13/11/2018 18:09 GMT+7

Quá khó để ngăn thao túng 'đất vàng' ở TP.HCM?

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Chính các lãnh đạo có thẩm quyền đã tự cho phép các liên doanh 'chân gỗ'trong Sabeco Pearl rất nhiều đặc quyền mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được.

Quá khó để ngăn thao túng đất vàng ở TP.HCM? - Ảnh 1.

Khu đất vàng 6.000m2 bốn mặt tiền đường, gồm Hai Bà Trưng - Đông Du - Thi Sách và Công trường Mê Linh (ảnh chụp sáng 11-11) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cho đến khi hơn 6.000m2 tại khu đất vàng số 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) nằm gọn trong tay các cổ đông tư nhân và chỉ đến khi nguyên một phó chủ tịch UBND TP cùng bốn cán bộ có thẩm quyền liên quan tại các sở, ngành của TP bị khởi tố thì mọi thắc mắc về việc "họ đã làm điều đó như thế nào?" mới vỡ lẽ!

Làm sao một người dân bình thường có thể hiểu được, ngay từ lúc khởi điểm, khu đất khi giao cho Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) sử dụng, nó đã được thông báo rõ ràng bằng các quyết định, chỉ thị cho lãnh đạo qua các thời kỳ của Sabeco rằng: đây là đất công, nếu Sabeco có nhu cầu sử dụng phải xin và trực tiếp sử dụng. Nếu không, phải trả lại cho Nhà nước. Rõ ràng và sòng phẳng như thế.

Chỉ có những cán bộ có thẩm quyền được tiếp cận với hồ sơ chứa "lai lịch" đầy đủ của khu đất vàng mới dám xuống tay "vẽ" tiếp từng cột mốc, thời điểm ban hành các quyết định hợp thức hóa để biến đất công thành tư.

Bắt đầu từ việc "đẻ" ra Công ty cổ phần bất động sản Sabeco (Sabeco Land) thuộc 100% sở hữu của Sabeco và sau đó giải thể công ty con này để lập pháp nhân mới Sabeco Pearl, với vốn góp của Sabeco chỉ còn 26%, còn lại dành cho ba pháp nhân "chân gỗ" cùng đứng trong liên doanh mới.

Sabeco Pearl lẽ ra sẽ chẳng "xơ múi" được gì, nếu ngay từ lúc thành lập, phải bị Bộ Công thương - vốn là cơ quan chủ quản của Sabeco thời điểm chưa bán cho cổ đông Thái Lan - "tuýt còi".

Vì từ mục tiêu thành lập Sabeco Pearl để kinh doanh bất động sản cho đến lựa chọn tỉ lệ góp vốn 26% nhằm tránh quy định xin chủ trương đầu tư có tính chất bắt buộc đối với doanh nghiệp nhà nước, đều vi phạm nghiêm trọng các quy định dành cho khối doanh nghiệp nhà nước.

Ông Vũ Huy Hoàng, nguyên bộ trưởng Bộ Công thương, đã bỏ lơ điều này. Từ đó đưa Sabeco Pearl trượt dài sang các sai phạm khác.

Không đơn thuần chỉ ký cho thuê đất sai nguyên tắc, bỏ qua thẩm định chủ trương đầu tư với doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối lớn, không ai khác hơn, chính các lãnh đạo có thẩm quyền đã tự cho phép các liên doanh "chân gỗ" trong Sabeco Pearl có rất nhiều đặc quyền mà không phải doanh nghiệp nào cũng có được.

Đó là gì?

Là được nộp tiền sử dụng đất trước khi có quyết định cho thuê đất 13 ngày. Được dùng "bùa" dưới tên gọi "giá trị lợi thế" để ký hợp đồng hợp tác với các doanh nghiệp "chân gỗ" theo kiểu góp vốn "tay không bắt giặc" vì bốn tháng sau đó, ông Nguyễn Hữu Tín - nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM - mới ký quyết định cho thuê đất.

Chưa kể, khi duyệt giá sử dụng đất cho khu đất rộng hơn 6.000m2 chỉ xấp xỉ 997 tỉ đồng vào thời điểm tháng 4-2015, các cán bộ có liên quan dường như không muốn biết giá trị thực được giao dịch trên thị trường của "đất vàng" lúc này đã không dưới 1 tỉ đồng/m2 đất.

Ai được hưởng lợi từ các quyết định ký sai nguyên tắc đã rõ...

Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (P.Bến Nghé, Q.1) trước đây là văn phòng, nhà xưởng và kho của Sabeco, được UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2006.

Tháng 11-2007, Bộ Tài chính chấp thuận cho Sabeco chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng cao ốc phức hợp. Sau đó, UBND TP cũng chấp thuận cho Tổng công ty Sabeco làm chủ đầu tư thực hiện dự án.

Năm 2008, có hai nhà đầu tư cùng quan tâm muốn thực hiện dự án tại khu vực này và có thư kiến nghị đến UBND TP.HCM là Công ty TNHH Treasure Link Development Ltd (Hong Kong) và Công ty cổ phần xây dựng Đại Tân Phú.

Đến năm 2011, Sabeco dự kiến hợp tác với các công ty: Công ty cổ phần tập đoàn Đại Dương, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Sông Đà, Công ty cổ phần đầu tư Mê Linh để thực hiện dự án. Tuy nhiên đến năm 2014 thì các công ty này từ chối tham gia.

Năm 2015, Sabeco hợp tác với các công ty: Công ty cổ phần Atland, Công ty cổ phần đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An, Công ty cổ phần đầu tư Mê Linh để thực hiện dự án cao ốc tại khu đất này. Các bên thành lập một công ty mới là Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl.

Tháng 9-2016, Sabeco bán hết cổ phần tại Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl.

Lô đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng hiện thuộc quyền sử dụng của Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl. Chủ đất mới sử dụng đất theo hình thức thuê đất 50 năm trả tiền một lần.

D.N.HÀ

Cận cảnh khu đất vàng 6.000m2 bị Cận cảnh khu đất vàng 6.000m2 bị 'hô biến' thành đất tư nhân

TTO - Khu đất vàng 6.000m2 số 2-4-6 Hai Bà Trưng được TP.HCM giao cho Sabeco nhưng bằng các thủ thuật lòng vòng được các cơ quan nhà nước tiếp tay, các bên đã giao trọn khu đất này về tay tư nhân.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên