Phương pháp giáo dục, quan trọng lắm

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TT - Nhân đọc bài “Sao thầy không lượm mà kêu em lượm?” trên Tuổi Trẻ ngày 24-3, tôi có mấy suy nghĩ.

Kêu gọi không xả rác - Ảnh minh họa.

Thấy rác ở lớp, hành lang, sân trường... thầy lượm cũng là tốt, là cách dạy học bằng sự nêu gương. Một, hai... nhiều lần sẽ cảm hóa được ngay cả với những học sinh có ý thức kém.

Tôi từng hướng dẫn học sinh và tự tay cầm chổi quét mớ giấy vụn xé nát nằm ngay dưới chân một học sinh. Em ấy bây giờ đang học lớp 12, giờ chào cờ cách đây vài tuần tôi vừa nhắc lại chuyện đó.

Thấy rác thầy nhắc - trò lượm là dạy học thành công, đó không phải chỉ là kết quả nhất thời mà là quá trình thực hiện trong thời gian dài, đồng bộ từ ban giám hiệu, thầy cô, lao công tạp vụ và tất cả học sinh.

Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, động viên khen thưởng từ những công việc như trực nhật mỗi buổi sáng trước khi vào học, định kỳ lao động vệ sinh trường lớp, tổ chức “thứ bảy xanh”, tích hợp qua dạy học các bộ môn văn hóa là cần thiết.

Những hình thức này trường nào chắc cũng làm nhưng cần làm thường xuyên mới gặt hái được kết quả: thầy nhắc - trò vui vẻ lượm và hơn nữa là bỏ rác đúng nơi quy định!

Thầy nhắc, trò lượm rác thôi nhưng vấn đề ở đây câu nhắc trong bối cảnh một nhóm học sinh đang vui vẻ... tán gẫu, biết đâu trong số đó có những em “phải lòng nhau” nên câu nhắc dễ bị học sinh phản ứng trở lại tiêu cực vì bệnh sĩ trước bạn bè.

Giá mà thầy gọi lại nhắc nhở nhẹ nhàng vào tai một học sinh nào đó thì chắc không nhận lại câu hỏi “Sao thầy không lượm?”. Vấn đề ở đây là phương pháp giáo dục, quan trọng lắm!

Chỉ một góp ý nhỏ với học sinh Q. (như bài viết nêu) là phương pháp giáo dục thích hợp giúp em nhận ra lỗi của mình, tuy vậy cũng không loại trừ hai khả năng dưới đây:

- Đây là học sinh chuyên có hạnh kiểm và học lực đều khá - tốt trở lên, nên nhanh chóng nhận ra lỗi sau một phút bốc đồng, giương oai trước bạn bè chứ thực chất các em là học sinh ngoan. Chứ với học sinh cá biệt e rằng phương pháp đó chưa giúp em nhận ra lỗi.

- Hoặc các em nhận lỗi cho xong vì sợ thầy... trù dập, có không các bạn? Xin nhường câu trả lời cho bạn đọc.

Tôi đã gặp nhiều học sinh con gia đình khá giả, được nuông chiều nên không quen với việc quét sân trường, lau cửa kính...

Nhưng khi lao động với tập thể lớp, được hướng dẫn đầy đủ thì chính các em là những nhân tố tích cực. Nhà trường kết hợp với gia đình là thế đấy!

Rác trong hộc bàn, lớp học, sân trường ít nhiều thì trường nào cũng có, bỏ rác đúng nơi quy định nghe rất đơn giản, khẩu hiệu ai cũng ủng hộ nhưng không phải tất cả học sinh đều thực hiện tốt. Điều quan trọng ở đây là sự nhắc nhở thường xuyên của thầy cô và hơn thế là nêu gương. Thầy cô bỏ rác đúng nơi quy định, thực hiện “Mắt thấy rác, tay nhặt liền” thì sớm hay muộn sẽ trở thành thói quen cho học sinh của mình.

Bên cạnh đó là đội ngũ lao công tạp vụ, trường cần dành một khoản kinh phí để hợp đồng đủ nhân viên cùng với học sinh dọn dẹp thường xuyên. Bố trí các thùng rác hợp lý, đẹp, bắt mắt có tác dụng kêu gọi học sinh hãy bỏ rác vào đó. Nhà trường xanh, sạch cũng sẽ có tác dụng nhắc nhở học sinh ý thức được và luôn bỏ rác đúng nơi quy định.

Rác ở trường học không phải là vấn đề nhỏ, đây là bài học lớn cho mọi người trong nhà trường và cần làm thường xuyên mới mong xây dựng một nhà trường luôn xanh - sạch - thân thiện.

NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên