Với chừng 6 triệu đồng, tôi vượt qua biên giới, thực hiện được ước mong mà đa số những ai thích thể loại chụp ảnh thiên nhiên hoang dã ở Việt Nam đều có: ngắm và chụp một bộ ảnh sếu đầu đỏ

Có lẽ bất cứ ai yêu thiên nhiên hoang dã khi nhìn ảnh sếu đầu đỏ (Grus antigone sharpii) của những tay máy như Đoàn Hồng, Trương Thanh Nhã… từ mấy chục năm trước đều mê mẩn loài chim này.

Tất nhiên, bạn phải có một bộ đồ nghề kha khá với mức đầu tư tầm 100 triệu đồng để có một body máy ảnh cùng ống kính siêu tele có tiêu cự 600mm (loại trung bình khá).

Nếu rủng rẻng hơn, sắm được một máy cùng ống kính tuyệt đỉnh có giá trên nửa tỉ đồng thì cơ may có ảnh đẹp của bạn càng cao.

Qua biên giới, chụp ảnh sếu đầu đỏ - Ảnh 1.

Vũ điệu hạ cánh

Qua biên giới, chụp ảnh sếu đầu đỏ - Ảnh 2.

Nhưng cái khó nhất là sếu đầu đỏ ngày càng hiếm. Hội Sếu quốc tế (ICF) ước tính năm 1990 sếu đầu đỏ phương Đông có khoảng 1.100 con và được duy trì trên dưới 900 con đến năm 2002.

Sau đó suy giảm khoảng 1% mỗi năm, cho đến năm 2013 còn khoảng 850 con. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến 2019, sếu đầu đỏ suy giảm đến 72%, chỉ còn 234 con. Và năm 2020 ước tính chỉ còn 179 con!

Qua biên giới, chụp ảnh sếu đầu đỏ - Ảnh 3.

Tôi may mắn được nhiếp ảnh gia Lê Văn Đông ở Hà Tiên (Kiên Giang) dẫn đi chụp sếp tại Anlung Pring. Anh Đông năm nay đã 68 tuổi, cầm máy ảnh từ tuổi 15, đã có hơn 20 năm đắm đuối với con sếu đầu đỏ, kể từ khi loài linh điểu này còn ở Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp), rồi qua Kiên Lương, Phú Mỹ (Kiên Giang) và giờ chỉ còn xuất hiện tại Anlung Pring thuộc tỉnh Kampot (Campuchia).

Qua biên giới, chụp ảnh sếu đầu đỏ - Ảnh 4.

Con đường đi vào khu bảo tồn sếu đầu đỏ Anlung Pring khá đẹp với những đoạn hai bên đường là những dãy cây thốt nốt, chỉ có điều nó rất bụi và đầy ổ vui

Bãi cỏ năn kim (thức ăn chính của sếu đầu đỏ) tốt nhất từng là bãi cỏ năn ở Tràm Chim. Nhờ đó mà hơn 30 năm trước các nhà khoa học đã ghi nhận loại chim này, đến mùa kiếm ăn từ tháng 12 đến tháng 4, tụ họp về đây gần ngàn con.

Qua biên giới, chụp ảnh sếu đầu đỏ - Ảnh 5.

Khi rời Tràm Chim, có những năm sếu về Kiên Lương kiếm ăn, nhưng rồi cũng phải tháo chạy trước phong trào nhà nhà đào ao nuôi tôm cùng sự xuất hiện của nhà máy xi măng. Tiếp đến, chúng chuyển sang Phú Mỹ (Kiên Giang), nhưng rồi nơi đây đất cũng chẳng lành…

Theo ICF, mùa sinh sản của sếu đầu đỏ vào khoảng tháng 9 - 11 tại vùng Đông Bắc Campuchia. Đến cuối tháng 12, khi những đồng cỏ năn ở Việt Nam và Campuchia bắt đầu cạn nước, chúng bay về kiếm ăn, đến giữa tháng 4 lại bay đi.

Sau hai năm liền không thấy bóng dáng sếu đầu đỏ, giờ đây những người Việt yêu thích sếu đầu đỏ chỉ còn cách sang Campuchia để ngắm và chụp ảnh.


Qua biên giới, chụp ảnh sếu đầu đỏ - Ảnh 6.

Từ bến xe Hà Tiên tới bãi sếu đầu đỏ ở Anlung Pring chỉ có 27km. Với con người, cánh đồng cỏ năn của Phú Mỹ và Anlung Pring thuộc về hai quốc gia được phân chia bởi một đường gọi là biên giới. Nhưng loài sếu không biết tới đường biên, đấy chỉ là một nơi yên bình để chúng tới…

Qua biên giới, chụp ảnh sếu đầu đỏ - Ảnh 7.

Cánh đồng cỏ năng Anlung Pring – nơi bình yêu để sếu đầu đỏ bay về từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 4 năm sau để kiếm ăn

Sự yên bình dành cho sếu đầu đỏ ở Anlung Pring là kết quả của mô hình thuê đất của người dân để làm nơi cho sếu về, do tổ chức phi chính phủ NarureLife Campuchia (đối tác của BirdLife International, do IUCN Hà Lan tài trợ) thực hiện.

Anlung Pring là một cánh đồng rộng 217ha của hai làng Koh Chamkar và Chress thuộc tỉnh Kampot – thông thương với Việt Nam qua cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang).

Qua biên giới, chụp ảnh sếu đầu đỏ - Ảnh 8.

Một bài viết trên tờ The Guardian tháng 11-2021 cho biết các nông dân ở đây được trả tiền thuê đất một lần cho 10 năm, với giá cao hơn 30% so với thu nhập của họ từ đồng ruộng.

Năm 2020, họ còn được hướng dẫn trồng Boka teourm - một loại lúa hạt ngắn trên diện tích 17ha, một phần số lúa này được để lại cho sếu ăn. Do đất nhiễm mặn và cách trồng hữu cơ nên sản lượng lúa này chỉ đạt không đến 1 tấn/ha.

Nhưng giá trị của dự án không nằm ở sản lượng, quan trọng là tạo thêm nguồn thức ăn cho sếu. Đến năm 2021, diện tích trồng lúa được tăng lên gần 38ha và 5% trong số ấy không thu hoạch mà để lại trên ruộng cho sếu.

Qua biên giới, chụp ảnh sếu đầu đỏ - Ảnh 9.

Đã 6g hơn, khi những tia nắng bình minh bắt đầu ló dạng nên ngắm cảnh sếu đầu đỏ trên bãi ngủ ở Anlung Pring

"Tôi năm nay đã 68 tuổi rồi, hơn 20 năm đắm đuối chụp ảnh sếu, tôi thấy rõ nó ngày càng ít đi.

Vì vậy, tôi làm hướng dẫn cho anh em với mức giá gần như không công để đi chụp cảnh sếu về bãi ngủ lúc hoàng hôn và bay đi ăn lúc bình minh.

Tôi chỉ muốn thật nhiều người được ngắm, được chụp nó và kể lại với cộng đồng càng nhiều càng tốt" - nhiếp ảnh gia Lê Văn Đông nói với tôi.

Qua biên giới, chụp ảnh sếu đầu đỏ - Ảnh 10.

Việc ẩn mình như thế này chỉ mới đạt 80%. Sau khi hoàn tất chỉ còn thấy cái ống kính, để sếu không phát hiện

Chúng tôi lội sình, dò dẫm từng bước thận trọng vào rừng, tiếp cận đàn sếu. Tới điểm có thể chụp ảnh, Lam Lang - người của khu bảo tồn đi theo giám sát - bẻ cây che kín cả người và máy để sếu không thấy.

Qua biên giới, chụp ảnh sếu đầu đỏ - Ảnh 11.

Đã 6g hơn, khi những tia nắng bình minh bắt đầu ló dạng nên ngắm cảnh sếu đầu đỏ trên bãi ngủ ở Anlung Pring

Sáng hôm sau, chúng tôi quay lại bãi sếu trước khi bình minh lên. Vẻ đẹp của đàn sếu trong ánh bình minh hoàn toàn khác lạ. 5h sáng, trời còn tối đen.

Mùa này đến hơn 6h mặt trời mới mọc. Tôi để máy ảnh ở chế độ chụp phơi sáng 5 giây, khẩu độ 9, ISO 800…

Qua biên giới, chụp ảnh sếu đầu đỏ - Ảnh 12.

Lúc này chỉ mới 5g30, trời còn rất tối. Tôi chụp may rủi bằng chế độ phơi sáng để ngắm cảnh sếu đầu đỏ trên bãi ngủ. Cũng có những con đi đi lại lại tạo nên những bóng mờ

Các bức ảnh không thể nét hoàn hảo nhưng bắt trọn một dãy 24 con sếu đang ngủ trên bãi nước lắp xắp. Đến 6h, khi trời hửng sáng, tôi chụp mê mải cảnh đàn sếu đứng im lìm soi bóng xuống nước…

Khi ấy, tôi ước mình được như anh Dã Tràng trong truyện cổ tích, có được viên ngọc giúp nghe tiếng chim muông, để biết được chúng thở than gì về loài người đang tàn phá thiên nhiên…

Qua biên giới, chụp ảnh sếu đầu đỏ - Ảnh 13.

Đây là đôi sếu cuối cùng ở buổi sáng 17-3. Khi đàn chim suốt hàng ngàn con bay loạn xạ, chim trống giang rộng cánh như che chở cho chim mái. Rồi sau đó thì cả hai cùng bay đi bắt đầu một ngày mới lang thang tìm thức ăn

HUY THỌ
VÕ TÂN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0