23/07/2013 09:10 GMT+7

Quan hệ Việt - Mỹ: cần xác lập khuôn khổ mới

TTXVN
TTXVN

TT - Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ đi thăm chính thức Mỹ từ ngày 24 đến 26-7.

jEmQafuG.jpgPhóng to
Sáu tháng đầu năm 2013, kim ngạch mặt hàng giày của VN xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 1,28 tỉ USD, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái Ảnh: T.V.NGHI

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường cho biết chuyến thăm lần này có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra một giai đoạn mới cho quan hệ hai nước.

Lịch trình dày đặc

Đây là chuyến thăm chính thức Mỹ lần thứ hai của người đứng đầu Nhà nước sau gần hai thập niên bình thường hóa quan hệ và là chuyến trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên trong năm năm qua, diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang trên đà phát triển sâu rộng trên tất cả lĩnh vực, các kênh trao đổi giữa hai nước ngày càng đa dạng.

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang còn là sự triển khai tích cực đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế cũng như chiến lược hội nhập quốc tế của nước ta.

Trong chuyến thăm, ngoài hội đàm với Tổng thống Obama, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có một chương trình hoạt động hết sức dày đặc: làm việc với lãnh đạo Quốc hội Mỹ, nhiều thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ; gặp gỡ chính giới, nhiều doanh nghiệp và học giả, bạn bè, lãnh đạo một số tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ. Tại các cuộc gặp này, lãnh đạo hai bên sẽ cùng trao đổi về tầm nhìn quan hệ song phương trong giai đoạn mới, về những vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, qua đó đưa quan hệ đi vào chiều sâu và ổn định hơn.

Đánh giá về thực trạng và triển vọng quan hệ hai nước, đại sứ Nguyễn Quốc Cường nhận định dựa trên nền móng khá vững chắc với những cơ chế hợp tác ổn định cho quan hệ song phương, quan hệ hai nước còn rất nhiều tiềm năng và hoàn toàn có cơ sở để lạc quan về mối quan hệ giữa hai nước trong những năm tới. Với tầm mức của quan hệ hai nước hiện nay, với những tiềm năng đáng kể đang hứa hẹn phía trước, đã đến lúc hai nước cần xác lập khuôn khổ đối tác mới cho quan hệ hai nước. Đại sứ dự báo: “Chúng ta trông đợi cuộc hội đàm giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ xác định được khuôn khổ quan hệ mới đó, cùng với những nguyên tắc và nội hàm rõ ràng”.

Trong gần hai thập niên kể từ khi bình thường hóa, quan hệ hai nước những năm qua đã phát triển khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị ngoại giao, hai bên duy trì các chuyến thăm lẫn nhau và các cuộc gặp gỡ cấp cao bên lề các hội nghị quốc tế; hợp tác, phối hợp có hiệu quả trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn an ninh châu Á (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị bộ trưởng quốc phòng mở rộng (ADMM+)...

Sẵn sàng trao đổi về nhân quyền

Về kinh tế, từ năm 2005 Mỹ liên tục giữ vị trí thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với lượng hàng xuất khẩu tăng hơn 100 lần trong chưa đầy 20 năm. Hai bên cũng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như đẩy mạnh giao lưu nhân dân giữa hai nước. Hiện có khoảng 16.000 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Mỹ, tăng gấp đôi so với con số năm 2008, đưa Việt Nam đứng đầu trong các nước Đông Nam Á và đứng thứ 8 trong số tất cả các nước có sinh viên du học tại Mỹ. Trong năm 2012, lượng khách Mỹ đến Việt Nam đạt gần 400.000 người, xếp thứ 4 trong số các nước có nhiều du khách vào Việt Nam.

Về việc giải quyết các hậu quả do chiến tranh để lại và những vấn đề hai bên còn khác biệt, đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho rằng nói đến quan hệ hai nước không thể không đề cập đến việc giải quyết những vấn đề do chiến tranh để lại. Việt Nam đã trải qua những mất mát, hi sinh hết sức to lớn về người và của trong cuộc chiến và nếu vẫn với nguồn lực như hiện nay, phải mất 100 năm nữa mới giải quyết xong việc rà phá bom mìn còn chưa nổ tại khắp các tỉnh, thành của đất nước.

Về vấn đề dân chủ nhân quyền, đại sứ thừa nhận hai bên còn có những khác biệt song khẳng định vấn đề quan trọng là hai bên sẵn sàng trao đổi thẳng thắn để tăng cường hiểu biết, thu hẹp các khác biệt. Trên tinh thần đó, “tôi hiểu rằng trong chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chúng ta cũng sẵn sàng trao đổi các vấn đề liên quan đến dân chủ nhân quyền, tự do tôn giáo” - đại sứ cho biết.

Đại sứ khẳng định: “Chỉ có hữu nghị, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi trên cơ sở Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau mới là sự lựa chọn đúng đắn để đưa quan hệ Việt Nam - Mỹ hướng tới tương lai, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung của nhân dân hai nước”.

* Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12-7-1995, trao đổi đại sứ lần đầu tiên vào tháng 7-1997, mở Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố San Francisco vào tháng 11-1997, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Houston vào tháng 3-2010.

* Việt Nam - Mỹ đã tiến hành năm chuyến thăm cấp cao. Về phía Mỹ có các chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton (năm 2000), Tổng thống George Bush (năm 2006) tới Việt Nam. Về phía Việt Nam có các chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008) tới Mỹ. Trong các chuyến thăm cấp cao, hai bên đã ra ba tuyên bố chung, trong đó khẳng định mong muốn xây dựng “quan hệ đối tác tích cực, hữu nghị, xây dựng, hợp tác nhiều mặt, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi”.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên