10/01/2019 09:05 GMT+7

Quản lý chặt hơn với trạm thu phí BOT

TRẦN VĂN TƯỜNG
TRẦN VĂN TƯỜNG

TTO - Liên quan đến trạm thu phí BOT, ngoài chuyện trốn thuế, thời gian qua có nhiều vấn đề gây bất bình dư luận.

Quản lý chặt hơn với trạm thu phí BOT - Ảnh 1.

Tại trạm thu phí quốc lộ 51 dù áp dụng công nghệ tự động nhưng vẫn có thu phí thủ công, tiền mặt - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bằng cách nào giảm thu tiền mặt, giảm tiêu cực, gian lận..., đảm bảo công khai, minh bạch nguồn tiền thu được từ cả trăm trạm thu phí BOT cả nước?

Lâu nay, chuyện thu phí dường như được "bảo mật", người dân và cả tài xế lái xe qua trạm hầu như không biết. 

Rồi dư luận xôn xao, bất bình trước thông tin có những chuyện thiếu minh bạch trong việc thu phí ở các trạm BOT. Cả nước có gần cả trăm trạm thu phí BOT, còn bao nhiêu trạm gian lận doanh thu và trốn thuế?

Giảm thu phí bằng tiền mặt

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra thêm sai phạm ở dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ: số thu bình quân 1,97 tỉ đồng/ngày trong khi nhà đầu tư báo cáo số thu là 582 triệu đồng/ngày (29% so với thực tế). 

Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Đồng Hới (Quảng Bình) có doanh thu năm 2015 lên tới 110,983 tỉ đồng nhưng phương án tài chính nêu chỉ 90,424 tỉ đồng, thu vượt trên 20 tỉ đồng.

Mới đây, thêm vụ sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm trốn thuế tại các trạm thu phí trên tuyến BOT cao tốc TP.HCM - Trung Lương. 

Đây là hình thức che giấu doanh thu, trốn thuế tại trạm thu phí tự động bằng cách áp dụng công nghệ can thiệp trực tiếp phần mềm thống kê thu phí để chỉnh sửa, xóa dữ liệu phần mềm đếm xe, thu lợi trái phép, gây thất thu ngân sách của Nhà nước.

Thu hồi vốn đầu tư BOT, hầu hết các nước phát triển đều đa dạng hóa các phương thức thanh toán. Cụ thể, bên cạnh áp dụng công nghệ tự động không dừng, trả tiền qua thẻ thanh toán được cấp mà chủ phương tiện phải nộp vào một khoản cố định, vẫn cho thanh toán qua thẻ ngân hàng.

Ở nước ta, tại các trạm thu phí, dù áp dụng công nghệ tự động không dừng nhưng vẫn có thu phí thủ công, tiền mặt. Tài xế vẫn quen chọn sử dụng tiền mặt. 

Đã có nhiều ý kiến đề xuất buộc đơn vị thu phí tại các trạm BOT sử dụng phần mềm do Bộ Giao thông vận tải cung cấp, dùng camera để đếm xe, áp dụng thu phí không dừng để kiểm soát doanh thu. Theo tôi, đó là việc cần nhưng chưa đủ, phải có cách quản lý chặt chẽ hơn nữa.

Cần thanh tra công tác thu phí toàn bộ các trạm BOT đã và đang hoạt động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những sai phạm; xử lý nghiêm những trường hợp gian lận doanh thu. 

Đơn vị nào chần chừ, không tham gia đầu tư hệ thống thiết bị thu phí tự động, cơ quan nhà nước có thể chủ động dùng ngân sách đầu tư thiết bị, hết thời hạn thu phí ở dự án này có thể sử dụng cho dự án khác. 

Chi phí đầu tư thu phí tự động sẽ được khấu trừ trong phương án thu hồi vốn cho nhà đầu tư, hoặc lấy trực tiếp trên doanh thu tại trạm BOT.

Cần đa dạng hóa phương thức tự động trả tiền khi qua trạm, các loại thẻ thanh toán ngân hàng đều có thể trả tiền theo dịch vụ trực tuyến tại tất cả các trạm thu phí BOT, vừa có thể hạn chế sử dụng tiền mặt, thuận lợi cho các chủ phương tiện. 

Trong đấu thầu hay giao khoán nhượng quyền thu phí, ưu tiên các đơn vị không có vi phạm, gian lận.

Người dân có quyền được biết thông tin

Nên tạo cơ hội cho người dân thực hiện vai trò theo dõi, giám sát bằng cách buộc đơn vị thu phí công khai doanh số trong ngày trên bảng điện tử tại trạm. 

Người dân chi trả cho các khoản đầu tư, kể cả bỏ tiền ra đóng phí để qua trạm phải có quyền được cung cấp thông tin đầy đủ. Hợp đồng BOT và phương án thu phí không phải là tài liệu bí mật, phải công khai.

Bên cạnh buộc đơn vị thu phí sử dụng phần mềm được cơ quan thẩm quyền chấp thuận, cần ưu tiên áp dụng công nghệ mới tiên tiến bằng tự động thu phí không dừng, sử dụng ấn chỉ mã vạch sao cho không thể hoặc không có sự tác động của nhân viên... để kiểm soát chặt chẽ việc thu phí. 

Đặc biệt là có thể trích xuất bất cứ lúc nào vì mọi thông tin số liệu, lượt xe, biển số, giá vé, file ảnh, video... đều đã được lưu trữ.

Giám sát chặt hơn đối với công tác thu phí các trạm BOT, không chỉ các đơn vị trong ngành giao thông hay nhà đầu tư (vì có thể thiếu khách quan, "vừa đá bóng vừa thổi còi"), không chờ cơ quan điều tra phát hiện như vụ BOT cao tốc TP.HCM - Trung Lương. 

Cần sự chủ động vào cuộc của cơ quan chức năng thanh tra cấp bộ, Thanh tra Chính phủ để hạn chế tiêu cực, thất thoát nguồn thu, chống gian lận việc thu phí các trạm BOT giao thông.

Cần tạo thuận lợi cho người đóng phí

Hai năm trước, thấy sử dụng dịch vụ thu phí cầu đường không dừng rất thuận tiện khi qua các trạm thu phí nên tôi sắm thiết bị thu phí tự động OBU của ViettinBank, vì tôi thường đi trên xa lộ Hà Nội và quốc lộ 51 ra Vũng Tàu.

Lúc đầu sử dụng tôi thấy rất thuận tiện. Đến trạm, tôi cho xe chạy chậm chậm vào làn thu phí tự động, một tiếng "tít" từ thiết bị vang lên, thanh chắn tự động bật lên, xe đi qua, không phải dừng. Trên màn hình thông báo số tiền qua trạm, số tiền còn lại trong thẻ.

Các tuyến đường khác, tùy chủ đầu tư, họ có những thiết bị khác nhau. Thẻ của tôi thường chỉ sử dụng được trên xa lộ Hà Nội và quốc lộ 51.

Nay trạm thu phí xa lộ Hà Nội tạm ngừng hoạt động, hai trạm thu phí trên quốc lộ 51 cũng thông báo tạm ngừng sử dụng. Tài khoản của tôi, sau hai lần nạp tiền (mỗi lần 500.000 đồng) và sau mấy lần sử dụng còn lại hơn 800.000 đồng, đã lâu không có cơ hội sử dụng.

Mong các trạm thu phí tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lái xe có thể thanh toán bằng nhiều loại thẻ, hạn chế sử dụng tiền mặt. Đó là cách thanh toán văn minh, hiện đại và minh bạch, đáng tin cậy hơn kiểu thanh toán chỉ bằng tiền mặt như hiện nay.

NGUYỄN THÀNH (Tân Bình)

Nên thanh tra, kiểm tra việc thu phí các trạm BOT Nên thanh tra, kiểm tra việc thu phí các trạm BOT

TTO - Các chuyên gia cho rằng có nhiều cách che giấu doanh số thu phí, trốn thuế mà các trạm thu phí BOT có thể áp dụng, như dùng can thiệp trực tiếp vào phần mềm thống kê thu phí để chỉnh sửa, xóa dữ liệu phần mềm đếm xe.

TRẦN VĂN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên