Các tay súng thuộc lực lượng nổi dậy tập trung trong một doanh trại ở Kokang hôm 11-3 - Ảnh:Reuters |
Lời cảnh cáo được đưa ra sau khi lực lượng không quân Trung Quốc điều động máy bay chiến đấu đến khu vực biên giới ngay sau vụ máy bay của Myanmar thả bom xuống khu vực Lâm Thương, tỉnh Vân Nam làm chết bốn nông dân và bị thương chín người khác.
Song giới chức Myanmar khẳng định rằng máy bay của họ không hề “ném bom” trên đất Trung Quốc.
Trung Quốc đưa quân đến biên giới
Bắc Kinh đã điều một loạt máy bay chiến đấu đến vùng biên giới Trung Quốc - Myanmar để tuần tra, theo dõi, cảnh báo và rượt đuổi, không cho máy bay quân sự của Myanmar tiến lại gần đường biên giữa hai nước.
Quan chức thuộc quân khu Thành Đô Chu Tiểu Châu cho biết quân đội đóng dọc biên giới Trung Quốc đang được đặt trong tình trạng báo động cao. “Các lực lượng không quân và bộ binh đang sẵn sàng” - ông Châu cho biết.
Tân Hoa xã dẫn lời phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long hôm 15-3 trực tiếp điện đàm với tổng tham mưu trưởng quân đội Myanmar Min Aung Hlaing nói rằng quân đội Myanmar nên “kiểm soát nghiêm ngặt” binh lính của mình và ngăn chặn không để bất cứ vụ nào tương tự xảy ra. Nếu không, Trung Quốc sẽ “phản ứng mạnh”.
Ông Phạm yêu cầu Chính phủ Myanmar mở cuộc điều tra toàn diện vụ việc, xin lỗi cũng như bồi thường cho gia đình các nạn nhân.
Cùng ngày, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng lên tiếng rằng Bắc Kinh sẽ kiên quyết bảo vệ biên giới của mình.
“Chúng tôi có trách nhiệm và khả năng để bảo vệ vững vàng sự ổn định trong khu vực biên giới giữa hai nước và bảo vệ cuộc sống cũng như tài sản của người dân Trung Quốc” - ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh.
Tuy nhiên, giáo sư Đại học Hạ Môn Phạm Hồng Vĩ nhấn mạnh Bắc Kinh không thể có “động thái mạnh với Myanmar” vì nếu làm như thế sẽ đưa Trung Quốc vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Ông Đới Vĩnh Hồng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Myanmar của Đại học Tứ Xuyên, cũng cho rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ không để xảy ra xung đột biên giới Trung Quốc - Myanmar. Bởi Bắc Kinh quan ngại sẽ khiến mối quan hệ song phương xấu đi trong bối cảnh Mỹ, Nhật và Ấn Độ đang tăng cường “đầu tư” vào Myanmar.
“Myanmar là công cụ giảm sốc chiến lược và hàng rào an ninh của Trung Quốc. Mối quan tâm an ninh hàng đầu của chúng tôi là giữ cho Myanmar không dính vào chính sách bao vây Trung Quốc của Mỹ. Bắc Kinh cần duy trì mối quan hệ song phương ổn định và tốt đẹp với Myanmar để ngăn chặn điều này” - ông Đới nói.
Trước đó, chủ nhiệm Văn phòng tổng thống Myanmar Zaw Htay đã bác bỏ cáo buộc máy bay chiến đấu của họ ném bom xuống Lâm Thương. Quan chức này khẳng định dữ liệu trên rađa cho thấy máy bay của Myanmar không hề “đi lạc” vào vùng đất của Trung Quốc.
“Sự kiện này có thể do một nhóm nào đó đang tìm cách làm rối loạn tình hình, gây hiểu lầm giữa Myanmar và Trung Quốc” - quan chức trên nhấn mạnh.
Người đại diện quân đội Myanmar khẳng định lực lượng quân sự của họ luôn thông báo các hoạt động của mình một cách đầy đủ cho phía Trung Quốc.
“Mục tiêu trong các cuộc tấn công khu vực đều nằm trong lãnh thổ của chúng tôi” - ông Zaw Htay nói tiếp.
Cựu chiến binh Trung Quốc hậu thuẫn phiến quân?
Chỉ huy lực lượng an ninh quân đội Myanmar Mya Tun Oo cáo buộc các lực lượng vũ trang Kokang, bao gồm các cựu binh Trung Quốc được tuyển dụng thành lính đánh thuê cho phiến quân.
Chính những cựu binh Trung Quốc này đã huấn luyện quân sự cho những lực lượng nổi dậy Kokang. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này.
Myanmar cũng cáo buộc Bắc Kinh đã tiếp tay cho Bành Gia Thanh, chỉ huy quân đồng minh dân tộc dân chủ Kokang (MNDAA). Song Bắc Kinh đã bác bỏ những cáo buộc này.
Bành Gia Thanh sinh năm 1931 tại Kokang, gốc người Tứ Xuyên, từng cáo buộc lực lượng Chính phủ Myanmar luôn “khiêu chiến” với các lực lượng nổi dậy ở Kokang là nhằm mục đích giành quyền kiểm soát khu vực này và để “lấy lòng Mỹ”.
Báo Thanh Niên Trung Quốc cho biết Bành Gia Thanh từng được người dân địa phương mệnh danh là “vua xứ Kokang”. Từng được huấn luyện quân sự chuyên nghiệp nên năm 1989 Bành đã chỉ huy lực lượng nổi dậy địa phương hòa giải với Chính phủ Myanmar ở Kokang để thành lập quân đồng minh Kokang cũng như chính quyền đặc biệt ở Kokang.
Ngày 8-8-2009, chính quyền do Bành đứng đầu bị lật đổ và từ đó Bành không còn xuất hiện nhiều ở Kokang. Có nguồn tin cho rằng Bành cùng hàng chục ngàn người Trung Quốc thiểu số ở Kokang đã chạy sang “tị nạn” ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Cho đến tháng 12-2014, bất ngờ Bành Gia Thanh xuất hiện trở lại và lãnh đạo hơn 1.000 phiến quân Kokang chống trả quân Chính phủ Myanmar.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc và cả chính quyền tỉnh Vân Nam vừa qua đã bác bỏ tin đồn tiếp đón và dung chứa lãnh đạo MNDAA Bành Gia Thanh, cũng không hỗ trợ ông này chống lại Chính phủ Myanmar.
“Trung Quốc luôn tôn trọng chủ quyền và lãnh thổ của Myanmar” - bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam Lý Ký Hằng khẳng định.
Tuy nhiên, ông Lý cho biết đã có 60.000 người dân tộc thiểu số Myanmar chạy sang Trung Quốc kể từ khi các cuộc giao tranh giữa lực lượng nổi dậy Kokang và quân Chính phủ Myanmar bắt đầu.
“Chắc chắn một điều là chúng tôi không hỗ trợ Bành Gia Thanh chống lại Chính phủ Myanmar bằng sức mạnh quân sự. Những đồn đại về việc ông Bành Gia Thanh sống ở Vân Nam từ năm 2009 là không chính xác” - ông Lý nói.
Phiến quân Kokang tăng mạnh Phiến quân Kokang nói tiếng Trung Quốc và có những mối liên hệ cá nhân lẫn thương mại rất mật thiết với người Trung Quốc ở tỉnh Vân Nam. Các tay súng này chủ yếu là người Trung Quốc thiểu số ở Myanmar và giới lãnh đạo của họ thường cư trú dọc biên giới thuộc về Trung Quốc. Min Zaw Oo thuộc Trung tâm hòa bình ở Yangon cho biết sau khi nhận được nguồn tài trợ mới, Bành Gia Thanh đã bắt đầu ồ ạt tái xây dựng lực lượng phiến quân ở Kokang trong thời gian từ năm 2012 đến 2014. “Lực lượng của ông ta đã tăng gấp 10 lần trong hai năm qua” - chuyên gia Min Zaw Oo cho biết. Lực lượng phiến quân ở Kokang hiện nay có từ 1.500-2.000 tay súng và được trang bị súng AK-47s và đạn cối, phiên bản do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, người phát ngôn của phiến quân Kokang Htun Myat Lin lại khẳng định lực lượng này không hề có mối liên hệ nào với giới chức Trung Quốc và hiện đang có khoảng 3.000 tay súng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận