Rất đông người dân đợi xin ấn tại đền Quang Trung, TP Vinh, tỉnh Nghệ An hôm mùng 5 Tết Đinh Dậu - Ảnh: Doãn Hòa |
Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là vì nhu cầu vụ lợi của cả hai phía “cung - cầu”.
Theo TS Phạm Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Hán Nôm): “Cung là các cơ quan quản lý di tích, nhà đình, nhà đền, nhà chùa... cho in ấn ra hàng loạt, phát và bán lấy tiền. Sự thành công của việc in ấn được bán ra, và giá trị của nó đối với xã hội, ảnh hưởng của nó với xã hội gần như được tính toán một cách chủ ý.
Cầu là nhu cầu của người dân trước các hiện tượng văn hóa tâm linh. Việc nhu cầu của họ với lá ấn bán ra trên các phương diện niềm tin tôn giáo, sự linh thiêng phù hộ của ấn, về khả năng đạt thăng quan tiến chức, về kinh tế...
Tất cả là sự vụ lợi, lòng tham của con người trên cả hai phương diện cung - cầu mà rõ ràng, nó chính là vấn đề kinh tế. Ở đây, sự vụ lợi và lòng tham trên cả hai khía cạnh cung - cầu và cả hai đang lợi dụng lẫn nhau”.
Để giải quyết vấn nạn này, ông Tuấn đặt câu hỏi: các cơ quan quản lý văn hóa đã ở đâu khi tình trạng loạn khai ấn xảy ra như hiện nay?
“Khi thực thi vấn đề gì đều cần có kế hoạch, đề án để trình lên các cấp thẩm quyền duyệt định. Do đó, thiết nghĩ các việc, các dự án, đề án không hợp lý, trái với thuần phong mỹ tục của di tích, của địa phương, của lễ hội thì các cơ quan quản lý văn hóa không nên đồng ý cho thực thi.
Nếu vấn đề phức tạp thì cần mời các chuyên gia nghiên cứu, công khai, lấy ý kiến dư luận để đưa ra quyết định có lợi cho sự phát triển văn hóa. Phải quản lý từ khi manh nha, chứ không phải để diễn ra rồi chúng ta mới bàn cách chữa cháy” - ông Tuấn đề xuất.
Người dân chen nhau xin ấn tại đền Quang Trung, TP Vinh (Nghệ An) mùng 5 Tết Đinh Dậu - Ảnh: Doãn Hòa |
TS Phạm Văn Tuấn và PGS.TS Đinh Khắc Thuân đều đồng tình với việc để chấm dứt tình trạng mất kiểm soát về khai ấn, phát ấn, trước hết các vị lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo địa phương không nên dự khai ấn, phát ấn.
“Quan chức tham dự khai ấn không khác nào việc “nhà nước hóa” lễ hội đó, vô hình trung sẽ tạo nên những đám đông quá đà tại những lễ khai ấn, phát ấn. Những lễ hội nào của dân gian nên trả lại để dân gian làm và không nên tuyên truyền quá nhiều dẫn đến các nơi đua nhau khai ấn, phát ấn” - ông Thuân đề xuất.
Ông Nguyễn Công Việt, nhà nghiên cứu ấn chương, thậm chí từng đề xuất giải pháp thiết thực khác đó là Bộ VH-TT&DL cần phải mời các nhà chuyên môn, chuyên gia ấn tín kết hợp với chính quyền địa phương tiến hành xem xét kiểm tra tất cả các di tích trọng điểm quốc gia có sử dụng ấn tín.
Đối với các di tích sử dụng các hiện vật ấn và bản văn đóng dấu không có xuất xứ lịch sử, cơ sở khoa học hoặc sai sót về nội dung chuyên môn thì cần phải đình chỉ.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, bà Trịnh Thị Thủy, cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL), vẫn rất dè dặt trong vấn đề này khi cho biết thời gian tới, đơn vị này sẽ tham mưu để bộ đề xuất Chính phủ ra chỉ thị nghiêm cấm tổ chức tất cả các lễ hội có hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi hoặc thương mại hóa lễ hội truyền thống.
Loạn khai ấn, phát ấn còn tràn vào tận Nghệ An, khi ngày 1-2 (mùng 5 Tết Đinh Dậu), hàng ngàn người dân chen chúc để xin thẻ ấn “Quang Trung Linh Từ” tại đền thờ Hoàng đế Quang Trung được xây mới vào năm 2005 và khánh thành năm 2008. Với mỗi thẻ ấn có giá 10.000 đồng, năm nay di tích này dự kiến phát ra khoảng 17.000 thẻ ấn. Ông Nguyễn Đức Kiếm - giám đốc Bảo tàng tỉnh Nghệ An - nói: “Tôi thấy việc phát ấn ở đền thờ Hoàng đế Quang Trung mang tính tự phát, “ăn theo” một số địa điểm di tích lịch sử khác. Chúng ta đừng thương mại hóa văn hóa tâm linh, ngay như ở đền thờ Hoàng đế Quang Trung, nhiều người xin ấn nhưng không biết lịch sử của đền, thẻ ấn đó có giá trị như thế nào!”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận