29/05/2023 17:01 GMT+7

Quá nửa tổng sản lượng vải thiều của Bắc Giang đã được đặt hàng

Các tập đoàn, hệ thống phân phối, siêu thị, chợ đầu mối,… đã ký kết với Bắc Giang 35 biên bản ghi nhớ cam kết tiêu thụ hơn 100.000 tấn vải thiều. Sản lượng vải thiều toàn tỉnh này năm nay ước khoảng 180.000 tấn.

Quá nửa tổng sản lượng vải thiều của Bắc Giang đã được đặt hàng - Ảnh 1.

Vườn vải thiều sớm ở xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang - Ảnh: C.TUỆ

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 29-5, ông Nguyễn Văn Phương, phó giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết thời điểm này, địa phương đang bước vào thu hoạch vụ vải sớm (từ 25-5 đến 15-6), và vải chính vụ thu hoạch từ ngày 10-6 đến 30-7. Sản lượng vải thiều toàn tỉnh năm nay ước khoảng 180.000 tấn.

Tiếp tục đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử

Về kế hoạch tiêu thụ vải thiều, ông Phương cho biết Bắc Giang luôn coi trọng tất cả các thị trường, kể cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đối với thị trường trong nước, Sở Công Thương đã trao đổi, làm việc với các tập đoàn, hệ thống phân phối, siêu thị, chợ đầu mối,… đến nay tỉnh đã ký kết 35 biên bản ghi nhớ cam kết tiêu thụ hơn 100.000 tấn vải thiều.

Đồng thời, tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương trên cả nước tạo điều kiện để Bắc Giang xúc tiến tiêu thụ vải thiều trên các kênh phân phối ở thị trường trong nước. 

Phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) để kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết tiêu thụ vải thiều trên sàn thương mại điện tử.

"Năm nay, thay vì tổ chức một hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều thì Bắc Giang tổ chức hai hội nghị xúc tiến tiêu thụ ở hai vùng vải trọng điểm, đó là Tân Yên (ngày 30-5) và tại Lục Ngạn (ngày 7-6).

Thông qua hai hội nghị này, hai địa phương sẽ thông tin cụ thể về mùa vụ, sản lượng, chất lượng, mã số vùng trồng. 

Đồng thời kết nối trực tiếp cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, thương nhân sản xuất tiêu thụ vải thiều trong tỉnh với doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước" - ông Phương nói.

Đối với thị trường xuất khẩu, ông Phương dự báo sản lượng xuất khẩu cao hơn năm 2022. 

Để đẩy mạnh xuất khẩu, ngay từ đầu vụ tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại các thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc,…

"Đến nay có hơn 200 thương nhân Trung Quốc đăng ký, hiện có hơn 30 thương nhân đã sang để giám sát vùng nguyên liệu, ký kết các hợp đồng thu mua, tiêu thụ vải thiều. Điều này cho thấy thương nhân Trung Quốc rất quan tâm tới vải thiều Bắc Giang" - ông Phương nói.

Quá nửa tổng sản lượng vải thiều của Bắc Giang đã được đặt hàng - Ảnh 3.

Toàn tỉnh Bắc Giang đang duy trì 178 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích hơn 16.600ha - Ảnh: C.TUỆ

Luôn đòi hỏi khắt khe về chất lượng vải thiều

Ông Nguyễn Thế Thi, phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), cho biết năm nay toàn huyện có 17.300ha, tăng hơn 1.000ha so với năm trước, sản lượng ước trên 100.000 tấn.

Để quản lý vùng trồng và thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, ông Thi cho biết huyện đã tuyên truyền đến các xã, các hộ dân cách chăm sóc để chất lượng vải thiều tốt nhất. Thường xuyên tập huấn, thông tin về các quy định của các thị trường như Mỹ, Nhật, EU.

Đến nay, toàn huyện có 88 mã vùng trồng vải thiều xuất khẩu. Trong đó Trung Quốc có 35 mã vùng trồng, Nhật Bản 32 mã vùng trồng, Mỹ 15 mã vùng trồng, Úc và Thái Lan 6 mã vùng trồng.

"Huyện luôn phải quản lý và giám sát hướng dẫn người dân làm sao phải đảm bảo chăm sóc đúng quy trình, yêu cầu của nước nhập khẩu. 

Các mã vùng trồng phải có trưởng mã và trưởng mã viết cam kết, nếu mã số vùng trồng nào không đảm bảo yêu cầu thì sẽ thu hồi, cắt mã vùng trồng đó" - ông Thi nói và nhấn mạnh huyện luôn yêu cầu khắt khe về chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo an toàn nhất.

Trước dự báo nắng nóng kéo dài, nguy cơ thiếu điện ảnh hưởng đến việc sản xuất các mặt hàng phụ trợ phục vụ tiêu thụ vải thiều, ông Thi cho biết với 39 xưởng sản xuất đá cây, 7 công ty, nhà máy sản xuất xốp, rổ nhựa và nhiều xưởng sản xuất phụ trợ nên nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng rất cao trong vụ thu hoạch vải.

Do đó, huyện đã cử cán bộ chuyên môn và phòng ban chức năng đi kiểm tra, rà soát các khu vực để tính toán sử dụng điện để làm sao có dự phòng để giảm thiểu tối đa việc thiếu điện.

Vải thiều Ea Kar đăng ký nhãn hiệu tập thểVải thiều Ea Kar đăng ký nhãn hiệu tập thể

Sau 20 năm đưa vải thiều lên vùng đất mới ở Tây Nguyên, nông dân huyện Ea Kar (Đắk Lắk) vui mừng vì hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể vải thiều Ea Kar đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên