Một đoạn kênh Lò Gốm và rạch Ruột Ngựa, quận 8, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đó là chưa kể đến tình trạng ngập úng kéo dài vào mùa mưa lũ, tình trạng ô nhiễm càng thêm nặng nề.
Bảo vệ kênh rạch học từ các nước
Trong những năm qua, mặc dù các dự án cải tạo kênh rạch trên địa bàn thành phố được triển khai mạnh mẽ và có những chuyển biến tích cực trong việc tạo lập cảnh quan và môi trường kênh rạch nhưng tình hình ngập nước và ô nhiễm môi trường tại TP.HCM vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế nhất định.
Cá nhân tôi đã từng sống ở Nhật Bản và nhận thấy rằng do áp lực phát triển cơ sở hạ tầng nên chính phủ nước này bắt buộc phải thiết kế những hệ thống kênh, rạch nằm sâu phía dưới. Dù thiết kế như thế nhưng khả năng điều hòa không khí vẫn được bảo đảm do phía trên hệ thống kênh rạch ấy người Nhật khéo léo trồng những hàng cây hút nước để thanh lọc không khí.
Môi trường và cảnh quan thiên nhiên là điều mà Chính phủ Nhật cực kỳ xem trọng khi phát triển kinh tế. Nếu đi dạo tại các góc phố ở Nhật, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc cống nước trong xanh với nhiều đàn cá koi bơi tung tăng. Đối với mỗi hộ gia đình, phải đảm bảo việc trang bị hệ thống xử lý nguồn nước sinh hoạt trước khi thải ra môi trường công cộng. Đây là kết quả tất yếu của việc tất cả người dân từ nhỏ đã được giáo dục ý thức bảo vệ môi trường là nền tảng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trong khi đó, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, chỉ khoảng 15% nước thải đô thị được thu gom và xử lý; việc kiểm soát các nguồn thải ra kênh, rạch... hầu như chưa được khắc phục. Đáng lưu tâm là 80% bệnh tật ở nước ta có liên quan đến nước và vệ sinh môi trường bị nhiễm bẩn. Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định rằng mỗi năm có hơn 20.000 người Việt Nam chết do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm và mất vệ sinh.
Chỉ khoảng 15% nước thải đô thị được thu gom và xử lý; việc kiểm soát các nguồn thải ra kênh, rạch... hầu như chưa được khắc phục - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phải xử lý nước thải, quản lý thống nhất
Từ thực tế trên, giải pháp cần làm là nước thải từ các công ty, xí nghiệp... phải được xử lý đạt chuẩn trước khi đổ ra kênh, rạch. Đồng thời, chính quyền thành phố phải xử lý được tình trạng xả rác bừa bãi, nhất là xả rác vào kênh rạch và cống thoát nước.
Một vấn đề nữa là thực trạng ô nhiễm trên kênh rạch rất khó xác định ranh giới quản lý và trách nhiệm người đứng đầu. Một tuyến kênh dài thông thường sẽ chảy qua nhiều quận, huyện. Tuy nhiên, rác và nước thải theo dòng chảy đó lại không dừng lại một điểm.
Từ đó, trong thực tế sẽ xảy ra tình trạng nơi đầu nguồn nước quản lý lỏng lẻo, để người dân xả rác hoặc nước thải bừa bãi nhưng tác hại ô nhiễm lại thuộc về những quận, huyện phía cuối nguồn nước. Vì vậy, cần phân định rạch ròi hơn trách nhiệm của cư dân tại các quận huyện về vấn đề bảo vệ môi trường cho các dòng kênh và trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương.
Như vậy, để các dòng kênh trở thành một lợi thế nhằm cải thiện môi trường, phát triển giao thông, du lịch… bên cạnh việc phải cải tạo lại dòng kênh thì vấn đề nước thải phải được xử lý triệt để.
Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch, khắc phục trình trạng thiếu đồng bộ có nhà máy nhưng chưa có hệ thống cống thu gom nước thải và ngược lại. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện quy định trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị trong câu chuyện bảo vệ môi trường cũng như quản lý thống nhất hệ thống sông kênh rạch.
Thiết nghĩ, việc tổ chức và quản lý hệ thống kênh rạch là nghệ thuật kết hợp giữa ba yếu tố: tự nhiên, nhân tạo và con người nhằm tạo ra một không gian hài hòa và hợp lý cho người sử dụng và đảm bảo về mặt môi trường. Nếu có sự quyết tâm thay đổi, chúng ta sẽ góp phần rất lớn cho quá trình phát triển và bảo vệ hệ thống kênh rạch thành phố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận