22/10/2019 09:26 GMT+7

'Quan chức ở truồng' của Trung Quốc cao chạy xa bay ra nước ngoài

TRẦN NGỌC CHÂU
TRẦN NGỌC CHÂU

TTO - Hiện tượng "chảy máu" tài sản và tài năng đang xảy ra tại Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai thế giới, với mức tăng trưởng quá nóng trong hơn 3 thập kỷ qua.

Quan chức ở truồng của Trung Quốc cao chạy xa bay ra nước ngoài - Ảnh 1.

Theo một khảo sát năm 2017, một nửa số triệu phú Trung Quốc muốn ra nước ngoài sống, và địa điểm yêu thích nhất của họ là Mỹ - Ảnh minh họa: Getty Images

Mặc dù lãnh đạo Trung Quốc đã chống tham nhũng quyết liệt ngay trong hàng ngũ quan chức cao cấp, thế nhưng nhiều quan chức vẫn tìm cách chuyển tài sản ra nước ngoài. Bên cạnh đó, giới giàu có vẫn ra đi và đi theo họ là tài sản và chất xám.

"Quan chức ở truồng" bay xa

Trong số những người giàu có trên, tất nhiên có rất nhiều những "quan chức ở truồng" (luoti zuoguan). "Quan chức ở truồng" là thuật ngữ chỉ "những cán bộ với tiền lương thấp nhưng đã lợi dụng chức vụ để tích lũy tài sản" rồi chuyển cho người thân - những người đã ở nước ngoài. Cho đến năm 2014, ước lượng có đến 1, 2 triệu quan chức tham nhũng đã "cao chạy xa bay".

Một số lớn những công dân giàu có cũng "đang bỏ phiếu" cho sự ra đi, tìm kiếm một quốc tịch khác và di chuyển tài sản của họ ra hải ngoại.

Trong hai thập kỷ qua (từ 1993-2015), tổng số người di dân trên thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc tăng lên từ 4,1 triệu đến 10 triệu người. Trong số này, có 2 triệu định cư ở Mỹ, 896.000 người ở Canada, 657.000 ở Hàn Quốc, 655.000 ở Nhật, 547.000 ở Úc và 457.000 ở Singapore.

Việc ra đi của 10 triệu người này cũng được xem là "chảy máu chất xám". Hầu hết những di dân này đều giàu có và học hành tử tế. Theo Kate Hooper và Jeane Batalova trong báo cáo "Những di dân Trung Quốc ở Mỹ" (Học viện Chính sách di dân, tháng 1-2015), 47% những người Trung Quốc định cư ở Mỹ trong 20 năm qua có trình độ cử nhân hoặc cao hơn (so với 32% của toàn bộ dân số và 28% của tất cả các nhóm dân tộc di cư đến Mỹ khác).

Số lượng du học sinh Trung Quốc không về nước cũng rất lớn. Phần lớn theo học bậc học tiến sĩ và cũng phần lớn không trở về sau khi học xong, mặc dù Trung Quốc đang rất cần những tài năng công nghệ và kỹ thuật từ Mỹ. Chẳng hạn, từ năm 2011, bình quân có 92,3% sinh viên Trung Quốc ở lại Mỹ, so với con số bình quân 63,3% cho tất cả sinh viên nước ngoài học tiến sĩ ở Mỹ không về nước sau khi học xong.

Tại sao họ ra đi?

Những lý do chính khiến họ ra đi theo thứ tự ưu tiên: đảm bảo những cơ hội học hành tốt hơn cho con em (21%), tìm chất lượng sống tốt hơn, tránh ô nhiễm môi trường (20%), an toàn thực phẩm (19%), an sinh xã hội (15%) và y tế tốt hơn (11%). Ngoài ra, những người giàu có Trung Quốc ra đi vì sợ tài sản bị tái phân phối và những hạn chế về niềm tin chính trị và tôn giáo.

Hơn 3 thập kỷ qua, Bắc Kinh luôn lo ngại về vấn nạn "thất thoát vốn" và cố tìm cách ngăn chặn dòng tiền chảy ra hải ngoại khi duy trì kiểm soát tốt đối với sự kiểm soát dòng nội tệ và hối đoái.

Tuy nhiên, vỏ quýt càng dày móng tay càng nhọn: những cá nhân giàu có luôn biết cách lách luật. Báo cáo năm 2012 của Tổ chức Liêm chính tài chính toàn cầu (Global Financial Integrity), có trụ sở tại Washington DC (Mỹ), cho biết nền kinh tế Trung Quốc đã bị thất thoát 3.790 tỉ USD theo dòng chảy không rõ ràng ra hải ngoại trong giai đoạn 2000-2011.

Tờ Wall Street Journal của Mỹ từng lý giải nguyên nhân chảy máu tài sản từ Trung Quốc ra nước ngoài: "Dịch vụ giúp người Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài đã phát triển rất mạnh và đa dạng, từ các đại lý chuyển tiền đến các máy bay tư nhân chở tiền đi với sự trợ giúp của các nhân viên hải quan tham nhũng. Một vài ngân hàng cũng giúp chuyển tiền của các công ty có giấu một phần tiền của cá nhân ra ngoài. Một phương pháp khác là các thương vụ xuất nhập khẩu với hóa đơn giả, thậm chí còn mang tiền mặt qua biên giới".

Quyền tài sản yếu ớt

Một yếu tố khác khiến người giàu muốn "im lặng ra đi" chính là sự an toàn liên quan đến tài sản của họ tại quê nhà.

Khi người giàu cảm thấy tài sản của họ bị đe dọa ở trong nước, họ muốn tìm một nơi đến an toàn hơn để cất giấu tài sản. Người giàu có một động lực mạnh mẽ chuyển tài sản từ nơi kém an toàn đến các quốc gia thuế suất thấp hơn, quyền tài sản mạnh hơn và môi trường kinh doanh tốt hơn. Chỉ số tự do kinh tế của Tổ chức Heritage Foundation đánh giá một quốc gia an toàn cao nhất về tài sản là 100 và thấp nhất bằng 0, Trung Quốc được cho điểm 20/100 (đứng thứ 138 trong 178 nước).

Việc đánh giá này dựa trên: "Một là: tài sản tư nhân được bảo vệ yếu ớt. Hai là: hệ thống tòa án vô hiệu và tham nhũng đến nỗi việc dàn xếp ngoài tòa trở thành tiêu chí. Ba là: quyền tài sản rất khó hiệu lực. Bốn là: hối lộ tư pháp tràn ngập và sự tước đoạt tài sản là bình thường".

Chỉ số "Độ dễ trong kinh doanh" của Ngân hàng Thế giới cũng cho ra kết quả tương tự đối với nền kinh tế Trung Quốc, khi cho rằng môi trường kinh doanh ở Trung Quốc rất thách thức từ khi thành lập doanh nghiệp, cho đến điều hành doanh nghiệp và luôn lo sợ bị tước đoạt.

Nghịch lý là những người kiếm lợi nhiều nhất cũng chính là người bị thách thức nhất với môi trường kinh doanh như thế. Họ kiếm lợi nhờ tham nhũng và liên kết với các doanh nghiệp nhà nước. Mọi sự thay đổi chính trị đều đe dọa tài sản của họ. Năm 2013, nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, ông Wang Xiaolu, ước tính các công dân Trung Quốc giàu có đã giấu 2.340 tỉ USD thu nhập đen hằng năm, chiếm gần 20% GDP quốc gia.

Nếu tài sản tiếp tục chảy ra hải ngoại gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế của Trung Quốc, điều đó có thể khiến Bắc Kinh phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài khóa nghiêm trọng, đặc biệt là trong bối cảnh nước này phải gồng mình trong cuộc thương chiến với Mỹ.

Visa EB-5 tăng chóng mặt

Loại visa EB-5 của Mỹ cho phép những người có từ 500.000 USD đầu tư vào Mỹ và tạo ra không ít hơn 10 việc làm sẽ nhận được thẻ xanh (cư trú thường xuyên).

Vào năm 2004 chỉ có 16 người Trung Quốc lục địa nhận visa EB-5, con số này tăng lên 306 năm 2008.

Vào năm 2013, con số này bùng nổ lên 6.895 và năm 2014 là 9.128, chiếm 85,4% của tổng số visa EB-5 của Mỹ cấp cho nhà đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới.

Hơn 300 quan chức Trung Quốc bỏ trốn đã quay về trong năm 2017 Hơn 300 quan chức Trung Quốc bỏ trốn đã quay về trong năm 2017

TTO - Trong năm 2017, có tổng cộng 1.300 người Trung Quốc bỏ trốn ra nước ngoài, nhưng 347 quan chức tham nhũng đã quay trở về Trung Quốc.

TRẦN NGỌC CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên