11/11/2017 11:28 GMT+7

Phường Bến Thành 'lấy dấu vân tay' dân giải quyết việc dân

BÙI TRƯỜNG GIANG
BÙI TRƯỜNG GIANG

TTO - P.Bến Thành (Q.1, TP.HCM) đã triển khai mô hình phần mềm "lấy dấu vân tay" của người dân để thực hiện cải cách hành chính. Đây là cách làm táo bạo trong thủ tục hành chính.

Phường Bến Thành lấy dấu vân tay dân giải quyết việc dân - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục tách hộ khẩu tại Công an Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Là một người có nhiều năm làm công việc liên quan cư trú, hộ khẩu... ông Bùi Trường Giang, phó trưởng Phòng Tư pháp Q.1 (TP.HCM), đã nói vậy khi gửi đến Tuổi Trẻ bài viết về vấn đề bỏ sổ hộ khẩu.

Nghị quyết 112 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng của Bộ Công an không chỉ làm người dân phấn khởi mà kể cả các cơ quan công quyền cũng thầm mừng. 

Không mừng sao được khi mà sổ hộ khẩu - gắn với người dân và các cơ quan công quyền hơn 45 năm và cũng đã gây ra không biết bao nhiêu khó khăn, vất vả - giờ sắp được bãi bỏ.

bùi trường giang 2(read-only)

Ông Bùi Trường Giang - Ảnh: HỒNG PHI

Một thời tốn kém, vất vả

Những ngày đầu sau năm 1975 và hơn 20 năm sau, lợi ích của hộ khẩu thấy rõ khi việc phân nhóm địa bàn dân cư thời đó còn hạn chế. 

Tuy nhiên, quay lại tìm hiểu các thủ tục hành chính những năm 1980-1990, khi xác nhận giấy tờ hành chính nào đó (sơ yếu lý lịch, đơn xin việc, giấy xác nhận công tác...) người dân đều phải "rinh" nguyên cái sổ hộ khẩu theo để được xác nhận. 

Ngặt nỗi, thời điểm đó kinh tế Việt Nam còn khó khăn, người dân đâu phải ở yên một chỗ để làm ăn sinh sống, có những người muốn xác nhận sơ yếu lý lịch phải vượt hơn cả ngàn cây số chỉ để được xác nhận: "...

Ông/bà Nguyễn Thị Y có hộ khẩu thường trú tại..." gây tốn kém, mất thời gian, công sức của người dân.

Dẫn chứng thêm một câu chuyện thực tế mà chính gia đình tôi, những người xung quanh vướng phải, đó là những năm 1985-1986 khi thay đổi từ giấy chứng nhận đăng ký nhân khẩu thường trú trong hộ sang giấy chứng nhận hộ khẩu thường trú, công an khu vực (thời điểm đó gọi như vậy) thu hết toàn bộ hộ khẩu của người dân để làm thủ tục đổi. 

Các anh tôi cần phải xác nhận sơ yếu lý lịch để xin việc làm lại không có hộ khẩu, phải đợi cho tới khi có giấy chứng nhận hộ khẩu mới được xác nhận.

Mới đây, tôi biết có trường hợp người Việt Nam từ Campuchia về muốn mua nhà mà không thể làm thủ tục mua bán được. 

Đơn giản là vì họ không còn hộ khẩu ở Việt Nam nên khi ra công chứng, phòng công chứng yêu cầu phải có hộ khẩu. 

Người này tuy còn chứng minh nhân dân nhưng cán bộ công chứng không dám chứng vì e rằng bên cơ quan tài nguyên môi trường không chịu, bởi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở ghi theo hộ khẩu.

Với trường hợp này, nếu bỏ đi cuốn sổ hộ khẩu để tích hợp vào mã số định danh công dân thì người dân chỉ cần có thẻ căn cước công dân là có thể xác lập được hợp đồng mua bán. Điều đó bảo đảm tuyệt đối quyền sở hữu tài sản theo tinh thần của Hiến pháp.

Thay đổi mạnh mẽ bằng công nghệ

Năm 2012, P.Bến Thành (Q.1, TP.HCM) đã triển khai mô hình phần mềm "lấy dấu vân tay" của người dân để thực hiện cải cách hành chính. 

Có thể nói đây là cách làm táo bạo, mạnh dạn ứng dụng công nghệ số trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Theo tôi, mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng khi sổ hộ khẩu thực sự bị bãi bỏ.

Phần mềm "lấy dấu vân tay" này tích hợp khá đầy đủ dữ liệu của người dân, hộ dân. 

Cụ thể: khi người dân trong phường cần giải quyết những thủ tục hành chính như công chứng, xác nhận, sao y bản chính... họ chỉ việc nhấn tay vào nút nhận dạng dấu vân tay trên một thiết bị ở trụ sở UBND phường.

Sau đó, người dân chỉ cần thao tác "điền" các thông tin cần thiết và nhấn nút tổng như mua vé tàu điện ở nước ngoài, trên màn hình sẽ hiện ra tất cả các dữ liệu liên quan, như là thông tin về công việc, sao y loại giấy tờ gì, bao nhiêu bản, tốn chi phí bao nhiêu... 

Mọi thông tin của người dân sẽ được gửi đến các bộ phận liên quan và họ chỉ cần ngồi chờ để được gọi tên đóng phí cho các loại giấy tờ cần được xử lý.

Tới thời điểm hiện tại, sứ mệnh của sổ hộ khẩu đã hoàn thành. Tôi nghĩ cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, ứng dụng triệt để kỹ thuật số, công nghệ thông tin vào quản lý hành chính nhà nước, tạo sự tiện ích cho người dân, cán bộ giải quyết thủ tục hành chính bớt đi "gánh nặng" phải đối chiếu, kiểm soát các vấn đề liên quan đến hộ khẩu nói riêng và thủ tục hành chính nói chung.

Chạy nước rút để bỏ hộ khẩu Chạy nước rút để bỏ hộ khẩu Hộ khẩu cũng hành người nước ngoài! Hộ khẩu cũng hành người nước ngoài! Chính phủ quyết bỏ hộ khẩu: Chính phủ quyết bỏ hộ khẩu: 'Ơn giời, ngày đó đến rồi!'
BÙI TRƯỜNG GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên