13/06/2017 17:26 GMT+7

Qatar 'vừa cho, vừa chống' khủng bố

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Quốc gia nhỏ bé nhưng siêu giàu ở vùng Vịnh bị đánh giá là “hai mặt”, “tráo trở” khi một mặt tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố, mặt khác lại đi tài trợ khủng bố.

Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani của Qatar đang đứng trước áp lực và các cáo buộc tài trợ khủng bố từ các nước trong khu vực - Ảnh: Reuters

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9-6 rằng Qatar là một quốc gia “tài trợ khủng bố ở mức độ cao” đã chạm tới nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh. Ngày 5-6, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar với lý do Doha hỗ trợ khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, đe dọa đến an ninh các nước này.

Qatar, tất nhiên, phủ nhận những chuyện này. Vậy thực tế như thế nào? Quốc gia này có thực sự tài trợ khủng bố hay không?

Thiên đường của những kẻ tài trợ khủng bố

Năm 2014, trong danh sách những cá nhân bị Liên Hiệp Quốc và Mỹ xem là tài trợ khủng bố, các cá nhân đến từ Qatar chiếm số lượng đáng kể. Báo chí phương tây khi đó đã chỉ thẳng mặt 20 cái tên và mối quan hệ của những kẻ này với chính quyền ở Qatar.

Điển hình như Abdulrahman al-Nuaymi, một công dân Qatar bị Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc đã chuyển hàng triệu USD cho các chân rết của tổ chức khủng bố al-Qaeda tại Iraq, Syria, Somalia và Yemen. Theo báo The Daily Beast, cựu quốc vương Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa al Thani đã từng mô tả al-Nuaymi như “một người bạn cũ”, giúp ông liên lạc với các nhà chính trị mang tư tưởng Hồi giáo.

Những người này sau đó được xác định là Abulmajeed al-Zindani, một cố vấn của trùm khủng bố Osama bin Laden và ông Ahmed Yassin, người sáng lập phong trào Hamas đấu tranh giành độc lập cho Palestine.

Tại Qatar, Al-Nuaymi được cho đảm nhận các trọng trách quan trọng trong một số tổ chức chính thức, như chủ tịch hiệp hội bóng đá Qatar, thành viên quản trị một tổ chức từ thiện của chính phủ và ngân hàng Hồi giáo Qatar.

Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến Khalid Sheikh Mohammed - kẻ đã lên kế hoạch vụ tấn công ngày 11-9 ở Mỹ. Mohammed đến Qatar vào những năm 1990 và nhận được sự che chở của một số quan chức trong chính phủ Qatar, theo tạp chí Foreign Policy.

Sau vụ tấn công vào nước Mỹ, Washington đã đề nghị Doha cho phép “tiếp cận” Mohammed, nhưng tên này đã biến mất một cách bí ẩn còn những quan chức đã che giấu cho y vẫn tại vị đến hết năm 2013 sau khi Qatar có quốc vương mới.

Năm 2017, có 18 cá nhân và tổ chức của Qatar bị bốn nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đưa vào danh sách tài trợ khủng bố. Trong số này có cả những tổ chức từ thiện được chính phủ Qatar chống lưng.

Mối quan hệ với các nhóm Hồi giáo

Là quốc gia Hồi giáo dòng Sunni, Qatar chia sẻ hệ tư tưởng chung với một số nhóm và phong trào Hồi giáo trong khu vực. Chính quyền Doha không phủ nhận nhưng cũng chẳng xác nhận các mối quan hệ với những tổ chức bị thế giới xem là khủng bố như Al-Qaeda, Mặt trận al-Nusra.

Qatar có quan hệ chính thức với phong trào Hamas ở Palestine và tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) của Ai Cập. Năm 2014, sự ủng hộ của Qatar dành cho MB đã đẩy nước này vào cuộc khủng hoảng ngoại giao với Saudi Arabia, Baharain và UAE.

Tổ chức này trước đó đã lên cầm quyền ở Ai Cập sau bầu cử nhưng bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính của quân đội. Thay vì đứng về phía các nước GCC là ủng hộ phe đảo chính, Qatar đã đứng về phía MB.

Báo cáo của Bộ tài chính Mỹ năm 2014 xác định Qatar là quốc gia đổ tiền nhiều nhất cho Hamas, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Hàng trăm triệu USD đã được Doha đổ vào dải Gaza. Đường sá, nhà cửa, bệnh viện ở các khu vực do Hamas kiểm soát đều có dấu ấn đồng tiền của chính quyền Doha.

Saudi Arabia, Baharain còn cáo buộc Qatar ủng hộ Al-Qaeda, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và một số nhóm hồi giáo dòng Shiite đang gây bất ổn tại các nước này. Các nước này cáo buộc, bằng cách nào đó, nguồn tài chính của Qatar đã gián tiếp được chuyển cho các nhóm khủng bố ở Syria.

Khác biệt về quan điểm

Qatar là nơi đặt căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại vùng Vịnh. Quốc gia này thể hiện vai trò tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố do cả Mỹ và Saudi Arabia dẫn đầu. Trong ảnh: Quốc vương Tamim bin Hamad Al Thani (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump hội đàm hồi tháng 5-2017 tại Riyadh - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận: Qatar là một trong những quốc gia tích cực, đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ở khu vực. Al Udeid - căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở vùng Vịnh, nằm tại Qatar và là địa điểm xuất kích của các chuyến bay không kích IS. Doha còn nằm trong liên minh không kích lực lượng Houthis ở Yemen do Riyadh lãnh đạo.

Nói đến đây, nhiều người sẽ lấy làm lạ, vậy rốt cuộc Qatar đang muốn cái gì khi vừa ủng hộ lại vừa bỏ tiền ra chống khủng bố?

Nguyên nhân có thể nằm ở sự khác biệt về quan điểm và cách định nghĩa khủng bố của chính quyền Doha.

Lấy ví dụ trường hợp phong trào MB. Trong khi tổ chức lâu đời này bị các nước trong GCC xem là khủng bố, Qatar lại tỏ ý ủng hộ. Trong nhiều thập niên của thế kỷ trước, Doha đã che chở các thành viên của tổ chức này bất chấp sự phản đối của chính quyền Riyadh. Hay như Hamas, phong trào đấu tranh giành độc lập của Palestines cũng được Doha ủng hộ.

Tiến sĩ David Andrew Weinberg thuộc Quỹ bảo vệ các nền dân chủ có trụ sở tại Mỹ giải thích: “Cho đến thời điểm hiện tại, Qatar vẫn chưa tiến hành liệt kê danh sách các phần tử hay tổ chức khủng bố như cách mà các nước khác trong khu vực đã làm. Có vẻ Doha đã ủng hộ Ahrar Al-Sham và Liên minh các học giả Hồi giáo quốc tế, hai tổ chức bị UAE liệt vào khủng bố, nhưng Mỹ đã không làm như vậy”.

Tuy nhiên, bất kể sự khác biệt đó là gì, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai lên tiếng cáo buộc Qatar tài trợ khủng bố báo hiệu có thể sẽ có sự chuyển biến trong chính sách sắp tới của Washington đối với Doha. Lợi ích an ninh của quốc gia nhỏ bé này chủ yếu đến từ sự đảm bảo của Mỹ.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên