05/12/2014 06:00 GMT+7

Quá ít tuổi mà giết người: vì sao thế?

ĐẶNG TƯƠI - TRÀ MY
ĐẶNG TƯƠI - TRÀ MY

TTO - Trước thông tin Tú, 14 tuổi, giết cậu bé 9 tuổi rồi cho xuống giếng, nhiều người bàng hoàng, xót xa rồi đặt câu hỏi: Vì đâu trẻ vị thành niên giết người dã man vậy?

Giếng nước nơi cháu bé 9 tuổi bị sát hạt - Ảnh: Hà Đồng

PGS Văn Như Cương kể câu chuyện một thanh niên ở Huế dùng vật nhọn đâm vào mông của thiếu nữ chỉ vì muốn vui và bắt chước theo phim của Nhật.

PGS Văn Như Cương cho rằng sự tác động của phim ảnh, những thông tin trên mạng… đối với trẻ vị thành niên là rất lớn và nhà trường, gia đình phải góp phần hạn chế những tác động ấy đến trẻ.

>> PGS Văn Như Cương 

Chuyên gia tâm lý Minh Huệ cho rằng suy nghĩ về bạo lực ít nhiều sẽ tồn tại trong suy nghĩ của các trẻ vị thành niên, vấn đề là có những đứa trẻ đã biến suy nghĩ lệch lạc thành hành vi không đúng.

“Nếu trẻ không giải tỏa được những cảm xúc của mình, không được định hướng về những điều đúng đắn khi nói đến bạo lực thì rất có thể khi có cơ hội, trẻ sẽ thực hiện hành vi bạo lực”.

>> Chuyên gia tâm lý Minh Huệ 

Từ những vụ án mà mình theo dõi và làm việc, luật sư Nguyễn Văn Hậu (phó chủ tịch Đoàn luật sư TP.HCM) chỉ ra những nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ chưa thành niên có hành vi lệch lạc, phạm tội là: thiếu sự quan tâm của gia đình, sự phát triển mạnh mẽ của những thông tin đa chiều trên Internet, game online…

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu 

Game, phim ảnh bạo lực, thông tin trên mạng tác động lớn đến trẻ nếu trẻ không được hướng dẫn - Ảnh: Thuận Thắng

“Để có tiền nạp vào chơi game, khi không có con đường nào khác thì nhiều em chọn cách trộm cắp” - luật sư Hậu cho biết.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu 

Hiểu, chia sẻ, lắng nghe

Chị T.Y. (Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ phụ huynh ngày nay đối diện với quá nhiều áp lực mưu sinh và nhiều người đổ lỗi vì kiếm tiền nên lơ là con cái. Điều này theo chị là không đúng. Bởi cha mẹ là người định hướng, dạy dỗ và tạo ra môi trường lành mạnh cho trẻ phát triển. Nếu có sự lệch lạc hay trẻ có hành vi chưa đúng thì “lỗi là ở mình hết”, chị nói. 

Chị nói mình rất hạn chế cho con sử dụng điện thoại di động, chỉ khi nào đi sinh nhật hay đi chơi với bạn mới cho con dùng để gọi về nhà. Ở trường nếu cần đã có điện thoại liên lạc của trường rồi. “Nếu không uốn nắn ngay từ đầu thì khi phát hiện con có vấn đề gì đó, “chỉnh” lại sẽ khó hơn rất nhiều” - chị chia sẻ.

"Về phía gia đình, ba mẹ đừng nghĩ rằng con sẽ tự lớn và phải biết cái gì nên làm, cái gì không. Tuổi vị thành niên có những khó khăn cần ba mẹ can thiệp và chia sẻ với con chứ không nên đứng ngoài phán xét” - chuyên gia tâm lý Minh Huệ thẳng thắn.

>> Chuyên gia tâm lý Minh Huệ 

Theo chuyên gia tâm lý Minh Huệ, trẻ vị thành niên quan tâm đến rất nhiều đề tài trong xã hội và bắt đầu hình thành quan điểm riêng. Nếu như ba mẹ cứ xem con là trẻ con và không quan tâm đến suy nghĩ của trẻ về những vấn đề xã hội, chính trị… thì con trẻ sẽ không chia sẻ được suy nghĩ (dù đúng dù sai) của mình này với người thân.

"Ba mẹ chính là người cung cấp thêm cho con những thông tin cần thiết và cùng với con chọn lọc thông tin. Vì thế, việc biết được con đang quan tâm gì, nhìn nhận một vấn đề bất kỳ là rất quan trọng" - chuyên gia Minh Huệ nói.

>> Chuyên gia tâm lý Minh Huệ 

Ở góc độ nhà trường, theo PGS Văn Như Cương, ngoài bồi bổ kiến thức, nhà trường còn phải giúp trẻ nhận thức được cái gì là xấu, cái gì là cái ác, điều gì nên làm và không nên làm.

>> PGS Văn Như Cương 

PGS Văn Như Cương cũng cho rằng trong lần đổi mới sách giáo khoa tới đây, những hoạt động trải nghiệm và sáng tạo sẽ được tăng cường. Từ đó, các thầy cô giáo sẽ tìm ra những phương cách giáo dục nhân cách cho trẻ, dạy trẻ làm người tốt.

>> PGS Văn Như Cương 

Không dùng phương pháp nạt nộ, đánh đập

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng phụ huynh phải kiên nhẫn khi trò chuyện với trẻ vị thành niên. Phương pháp giáo dục bằng cách nạt nộ, đánh đập cũng cần loại bỏ, thay vào đó là chia sẻ, lắng nghe và làm bạn với con.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu 

Một phụ huynh có hai con trai đang trong tuổi vị thành niên chia sẻ: ban đầu con chị cũng nói chuyện khá ngắn gọn với mẹ. Có hỏi cũng chỉ trả lời “dạ có”, “dạ không” chứ không kể chuyện nhiều.

Chị chuyển sang phương pháp kể chuyện của mình với con, dần dần chia sẻ với con những suy nghĩ, quan điểm của mình và gợi mở cho con trò chuyện nhiều hơn, dần dần chị đã làm bạn được với con.

“Nếu thấy con không chịu nói chuyện mà mình cũng im luôn thì sợi dây kết nối sẽ đứt gãy và không tài nào biết được con đang nghĩ gì” - vị phụ huynh này chia sẻ.

 

ĐẶNG TƯƠI - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên