12/05/2022 09:33 GMT+7

Quan hệ Mỹ - ASEAN tạo đà cho quan hệ Việt - Mỹ

PHƯƠNG ANH thực hiện
PHƯƠNG ANH thực hiện

TTO - Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN, được tổ chức ở Washington D.C từ 12 đến 13-5, trong bối cảnh hai bên cùng đối mặt nhiều thách thức sau đại dịch, được kỳ vọng sẽ mở ra những hướng hợp tác cụ thể, thực chất vì lợi ích của các bên.

Quan hệ Mỹ - ASEAN tạo đà cho quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh 1.

Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam - Dữ liệu: BÌNH AN tổng hợp - Đồ họa: TUẤN ANH

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia bình luận về sự kiện này.

Ông Phạm Quang Vinh (chủ tịch Hội Việt - Mỹ, cựu đại sứ Việt Nam tại Mỹ):

Pham Quang Vinh

Ông Phạm Quang Vinh

Việc Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN được tổ chức cho thấy hai bên rất coi trọng nhau. 

Mỹ đề cao việc thúc đẩy hợp tác với Đông Nam Á, khu vực có ý nghĩa địa chiến lược, địa kinh tế khi Washington đang triển khai Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương. 

Với ASEAN, thắt chặt quan hệ với Washington cũng có nhiều ý nghĩa khi Mỹ là một trong 10 đối tác quan trọng hàng đầu của hiệp hội.

Khi Mỹ và ASEAN kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ, tôi cho rằng cuộc họp trực tiếp giữa lãnh đạo hai bên có thể giúp đưa ra định hướng mới cho hợp tác dài hạn, nâng tầm quan hệ cùng các sáng kiến cụ thể và thực chất.

Tôi kỳ vọng Mỹ và ASEAN sẽ gia tăng hợp tác hơn nữa để xử lý các thách thức đang đặt ra. Đó là câu chuyện kiểm soát dịch bệnh, phục hồi kinh tế, chuỗi cung ứng, phát triển dựa trên ứng phó với biến đổi khí hậu, dựa trên công nghệ và số, Biển Đông, Myanmar và sông Mekong. 

Hai bên cần tăng cường xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Về hợp tác song phương Việt - Mỹ, chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang xúc tiến các kế hoạch phát triển, khát vọng đến năm 2030-2045, được nêu ra sau Đại hội Đảng lần thứ XIII. 

Do đó, đây là dịp để Việt Nam trao đổi sâu với Mỹ về hợp tác kinh tế chất lượng cao, trong đó có chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch như cam kết ở COP26 và tài chính. Những lĩnh vực Việt Nam đang cần thì Mỹ có nhiều lợi thế, vì vậy triển vọng hợp tác là rất lớn.

Trong 27 năm qua, Việt Nam và Mỹ cho thấy quan hệ đang ngày càng sâu sắc, hai bên có nhiều mối quan tâm chung và có cùng lợi ích trên nhiều lĩnh vực. Khi nhìn vào diễn biến phức tạp trên thế giới hiện nay, việc hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh và luật pháp quốc tế ở khu vực càng quan trọng.

Tôi tin tưởng cuộc họp lần này sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Việc Mỹ coi trọng hợp tác với ASEAN là một lợi thế lớn của Việt Nam.

Do đó, chuyến đi lần này của Thủ tướng Việt Nam chắc chắn sẽ tạo đà mạnh mẽ cho hợp tác với Mỹ trong những năm tới.

Ông Zack Cooper (nghiên cứu viên cao cấp, Viện Doanh nghiệp Mỹ):

Zack Cooper

Ông Zack Cooper

Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN là cơ hội để Tổng thống Biden và đội ngũ trợ lý thể hiện Washington chú trọng hợp tác với Đông Nam Á. 

Từ khi nhậm chức, ông Biden chưa có chuyến đi đến khu vực, chưa gặp gỡ trực tiếp các lãnh đạo ASEAN. 

Hội nghị cũng bị hoãn khi dự kiến diễn ra tháng 3 năm nay. Do đó hai bên sẽ thảo luận sâu về các vấn đề, bù đắp lại khoảng thời gian đã mất.

Tôi trông đợi Mỹ và ASEAN sẽ bàn bạc nhiều vấn đề quan trọng, dù không chờ đón "những đột phá" trong quan hệ hai bên.

Một trong những tiêu điểm của sự kiện này có thể là khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương. Tổng thống Mỹ sẽ muốn nghe phản hồi của các nước ASEAN về sáng kiến này vì đây là một trọng tâm trong chính sách của Washington.

Quan hệ Việt - Mỹ phát triển rất ấn tượng trong 5 năm gần đây. Mỹ thể hiện chính sách nhất quán trong hợp tác với Việt Nam suốt từ thời Tổng thống Obama, Tổng thống Trump và bây giờ là Tổng thống Biden. Tôi cho rằng ưu tiên trong thảo luận song phương sẽ là hợp tác kinh tế, ứng phó sau COVID-19 và hợp tác quốc phòng.

PGS.TS Stephen Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế tại Nhật Bản):

Stephen

PGS.TS Stephen Nagy

Cả Mỹ và ASEAN đều hiểu về tầm quan trọng của hợp tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Với cam kết về thương mại, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển, Mỹ có thể tăng hợp tác với ASEAN trong các vấn đề mà khu vực đối mặt. 

Về phía mình, ASEAN cần gia tăng hành động gắn kết và hợp tác để có các sáng kiến ngoại giao ý nghĩa, nếu muốn khẳng định vai trò trung tâm.

Tôi cho rằng các bên cần cân đối chính sách, thúc đẩy các sáng kiến cụ thể và bền vững để nâng tầm hợp tác.

Ông Gregory Poling (nghiên cứu viên cao cấp, giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ - CSIS):

Greg Poling

Ông Gregory Poling

Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền của ông dành hai ngày để tổ chức Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ cho thấy Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn là khu vực ưu tiên của Washington, bất chấp những diễn biến phức tạp trên thế giới, trong đó có xung đột Nga - Ukraine.

Về phía ASEAN, việc 8/10 lãnh đạo các nước thành viên đến Mỹ họp trực tiếp (trừ Philippines và Myanmar) cũng cho thấy họ nhìn nhận tầm quan trọng của mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ.

Ý nghĩa quan trọng nhất của hội nghị là tính chất biểu tượng của nó về quan hệ Mỹ - ASEAN.

Tôi trông đợi hai bên sẽ đưa ra các tuyên bố cụ thể, trong đó có việc bổ nhiệm tân đại sứ của Mỹ ở ASEAN, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Bên cạnh đó, Mỹ và ASEAN cũng có thể công bố các sáng kiến mới về hợp tác kinh tế, phát triển, giao lưu nhân dân.

Truyền thông quốc tế nói gì về Hội nghị ASEAN - Mỹ?

truyen thong quoc te noi gi

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) phát biểu trong Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ trực tuyến vào tháng 10-2021 do Brunei tổ chức - Ảnh: Reuters

Theo báo Straits Times (Singapore), ngay trước Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tuần này, giới quan sát khu vực cho rằng thông điệp trọng tâm của hội nghị này sẽ là cam kết lâu dài của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á.

"Trong khi Mỹ tập trung vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, ASEAN sẽ muốn tránh làm tổn hại mối quan hệ của khối với đối tác thương mại lớn nhất của mình (là Trung Quốc) và sẽ cố gắng đạt được sự cân bằng giữa hai nước lớn" - báo Straits Times nhận định.

Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho rằng các quốc gia ASEAN sẽ cực kỳ thận trọng trong vấn đề "chọn phe" giữa bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp.

Trong khi đó, Hãng tin Reuters (Anh) bình luận: "Tổng thống Mỹ Joe Biden đón tiếp các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Washington tuần này khi chính quyền của ông muốn chứng tỏ họ vẫn có thể duy trì sự tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thách thức lâu dài từ Trung Quốc bất chấp cuộc khủng hoảng trước mắt tại Ukraine".

Theo Reuters, các nhà ngoại giao và các nhà phân tích đánh giá sẽ không có những tiến bộ vượt bậc trong hội nghị lần này. Họ cho rằng một nội dung đáng chú ý tại hội nghị có thể sẽ là nâng cấp quan hệ "đối tác chiến lược" ASEAN - Mỹ hiện tại lên "đối tác chiến lược toàn diện". Hiện tại ASEAN có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và Úc.

BẢO ANH

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Hun Sen bên lề Cấp cao ASEAN - Mỹ Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Hun Sen bên lề Cấp cao ASEAN - Mỹ

TTO - Chiều 11-5 giờ địa phương (sáng 12-5 giờ Việt Nam), tại thủ đô Washington D.C, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

PHƯƠNG ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên