Xếp hàng đổi tiền tại một điểm đổi tiền ở thủ đô Doha của Qatar ngày 11-6 - Ảnh: Reuters |
Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali Sherif al-Emadi tuyên bố Qatar có thể dễ dàng bảo vệ nền kinh tế và đồng nội tệ của nước này trước các biện pháp trừng phạt của các quốc gia Arab khác.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNBC ngày 12-6, Bộ trưởng al-Emadi cho rằng các nước áp đặt trừng phạt Qatar cũng sẽ bị tổn hại về tài chính do tác động từ lệnh trừng phạt đối với thương mại trong khu vực.
“Nhiều người cứ nghĩ rằng chỉ có Qatar mới bị thiệt hại. Chúng tôi mất một đô-la, họ cũng thiệt một đô-la”, bộ trưởng al-Emadi nhấn mạnh.
Theo Reuters, nhiều ngân hàng nước ngoài cũng đã bắt đầu giảm hoạt động tại Qatar.
Tuy nhiên, bộ trưởng al-Emadi khẳng định lĩnh vực năng lượng về cơ bản vẫn hoạt động bình thường, trong khi nguồn cung thực phẩm và các hàng hóa khác cũng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo ông, Qatar có thể nhập khẩu hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ, vùng Viễn Đông hoặc châu Âu, đồng thời sẽ đa dạng hóa nền kinh tế hơn nữa nhằm đối phó với khủng hoảng.
Thị trường chứng khoán Qatar đã bị sụt giảm 10% sau một tuần xảy ra khủng hoảng và đồng nội tệ cũng đang bị rớt giá.
“Dự trữ ngoại hối và các quĩ đầu tư của chúng tôi hiện đạt hơn 250% GDP. Vậy nên tôi nghĩ không có lý do gì để lo lắng về chuyện đang xảy ra cũng như với chuyện đầu cơ thao túng đồng rial của chúng tôi”, bộ trưởng al-Emadi phân tích.
Qatar là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới, nên nguồn thu chủ yếu từ đây và các khoản đầu tư khắp thế giới.
Qatar đã đầu tư khoảng 350 tỉ USD ra nước ngoài, nhưng các ngân hàng của Qatar đã từng gặp khó khăn do tỷ lệ lãi suất ngày càng cao cũng có thể sẽ bị tác động rất mạnh nếu Saudi Arabia và UAE chọn cách rút tiền gửi của họ tại các ngân hàng của Qatar.
Ngày 11-6, Ngân hàng Trung ương Bahrain vừa ra lệnh cho các ngân hàng hoạt động tại nước này đóng băng tài sản cũng như các tài khoản ngân hàng của 59 cá nhân và 12 đơn vị có liên quan đến Qatar bị cáo buộc có dính líu đến chủ nghĩa khủng bố.
Ngân hàng Trung ương Bahrain đã ban hành chỉ thị cho tất cả các định chế tài chính tại nước này đóng băng tài sản, tiền mặt, tiền gửi, tiền đầu tư, hợp đồng bảo hiểm cũng như tất cả các giao dịch tài chính của các cá nhân và thực thể bị liệt vào danh sách khủng bố.
Ngân hàng Trung ương Bahrain cũng yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin nếu có về các đối tượng thuộc danh sách này càng sớm càng tốt.
Trước đó, ngày 9-6, Ngân hàng Trung ương của Các Tiểu vương Quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cũng đã chỉ đạo các ngân hàng hoạt động tại vương quốc vùng Vịnh này có hành động tương tự đối với các cá nhân và tổ chức liên quan đến Qatar.
Theo các chuyên gia, Qatar có thể tiếp tục trụ được về kinh tế-xã hội với điều kiện cuộc khủng hoảng không được kéo dài. Có thông tin cho biết nguồn dự trữ lương thực của Qatar có thể chịu đựng được trong một tháng.
Căng thẳng ngoại giao giữa các nước khu vực vùng Vịnh xảy ra từ ngày 5-6, khi các nước Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập đã nhất loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, với lý do Doha "ủng hộ các nhóm khủng bố và can thiệp vào những vấn đề nội bộ" của các nước trong khu vực.
Các biện pháp trừng phạt như đóng cửa biên giới và đóng cửa bầu trời không cho bay qua không phận để vào Doha đã cản trở dòng hàng hóa nhập khẩu vào Qatar, đồng thời khiến nhiều quốc gia khác lo ngại về ảnh hưởng đến các giao dịch hiện tại với Doha.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận