24/04/2019 20:09 GMT+7

Phụ huynh phản ánh, Nhà xuất bản Giáo dục khẳng định không đặt sai dấu câu

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Phụ huynh phát hiện và bức xúc trước lỗi đặt sai dấu câu trong bài tập đọc sách Tiếng Việt lớp 1, tập 2, trang 142 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Phụ huynh phản ánh, Nhà xuất bản Giáo dục khẳng định không đặt sai dấu câu - Ảnh 1.

Bài tập đọc ngắn nhưng sai 5 lỗi: dấu câu không được đặt liền ngay sau từ cuối cùng của nhóm từ hoặc của câu trước nó.

Chia sẻ trên trang cá nhân, chị P.D. (ngụ TP.HCM) cho biết cuốn sách được in xong và nộp lưu chiểu tháng 1-2016 khiến chị bất ngờ vì bản thân chị đọc nhiều sách nhưng chưa thấy sách nào... bỏ dấu như thế này.

"Các em lớp 1 được dạy như vậy thì thật nguy hiểm bởi các em sẽ tin tưởng vào cái được dạy và mặc định như vậy là đúng", chị ý kiến.

Cô Nguyễn Thị Hoa - giáo viên một trường tiểu học Q.Tân Bình, TP.HCM - đã đối chiếu với một sách giáo khoa khác mình đang dạy được in xong và nộp lưu chiểu tháng 2-2019 thì cũng thấy lỗi như vậy.

Cô cho biết: "Tôi dạy nhiều năm nhưng không để ý, chủ yếu truyền đạt nội dung tình cảm về lòng biết ơn, giờ nhìn nội dung bài dấu câu đặt như thế, đúng là lỗi sai".

Kiểm kê nhiều sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 tập 2 của các em học sinh một trường tiểu học ở quận 1, TP.HCM, tuy có năm in và nộp lưu chiểu khác nhau như 2017, 2018... đều có lỗi sai dấu câu tương tự.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 24-4, ông Nguyễn Văn Tùng - phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - cho rằng vị trí đánh dấu câu trong văn bản đã nêu không phải lỗi sai dấu câu. 

"Đây là quy định thống nhất của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhóm tác giả sách giáo khoa hiện hành được biên soạn từ năm 2002 đến nay. Cách đánh dấu câu đó cũng được Hội đồng quốc gia thẩm định đồng thuận, thông qua trong các vòng thẩm định sách giáo khoa hiện hành", ông Tùng nói.

Ông Tùng cũng giải thích sở dĩ có quy định như trên là do căn cứ vào đặc thù của tiếng Việt ta, trong đó có những chữ ghi nguyên âm có dấu phụ như "ơ, ư" khi là âm kết thúc âm tiết cuối câu đi với các dấu câu có hai ký tự (như ;, :, ?, !) nếu không để ý dễ bị dính giữa dấu câu và dấu phụ của âm tiết liền trước.

"Để khắc phục tình trạng dễ 'dính' giữa dấu phụ và loại dấu câu kể trên, chúng tôi và các nhóm tác giả chọn dùng việc đánh dấu câu các dấu câu này cách một khoảng so với tiếng liền trước. 

Điều này cũng không phải do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tự nghĩ ra mà đã hình thành từ trước đó rất lâu. Nếu trở lại các giáo trình dạy đánh máy chữ (máy cơ), cách đánh vi tính văn phòng từ những năm 2000 đều có quy định này", ông Tùng nhấn mạnh.

Trong khi đó một phó giáo sư về ngôn ngữ học tại một trường đại học ở miền trung chia sẻ: "Tôi chưa thấy quy định nào về khoảng cách dấu câu đối với nguyên âm có dấu phụ như "ư, ơ" thì dấu câu phải viết cách để tránh dính với dấu phụ.

Nếu có quy định này thì tôi cho rằng hơi lộn xộn, nó không được quen dùng. Nguyên âm có dấu phụ hay không dấu phụ, thì quy định dấu cách phải luôn đi liền, vì ngôn ngữ cần tôn trọng đúng khoảng cách".

'Choáng' với sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm

TTO - Trong sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm, lớp 3 học sinh mới bắt đầu làm quen với những câu ngắn, ngữ pháp đơn giản, sang lớp 4 đã "đụng phải" những câu quá dài, ngữ pháp khó hiểu...

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên