03/01/2012 07:00 GMT+7

Quà xuân ra biên giới

L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - L.KIÊN
L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - L.KIÊN

TT - 5.600 phần quà xuân của bạn đọc Tuổi Trẻ đang được chuyển đến thầy cô và học sinh ở các xã khó khăn nhất của năm tỉnh biên giới phía Bắc, mang lại chút ấm áp cho thầy trò vùng biên giới.

6DUfbr73.jpgPhóng to

Em Y Thơ trên đường lấy đót về bán để mua quần áo tết - Ảnh: Trần Thảo Nhi

Học trò nghèo vùng cao tự lo tết

Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhiều học trò người dân tộc Xê Đăng ở các xã vùng sâu của tỉnh Kon Tum vẫn tranh thủ những ngày nghỉ vào rừng lấy cây đót kiếm tiền mua quần áo tết. Em Y Thơ - lớp 6A Trường THCS Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô (Kon Tum) - cho biết những ngày nghỉ học em đi xa hàng chục cây số vào rừng để tìm cây đót.

Mỗi buổi kiếm được 4-5kg, bán được chừng 10.000 đồng (2.500 đồng/kg), đến nay Y Thơ đã dành dụm được 40.000 đồng để tết này mua được bộ quần áo mới, nhưng hiện tại số tiền chưa đủ mua áo nên từ nay đến tết làm sao kiếm đủ khoảng 150.000 đồng để có tiền sắm bộ đồ tết.

TRẦN THẢO NHI

Nếu không đến với những bản làng của dân tộc La Hủ ở huyện Mường Tè, miền tây Lai Châu sẽ khó hình dung ở thế kỷ 21 vẫn còn những tộc người với những đứa trẻ như chúng tôi đã gặp (La Hủ là một trong bốn tộc người đang được bảo tồn (ba dân tộc kia là Mảng, Si La, Cống).

Trời rét căm căm, sương giá mờ mịt, chúng tôi đã khoác hết số áo ấm mang theo với giày vớ chu đáo mà vẫn xuýt xoa vì lạnh, trong khi những em bé La Hủ vẫn chỉ những đôi chân trần. Những đôi chân mà nếu đã nhìn thấy một lần sẽ không thể nào quên được!

Tôi áp bàn tay lên bàn chân của Pờ Gò Cà, cậu học sinh lớp 2 ở bản Cờ Lò 2, xã Pa Ủ. Hình như da chân của các em đã dày lên như... da dùng để đóng giày! Đôi bàn chân bé nhỏ, đen nhẻm ấy cứ bước phăm phăm trên những mảnh đá sắc nhọn. Và chúng tôi còn kinh ngạc hơn khi thầy giáo Phìn Văn Đức, người dân tộc Giáy, nói các em đã đi bộ gần... 30 cây số từ bản Cờ Lò 2 để ra đây nhận quà! Trường dự kiến cử giáo viên nhận quà từ bản Mú Chi, nơi có điểm trường gần trung tâm, rồi chuyển vào cho các em bởi từ trung tâm xã vào bản hoàn toàn không một phương tiện giao thông nào đi lại được. Tuy nhiên, hôm chúng tôi lên trao quà tại Pa Ủ cũng là ngày tết của dân tộc này, dịp nhận quà cũng là dịp để các em ra khu trung tâm.

Thầy Đức kể: từ 8 giờ sáng hôm qua, 17 thầy trò cùng lên đường, đi tới 3 giờ chiều thì đến bản Nậm Hãn. Từ bản Nậm Hãn, các thầy cô giáo ở điểm trường trung tâm có xe máy tiếp tục chạy ra đây thêm 17 cây số nữa để đón các em rồi đưa vào bản Mú Chi. Ở đó các em được nghỉ lại, chờ sáng nay nhận quà xong sẽ dùng tiền ấy... sắm sửa quà tết luôn.Thấy chúng tôi áy náy vì để nhận món quà nhỏ, các em phải đi một chặng đường quá xa, thầy Đức cười: “Chuyện này bình thường, phiên chợ nào có dịp các em vẫn đi với bố mẹ ra đây. Với người La Hủ chuyện đi rừng vài ngày đường cũng bình thường như xuống suối bắt con cá, lên rừng săn con thú”.

Vừa nhận quà tết, các em loay hoay bóc bánh nhưng không thể nào biết cách bóc các gói bánh để ăn mà phải nhờ đến sự hướng dẫn. Thầy Đức nói: “Đây là lần đầu các em được ăn bánh đấy, trước đến giờ theo cha mẹ từ bản ra chợ cũng chỉ được xem thôi, chợ vùng này hầu hết chỉ bán các hàng nhu yếu, ít có bánh kẹo như các anh mang lên”.

Vàng Xạ Hừ, học sinh lớp 5 của điểm trường bản Xà Hồ, sau khi ăn hết vài chiếc bánh đã gói ghém cẩn thận mấy hộp bánh còn lại và mở bao thư lấy tiền vào cửa hàng gần bên cổng trường mua ngay một đôi dép nhựa mới với giá 20.000 đồng. Mang dép mới vào đôi chân hơi lóng ngóng, đôi chân lần đầu mang dép, cứ thế em băng vào con đường rừng leo ngược đỉnh núi. Để về tới bản Xạ Hồ của em phải đi mất ba giờ.

Chị Ky Phy Nu, cũng ở bản Xạ Hồ, đưa đứa con gái Phì Cha Xô học sinh lớp 1 ra Mú Chi nhận quà, số tiền quà tặng được chị Phy Nu mua ngay cho con một chiếc áo ấm và đôi dép mới.

Hình ảnh những đứa trẻ La Hủ như thế chúng tôi không chỉ gặp ở Pa Ủ, hôm ở điểm Trường Pa Vệ Sủ cũng những đôi chân trần như thế, các em hồn nhiên mỗi ngày vượt hàng cây số đường rừng để đi học.

Một điệp khúc buồn...

Thương những đứa trẻ La Hủ bao nhiêu lại càng cảm phục những giáo viên cắm bản nơi miền rừng hẻo lánh này bấy nhiêu.

Hầu hết những điểm trường chúng tôi đến, thầy cô đang sống trong những lều bạt lợp tạm bợ, phên che bằng tre nứa. Trời mùa đông sương giá cứ len lỏi qua liếp tre, gió lùa tấm bạt lợp mái phần phật.

Ở điểm Trường Sen Thượng có gần một chục túp lều như thế. Túp lều ngoài cùng của điểm trường là của gia đình thầy Đinh Văn Hạ và cô giáo Lường Thị Ngân. Vợ chồng cô thầy vừa có cháu nhỏ, phải nhờ cô em gái từ Điện Biên vào ở trông con giùm cho hai vợ chồng đi dạy. Cạnh đó là lều của vợ chồng thầy Nguyễn Viết Lãm và cô Đinh Thu Hằng. Cô Hằng trước dạy ở gần ngoài huyện, xin chuyển vào đây, chấp nhận khó khăn hơn nhưng bù lại được gần chồng.

Đi qua hơn một chục điểm trường, sổ tay chúng tôi dày thêm với những ghi chép về hoàn cảnh mỗi cô thầy, nhưng dường như khi kể lại những gian khó của giáo viên nơi đây bỗng thấy chữ nghĩa cũng bất lực. Bởi chữ nghĩa nào tả hết cái cảnh thầy cô lội hàng chục cây số đường rừng, những ngày mưa trên núi cao, suối dữ, xung quanh chỉ là những đứa học trò đen nhẻm gầy guộc, thiếu áo thiếu quần. Rồi những túp lều tạm bợ với tranh tre nứa lá, chẳng chăn chiếu nào thắng được sự rét buốt.

Chia tay các thầy cô, chúng tôi hứa sẽ cố gắng mỗi năm lại đến thăm dịp tết, không phải là món quà vật chất mà chính là niềm vui tinh thần với các thầy cô rằng mình vẫn được mọi người nhớ đến và trân trọng. Hứa như thế nhưng chu kỳ quay lại và may ra gặp lại các thầy cô có thể còn rất lâu, bởi làm sao đi hết hàng trăm điểm trường như thế giữa núi rừng Tây Bắc?

L.Đ.DỤC - Đ.BÌNH - L.KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên