nghệ thuật, sự cấm đoán không phải là cách hữu hiệu, càng bị cấm càng tò mò, nhất là giới trẻ. Cách loại bỏ cái dở hiệu quả nhất là cung cấp kịp thời cái hay hơn, hấp dẫn và ý nghĩa hơn. Khuyến khích sự ra đời tác phẩm ý nghĩa thì có thể, nhưng cực khó để có tác phẩm hay. Năm 2011 được ghi nhận là năm có nhiều cuộc phát động sáng tác ca khúc. Song chỉ đôi ba chủ đề thu hút người tham dự như Vì nạn nhân chất độc da cam, Đây biển VN... còn đa số cuộc thi bị ế với số lượng bài hát quá ít, chất lượng càng khó có gì để nói. Rõ ràng kiểu đơn đặt hàng đại trà này có thể tác động đến sự ra đời của những tác phẩm mang ý nghĩa nhân văn, chứ khó mà đảm bảo được tính hấp dẫn. Tác phẩm mang tính nghệ thuật cao cần được đầu tư mạnh bạo, xứng đáng từ nhà quản lý bản lĩnh và minh bạch.
Đầu tư sáng tác chỉ là điểm khởi đầu, vai trò bà đỡ của người quản lý và tổ chức biểu diễn thật sự đáng kể khi đưa được tác phẩm có giá trị vào đời và gây dựng được nhiều chương trình hay để kéo khán giả trở lại với nhà hát. Bao nhiêu năm nay người xem quá buồn tẻ và lãnh đạm với các chương trình chính thống, nhất là chương trình lễ lạt hay còn gọi là “cúng cụ”. Cách tổ chức luộm thuộm, khô cứng không thể địch nổi với các live show giải trí được đầu tư mạnh tay vào dàn dựng và quảng cáo với mục tiêu đáp ứng thị hiếu số đông.
Trở lại với cái khó của nhà quản lý. Gần đây mấy vụ việc liên quan đến trang phục, bản quyền, hát nhép, cấp phép đã đẩy cơ quan quản lý các cấp vào thế bị động và chữa cháy bằng những giải pháp tình thế, bằng những quyết định cấm đoán hoặc cho phép khi sự đã rồi.
Phải giải quyết thế nào đây trong các vụ việc tương tự? Không lẽ lại đưa ra những quy định nực cười váy áo “ngắn cỡ nào, mỏng mức nào, hở đến đâu” thì được phép? Chống “hát nhép” hẳn nhiên là vì tôn trọng khán giả, nhưng cũng vì tôn trọng khán giả mà đôi khi các nhà tổ chức vẫn phải sử dụng playback để giảm thiểu sự cố trong truyền hình trực tiếp hoặc live show lớn. Không lẽ cứ ra luật cấm tiệt lipsync một cách cực đoan, rồi khi cần lại cho phép phạm luật?
Còn tình trạng “sở nói có, bộ bảo không”, nay cấp phép mai hủy phép thì sao đây, không lẽ cứ lờ đi những kẽ hở quản lý và nguy cơ lách luật, mặc kệ giới biểu diễn và công chúng chẳng biết đằng nào mà lần?
Cần nhạc trưởng tài ba
Bàn về nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn, lâu nay ta vẫn luôn nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp trong mọi mặt: sáng tác và biểu diễn, đào tạo người làm nhạc và giáo dục người nghe nhạc... nhưng hình như tránh nhắc đến lĩnh vực quản lý. Đúng ra ta cần sự chuyên nghiệp đồng bộ, kể cả khâu tổ chức và quản lý biểu diễn - một nghề ở ta vẫn chỉ dựa trên kinh nghiệm thực tế chứ không được đào tạo một cách bài bản.
Với sự cạnh tranh khốc liệt mang tính toàn cầu, ông bầu của một nghệ sĩ cũng cần có nghề nữa là một tổ chức quản lý biểu diễn mang tầm quốc gia. Quản lý có nghề có hạng phải là người điều hành chứ không phải người dọn dẹp. Các tổ chức quản lý biểu diễn cần có tầm nhìn xa trông rộng chứ không thể mơ hồ, cảm tính trong quy chế và kiểm duyệt.
Còn một điều không thể bỏ qua đó là xã hội hóa hoạt động của cục, chẳng hạn như luôn cập nhật các quy chế, quy định trên trang thông tin điện tử cucnghethuatbieudien.gov.vn, càng hay nếu có sự trao đổi phản hồi trực tiếp trên website này. Và quan trọng là các thủ tục hành chính được giải quyết với tinh thần thân thiện chứ không phải “hành là chính”.
Hoạt động biểu diễn là tổng hợp nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nên việc nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn không chỉ liên quan đến nỗ lực từng người từng nhóm, mà cần đến hợp lực tổng thể dưới sự chỉ đạo chung của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Nói cách khác, điều kiện cần và đủ cho dàn nhạc hay là tập hợp được nhạc công giỏi và ăn ý dưới cây đũa chỉ huy của một nhạc trưởng tài ba. Và điều mong mỏi cho ngành biểu diễn: Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ là một nhạc trưởng như thế!
Các tổ chức quản lý biểu diễn cần đảm bảo tính chuyên nghiệp và khả thi cho từng giải pháp cụ thể: * Để có những văn bản kín kẽ, không hở sườn thì người soạn thảo và chấp bút các quy chế tốt nhất phải là luật sư. * Để ra các quyết định mang tính thuyết phục cao về mặt chuyên môn, cũng như thẩm định chất lượng nghệ thuật của tác phẩm hoặc chương trình biểu diễn, không thể bỏ qua ý kiến tham góp của các nhà lý luận chuyên ngành. * Để ra quy định các mức đầu tư hoặc xử phạt hợp lý không thể thiếu tư vấn của các chuyên viên kinh tế tài chính. |
(*) Các tít tựa trong bài do Tuổi Trẻ đặt lại.
Thẩm mỹ biểu diễn: những chuyện phản cảmChính khán giả "thôi thúc" nghệ sĩ khoe thân?Nghệ sĩ ăn mặc phản cảm phải dừng biểu diễnTruyền thông có "nối giáo" cho nghệ sĩ phản cảm?Điểm mặt truyền thông "xúi giục" nghệ sĩ phản cảmSáng tỏ thực trạng, lờ mờ giải pháp
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận